Đội tàu của ngư dân Quảng Ngãi ra khơi vào những ngày đầu năm - Ảnh: T.Mai |
Ở xứ cù lao miền biển này nhà nhà quẫy đạp trùng khơi, hơn 300 nóc nhà mà có đến gần 250 chiếc tàu công suất lớn nhỏ. Trong đó gần một nửa có công suất 400CV trở lên chuyên quần thảo ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.
Mùa biển mới ở cù lao
Ngày 28-2 (tức mùng 10 Tết Ất Mùi), cù lao Mỹ Tân mở hội, trước cổng chào treo một băngrôn lớn “Đại lễ tế thần Đông Hải”. Người trong làng đang chuẩn bị những mâm cỗ đầy cùng nghi thức chèo thuyền và hát bã trạo cầu một năm mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều cá tôm.
Cũng giống như các vùng biển ở miền Trung khác, nghi thức tế thần Đông Hải là một công việc trọng đại của làng.
Tiếng trống hội rộn rã, những đứa trẻ đóng vai ngư dân hào hứng khi bật mạnh tay chèo đưa chiếc thuyền hướng về phía cửa biển. Có lẽ từ trong tiềm thức những người đi biển ở đây luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa nên trong lời tế thần có cả những câu “Hoàng Sa nối Bãi cát vàng - Nước non một cõi thần hoàng chứng minh”.
Khi nghi thức chèo thuyền và cúng bái vừa xong, chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân lão luyện là những người đầu tiên lên tàu kéo dây neo, nổ máy dong thuyền tiến về cửa biển trong tiếng trống giục liên hồi.
Các tàu khác nối thành một đoàn dài khiến chúng tôi chợt nhớ đến đoàn tàu mô hình trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra hằng năm ở đảo Lý Sơn, nơi tướng Phạm Hữu Nhật cùng đội hùng binh đi cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng giống như những ngư dân ngày mở hội, ông Bùi Hiệp cảm thấy rất vui khi chiếc tàu QNg 95157 của gia đình mình có một năm đánh bắt thành công và mọi công việc chuẩn bị khởi đầu năm đánh bắt mới đã xong. Chuyến này ông cũng ra khơi cùng 35 ngư dân là anh em trong dòng họ trên chiếc tàu câu mực của gia đình.
Từ sau ca mổ ruột thừa ở bệnh xá đảo Trường Sa vào tháng 10-2014 ông phải ở nhà dưỡng bệnh, nỗi nhớ biển in hằn trong đôi mắt cứ hướng về phía cửa biển của ông. Lần đó ông bị viêm mủ ruột thừa ngày thứ tư khi đang đánh bắt ở khu vực đảo Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đêm đó, thuyền trưởng Bùi Hầu đã bỏ ngư trường chạy xuyên đêm đưa người em trai lên đảo nhờ quân y cứu chữa.
Hiện tại vết mổ mà quân y bệnh xá đảo Trường Sa rạch nơi góc bụng phải đã lành. Ông đang nóng lòng trở lại biển khơi đánh bắt và ghé đảo Trường Sa để cảm ơn những ân nhân của mình.
Ngồi trên chiếc tàu có công suất 444CV đã gắn bó với mình hơn 10 năm, ông Hiệp nhớ lại hôm đó ông được năm ngư dân đưa vào đảo đúng ngày thứ hai, ở đó đang diễn ra lễ chào cờ.
Đại úy Huỳnh Thanh Bình, bệnh xá trưởng đảo Trường Sa, cùng với y bác sĩ tiến về phía trước nghiêm trang chào cờ, rồi xin thượng tá Phạm Văn Hòa, chỉ huy trưởng đảo, trở về bệnh xá khám bệnh và mổ cho ông, chỉ sau chưa đầy một giờ siêu âm kiểm tra.
“Nếu hôm đó bác sĩ trên đảo không mổ cấp cứu kịp thời chắc đời tui xong rồi chứ đừng nói là đi biển”, ông Hiệp cười nói.
18 tuổi ông trở thành ngư dân, giờ đã bước sang tuổi 56. Biển cả với ông không còn là mưu sinh nữa mà hơn hết nơi ấy chứa đựng tình cảm của cả đời người. Biết bao thăng trầm ông đã trải qua và nỗi nhớ có lẽ đã chia cho nhiều sự kiện trọng đại trong cuộc đời mình.
Nhưng ông Hiệp không thể nào quên những y bác sĩ ở đảo Trường Sa đã dành cho mình trong suốt 16 ngày điều trị nội trú ở đây.
“Các bác sĩ quá tốt, họ không chỉ cứu tôi mà còn điều trị miễn phí hoàn toàn, ngay cả ăn uống trên đảo của tôi và hai đứa cháu chăm sóc cũng được miễn. Mấy ngày đầu tiên sau mổ, các bác sĩ thay nhau trực cả đêm theo dõi bệnh tình. Khi trở về nhà, đại úy Bình và các bác sĩ khác cũng gọi điện hỏi thăm, tết rồi cũng nhận được mấy cuộc điện thoại chúc tết của các y bác sĩ. Tôi và gia đình mình mang ơn họ, chuyến này đi biển tôi sẽ ghé đảo thăm và cảm ơn”, ông Hiệp nói.
Ngư dân Bùi Hiệp (phải) sau ca mổ ở Trường Sa nay đã khỏe mạnh tiếp tục ra khơi - Ảnh: T.Mai |
Có điểm tựa, lại vươn khơi
Không giống như ở cù lao Mỹ Tân, làng chài An Phổ (xã Phổ An, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã mở hội biển đầu năm từ hôm mùng 3 tết, nơi bến neo tàu chỉ có vài chiếc tàu công suất nhỏ, số còn lại đã ra khơi.
Khi chúng tôi đến An Phổ hôm mùng 5 tết, chiếc tàu QNg 94567 đã ra đến cửa biển Mỹ Á. Ngư dân Nguyễn Dùm, người bị gãy đứt lìa xương cẳng chân phải trong một lần đánh bắt ở đảo Đá Tây vào tháng 1-2014, cũng đang có mặt trên tàu.
Trong tiếng gió rè rè, ông Dùm nói qua điện thoại: “Chân thì ổn rồi, có thể đi biển được nhưng hết phiên biển này tôi ra Bệnh viện Quân y 117 (TP Đà Nẵng) để các bác sĩ tháo vít theo đúng lịch hẹn”.
Chúng tôi hỏi sao không để tháo vít xong rồi đi thì nhận được từ ông câu trả lời gọn trơn: “Sau tai nạn đó tôi đi mấy phiên rồi. Phiên này đầu năm phải đi chớ ở nhà không có sóng dập nhớ lắm...”. Chưa kịp nghe hết cuộc điện thoại thì tiếng tút tút vang lên, có lẽ điện thoại đã mất sóng nên ông không thể tiếp tục trò chuyện được.
Những ngư dân can trường mà chúng tôi từng gặp vẫn thế, không gì có thể ngăn cản được tình yêu họ dành cho biển, ngay cả trong những ngày biển Đông dậy sóng, ở cảng Sa Kỳ tàu cá ra vào thậm chí còn tấp nập hơn.
Những câu nói: “Biển mình, mình làm sợ gì” hay: “Cứ ra xem nó làm gì mình” của những ngư dân Lý Sơn, Bình Sơn chỉ mới đôi mươi hay già dặn sóng nước vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí chúng tôi.
Trong một lần thức trực Icom cùng với phó chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) Bùi Hồng Vân, chúng tôi vẫn còn nhớ tàu của ngư dân Đặng Tằm, Võ Bá Nha, Nguyễn Văn Quang bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 306 tấn công, ngư dân Nguyễn Tấn Quang và Lê Anh bị thương, các tàu đều bị hư hỏng nặng, các ngư dân vẫn kiên cường bám biển quyết không lùi bước.
Hôm nay khi nghe các ngư dân được y bác sĩ các đảo cứu sống ở Trường Sa trở lại biển khơi, chúng tôi cảm thấy ấm lòng.
Ngư dân Lê Quang Minh (thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) được các bác sĩ Trường Sa cứu sống một cách thần kỳ vẫn chưa thể ra khơi bởi sức khỏe còn yếu lắm. Vậy mà chàng trai trẻ chỉ mới bước qua tuổi 26 vẫn nói chắc nịch: “Dưỡng bệnh xong tôi sẽ ra khơi trở lại, có điểm tựa như thế chẳng có lý gì tôi không ra khơi”.
Nhớ đến những người đã cứu sống mình, trong phiên biển đầu năm này anh Minh cũng kịp viết một lá thư nhờ các ngư dân chuyển đến y bác sĩ ở đảo Trường Sa. Anh nói bức thư là lời cảm ơn mà gia đình anh gửi đến những người lính làm nghề y giữa biển khơi.
_________
Kỳ tới: Tổ quân y đầu tiên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận