Bà Frances Haugen trả lời một loạt câu hỏi từ các nghị sĩ châu Âu trong phiên điều trần ngày 8-11 - Ảnh: AP
Theo Hãng tin Bloomberg, phiên điều trần của nữ cựu nhân viên Facebook diễn ra trong bối cảnh giới nghị sĩ châu Âu đang trong quá trình soạn thảo dự luật mới chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát các nền tảng công nghệ cũng như ảnh hưởng của chúng với khu vực.
Những lời mở đầu phiên điều trần của bà Haugen đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng lớn từ các nghị sĩ cấp cao châu Âu. Trong đó bà nói: "Mỗi ngày Facebook đều lựa chọn lợi nhuận hơn là sự an toàn", và bà ủng hộ dự thảo luật của Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết các vấn đề của Facebook cũng như những công ty mạng xã hội tương tự khác.
Bà Haugen nói với các nghị sĩ rằng số lượng các ngôn ngữ khác nhau được nói trên toàn châu Âu nên được xem là vấn đề lo ngại đặc biệt. Nói ra điều này, bà Haugen căn cứ vào những quan sát của mình về việc Facebook đã kích động bạo lực diệt chủng nhắm vào cộng đồng người thiểu số Hồi giáo tại Myanmar như thế nào.
Nghị viện châu Âu đã mời bà Haugen tới Brussels điều trần sau khi bà tiết lộ một loạt tài liệu nhạy cảm nội bộ của Facebook với báo giới cũng như chính quyền Mỹ, cáo buộc Facebook đã chú trọng tới lợi nhuận của họ hơn là việc kiểm soát nội dung không phù hợp, thậm chí phi pháp trên nền tảng.
"Thực tế là họ có thể trả tiền cho hơn 10.000 kỹ sư để phát triển các video game trong khi lại không thể có 10.000 kỹ sư làm việc để bảo vệ an toàn cho chúng ta, tôi thấy điều đó là vô lý", bà Haugen nói tại Brussels.
Những bình luận của cựu nhân viên Facebook cũng tương đồng với quan điểm của nghị sĩ Anh Nadine Dorries đưa ra tuần này, cho rằng Facebook nên tập trung lo cho sự an toàn của người dùng trên các nền tảng hiện có của họ trước khi tạo thêm một cái gì mới.
Facebook, hiện là một công ty con của Công ty Meta Platforms, đã bác bỏ những cáo buộc của bà Haugen, cho rằng những nội dung bà tiết lộ và các cáo buộc của bà không thể được dùng để đưa ra những kết luận thiếu công bằng với họ.
Nghị viện châu Âu đang xem xét một dự luật đề xuất có tên Đạo luật các dịch vụ số (Digital Services Act), trong đó các nền tảng công nghệ như Facebook hay Google có thể đối mặt với mức phạt lên tới 6% tổng doanh thu toàn cầu nếu không kiểm soát được các nội dung độc hại, phi pháp trên nền tảng của họ. Dự luật này dự kiến được phê chuẩn thành luật trong năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận