Liên quan tới vụ việc cựu phó chủ tịch UBND quận Hà Đông (Hà Nội) Phạm Thị Hòa đã có quyết định cho nghỉ công tác từ 1-11 nhưng vẫn đi làm và ký hàng chục văn bản từ ngày 1 đến 3-11 gây xôn xao dư luận, ngày 9-11, bà Hòa đã có đơn khiếu nại quyết định của UBND TP Hà Nội.
Cụ thể, đơn khiếu nại của bà Hòa nêu rõ ngày 3-8, bà đã có đơn xin nghỉ hưởng chế độ trước thời hạn (nghỉ hưu trước tuổi). Nhưng kể từ ngày nộp đơn, bà chưa được bất kỳ cán bộ, tổ chức nào gặp gỡ, trao đổi, nắm tâm tư, nguyện vọng; hướng dẫn về các quy định, chính sách của Nhà nước đối với trường hợp của bà.
Đồng thời, bà cho biết chưa hề nhận được ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về việc đồng ý hay không đồng ý với đơn đề nghị nghỉ việc của bản thân.
"Đến ngày 6-11, tôi đột ngột được UBND quận Hà Đông thông báo và đưa cho quyết định của UBND TP Hà Nội về việc nghỉ công tác, không công bố, không trao quyết định, không động viên, ghi nhận những đóng góp của cá nhân đối với nhiệm vụ chung" - bà Hòa nêu.
Cựu phó chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho rằng quá trình xử lý đơn và ban hành quyết định nghỉ công tác đối với bà không đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân.
Trước thực tế trên, bà đề nghị UBND TP Hà Nội thực hiện theo đúng quy định.
Về lý do xin nghỉ hưu trước tuổi, bà Hòa trình bày trong đơn việc bà được sắp xếp luân chuyển đi cơ sở tại phường Dương Nội (quận Hà Đông) là không phù hợp với chủ trương của Đảng trong công tác bồi dưỡng cán bộ và tăng cường cán bộ, lãnh đạo đối với đơn vị trọng điểm, có nhiều vụ việc phức tạp.
Đồng thời, bản thân bà đã 54 tuổi 5 tháng, thời gian công tác không còn đủ nửa nhiệm kỳ nên "không đủ để làm tốt một nhiệm vụ mới, giúp đỡ địa phương trọng điểm". Như vậy, theo bà Hòa, mục tiêu của việc luân chuyển, tăng cường cán bộ cho cơ sở của Đảng sẽ không đạt được hiệu quả.
Ngoài ra, bà Hòa cho rằng thời gian từ nay đến Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 không còn nhiều, nên việc luân chuyển bà tham gia Đảng ủy phường Dương Nội sẽ là khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự cho nhiệm kỳ kế tiếp của Đảng bộ cơ sở.
"Tôi làm đơn kính đề nghị Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Ban thường vụ Quận ủy Hà Đông xem xét cho tôi được nghỉ hưởng chế độ trước kỳ hạn. Như vậy, việc xin nghỉ của tôi là do quận dự kiến bố trí cho tôi làm việc khác mà tôi thấy không phù hợp với bản thân, nên tôi xin nghỉ chế độ hay còn gọi là nghỉ hưu trước thời hạn" - bà Hòa trình bày trong đơn khiếu nại.
Tuy nhiên, theo quyết định số 5600 ngày 2-11 của UBND TP Hà Nội về việc cho bà Phạm Thị Hòa nghỉ công tác lại được chiếu theo nghị định số 46 quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.
Trước thực tế trên, bà Hòa cho rằng quyết định này thực chất là cho bà Hòa thôi việc và hưởng trợ cấp thôi việc là không đúng với nội dung đề nghị trước đó của cá nhân.
"Sau gần 34 năm công tác, "thân phận" sau khi nhận quyết định 5600 của tôi là gì? Lãnh đạo? Cán bộ? Hưu trí? Hay công dân tự nguyện đóng bảo hiểm xã hội? Tôi đề nghị UBND TP Hà Nội cho tôi nghỉ theo nghị định 29 của Chính phủ thì phù hợp hơn" - bà nêu đề nghị cá nhân.
Cùng với đó, bà khiếu nại về thời gian ban hành và thời hiệu của quyết định số 5600. Cụ thể, quyết định cho bà thôi việc được ký và ban hành ngày 3-11 nhưng lại có hiệu lực từ ngày 1-11.
Do đó, trong các ngày từ ngày 1 đến 3-11, bà Hòa vẫn làm việc, xử lý, chỉ đạo điều hành các công việc bình thường tại cơ quan và dự các cuộc họp của thành phố theo phân công của chủ tịch UBND quận Hà Đông.
Vì vậy, khi dư luận phản ánh việc bà đã được cho nghỉ việc nhưng vẫn ký nhiều văn bản từ ngày 1 đến 3-11, bà Hòa cho biết đã khiến nhiều người hiểu lầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự cá nhân bà.
Từ thực tế trên, bà Hòa đề nghị các cơ quan thẩm tra, xác minh và thu hồi quyết định số 5600 của UBND TP Hà Nội.
Trao đổi với báo chí, Ban đại diện tiếp công dân TP Hà Nội cho biết đã tiếp nhận đơn của bà Hòa và sẽ nghiên cứu, phân loại, xử lý theo quy trình.
Trước đó, dựa trên đơn xin nghỉ hưu trước tuổi của bà Phạm Thị Hòa, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định cho bà Hòa nghỉ công tác từ ngày 1-11, theo nghị định số 46 của Chính phủ.
Nhưng sau đó, có thông tin phản ánh trong các ngày 1 đến 3-11, bà Hòa vẫn ký nhiều văn bản chỉ đạo; tham dự nhiều cuộc họp, phát biểu tại nhiều hội nghị của quận với vai trò phó chủ tịch UBND quận Hà Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận