Các ngư dân trên con tàu QNa 91739 TS gặp bão bị nạn vào tháng 10-2017 được bộ đội trên đảo Song Tử Tây cứu giúp - Ảnh: VŨ VIẾT BẰNG
Việc huy động toàn bộ lực lượng, cơ sở vật chất trợ giúp ngư dân đánh bắt ở vùng biển Trường Sa cũng là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác vận động thế trận lòng dân, cùng nhau đoàn kết giữ vững thềm lục địa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chuẩn đô đốc NGUYỄN ĐỨC VƯỢNG
Đó là một đoạn trong lá thư xúc động được viết bằng bút chì trên giấy ô li nắn nót của ngư dân Phạm Bảo Ngoan gửi ban chỉ huy quân sự, cán bộ chiến sĩ và cư dân trên đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo , Khánh Hòa).
Anh Ngoan là một trong 34 ngư dân trên con tàu QNa 91739 TS bị nạn vào tháng 10-2017 được cứu, trong khi hai ngư dân khác đã mãi mãi ra đi.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng, chính ủy Vùng 4 Hải quân, nói: "Ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc, hàng chục năm qua quân và dân Trường Sa vẫn kiên cường chống chọi với thiên tai, trong mưa bão giành giật giữ lại mạng sống các trên biển, giống như một cuộc chiến giữa thời bình lắm gian nan và đầy thử thách".
Cứu 34 ngư dân trên con tàu đắm
Những ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa thì cơn bão số 12 (Damrey) lớn nhất trong lịch sử suốt mấy chục năm trên vùng Biển Đông hình thành.
Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng, chính trị viên đảo Song Tử Tây, kể: "Ngay từ cuối tháng 10 khi trung tâm khí tượng thủy văn đưa tin về cơn bão số 12, chúng tôi đã thông báo kêu gọi các ngư dân vào âu tàu để tránh bão.
Khi 3.000 ngư dân với 200 tàu đã vào âu tàu Song Tử Tây tránh bão thì tàu QNa 91739 TS vẫn không vào, liều mình tiếp tục đánh bắt do thời điểm mưa bão, biển càng động thì tôm cá càng nhiều".
Đến ngày 31-10, cơn bão số 12 bắt đầu mạnh lên. Thuyền trưởng tàu QNa 91739 TS là ông Lương Tấn Sỹ (48 tuổi) mới di chuyển vào âu trú ẩn. Tuy nhiên sóng lớn, gió mạnh khiến thuyền trưởng mất lái, tàu ngả nghiêng và bị sóng biển đánh vỡ, ngư dân bị văng từ trên tàu xuống biển.
Vị trí tàu chìm ở cửa âu cách đảo Song Tử Tây khoảng 70m.
"Ngay khi nhận được tin báo, chúng tôi lập tức huy động toàn đội ứng cứu. Bão đang mạnh dần lên, cột sóng cao đến 5-6m dội vào liên tục nên không thể dùng canô hay các phương tiện cứu hộ. Để tiếp cận ngư dân chỉ còn cách bộ đội chèo bằng thuyền thúng, bơi ra" - thượng tá Hồng kể lại.
Đến được con tàu thì các ngư dân bị nạn đã xuống sức rất nhiều, vừa lúc cơn mưa biển kéo đến. Mưa lớn che hết tầm nhìn, đưa vào sẽ rất nguy hiểm. Một phương án bộ đội trên đảo áp dụng là dùng dây kéo ra buộc vào cọc chống sóng, một đầu ở âu tàu, để ngư dân bám vào dây lên bờ.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên hai ngư dân đã bị chìm và mất tích. Quân và dân trên đảo nỗ lực tìm kiếm đến 9h thì tìm thấy nhưng không thể cứu được, họ đã tử nạn.
Một khó khăn nữa đặt ra là bảo quản hai thi thể ngư dân khi trạm xá không có phòng lạnh, không đủ phooc-môn hạn chế hoại tử. Các bác sĩ đã rang gạo, dùng chè khô ướp thi thể; bộ đội, quân y trên đảo Song Tử Tây đã làm đá, để trong hai chiếc tủ bảo ôn cho khí lạnh tỏa ra để hạn chế thi thể hoại tử.
Gần 10 ngày sau, bão tan, biển bớt động, ngư dân cùng hai thi thể được tàu hải quân đưa về đất liền.
Lấy thuốc dự trữ chiến đấu để cứu người
Anh Lê Văn Tĩnh (thôn Tân Hải, xã Long Hải, huyện Phú Quý, Bình Thuận) xúc động tâm sự rằng nếu không có bộ đội, lực lượng quân y trên đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) thì anh đã tử nạn không còn được đoàn viên cùng vợ và hai con nữa.
Vào 6h15 ngày 17-7-2018, đang cùng các thủy thủ khác đánh bắt hải sản trên con tàu BTH 97688 TS và khi hạ xuồng xuống thì sóng lớn đánh trụ thuyền gãy. Trụ thuyền cao 5m, kích thước 35cm đổ xuống đập vào người anh Tĩnh, rất nguy kịch.
Tình hình càng nguy hiểm hơn khi số thuốc trên đảo Thuyền Chài không đủ và không thể duy trì thêm thời gian giữ mạng sống anh Tĩnh để chuyển vào đất liền cấp cứu.
Thiếu tá Vũ Viết Bằng, trưởng ban tuyên huấn Vùng 4 Hải quân, lập tức báo cáo Quân chủng và Tổng cục Tham mưu vùng lên phương án xử trí.
"Cứu người là cấp bách, Tổng cục Tham mưu vùng chỉ đạo lấy cơ số thuốc dự trữ chiến đấu cứu sống ngư dân. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng điều động trực thăng EC225, binh đoàn 18 và kíp quân y Bệnh viện 175 ra ứng cứu" - thiếu tá Bằng kể lại.
Suốt bảy tiếng đồng hồ trên máy bay, sự sống anh Tĩnh ngàn cân treo sợi tóc khi đứng tim, ngừng đập hai lần.
Lực lượng quân y và bác sĩ Bệnh viện 175 trực tiếp cứu chữa là bác sĩ chuyên khoa 1, thiếu tá Trịnh Văn Tuấn, quân y đảo Thuyền Chài đã dùng nhiều cách, chích điện duy trì lại nhịp tim cho anh Tĩnh.
Chẩn đoán chỉ còn 10% sống sót, anh Tĩnh được mổ cấp cứu khẩn cấp khi vừa đáp xuống Bệnh viện 175 và được cứu sống. Toàn bộ quá trình xử lý cấp cứu tại đảo, chi phí trực thăng, bệnh viện, mổ... cho anh Tĩnh đều được Quân chủng Hải quân hỗ trợ.
Ngư dân Huỳnh Linh (19 tuổi) bị trượt chân ngã khi đang kéo lưới, bị vật sắc nhọn trên tàu đâm trúng thành ngực. Do mất máu nhiều, lúc lên đảo Linh đã hôn mê sâu. Chỉ huy đảo kêu gọi toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Song Tử Tây sẵn sàng hiến máu.
Năm người có cùng nhóm máu được truyền trực tiếp cứu sống Linh. Sau ca mổ, bệnh nhân được trực thăng đưa thẳng vào đất liền điều trị.
Theo chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng, toàn Vùng 4 Hải quân, từ tháng 11-2017 đến nay, lực lượng quân y quần đảo Trường Sa đã khám, điều trị cho 1.244 lượt quân, dân trên đảo và bà con ngư dân, cấp cứu cho 64 lượt ngư dân và nhân dân trên quần đảo, hỗ trợ miễn phí 198.000 lít nước ngọt, sửa chữa 9 lượt tàu cho bà con ngư dân.
Có những thời điểm ca cấp cứu bác sĩ phải huy động bộ đội toàn đảo hiến máu cứu người hoặc có khi làm đá, rang gạo bảo quản thi thể chờ đưa về đất liền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận