12/03/2015 13:23 GMT+7

Cứu người giữa trùng khơi - Kỳ 2: Vật lộn sóng gió, cứu ngư dân

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
TRẦN MAI - THÂN HOÀNG

TT - Mùa biển động, những con sóng lớn luôn rình rập con thuyền nhỏ bé của ngư dân. Vào ban đêm sóng gió càng đáng sợ hơn thế gấp bội lần.

Ca mổ tại bệnh xá đảo Trường Sa cứu bệnh nhân Trần Văn Giáp - Ảnh bệnh xá cung cấp

Vậy mà có những ngày các chiến sĩ quân y phải vật lộn với sóng gió và thể hiện trách nhiệm cao cả là cứu cho bằng được mạng sống người dân trước khi nghĩ đến mình.

Cuộc điện thoại trong đêm

18g ngày 6-1-2014 một cuộc điện thoại từ nhà giàn DK1 Phúc Nguyên gọi đến bệnh xá đảo Trường Sa, giọng nói rè rè bởi gió biển thổi mạnh.

Phía bên kia đầu dây cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần có người bị đau nặng cần phải cấp cứu gấp, như sợ bác sĩ trực ở bệnh xá không nghe thấy.

Để cứu người nhanh nhất, một chiếc tàu xuất phát từ nhà giàn Phúc Nguyên chuyển bệnh nhân đi và dự kiến thời gian tới bệnh xá đảo Trường Sa tầm 2g sáng.

Cả bệnh xá túc trực nơi bến cảng để đợi tàu chở bệnh nhân đến. Nhưng quá giờ hẹn nửa tiếng rồi một tiếng vẫn không thấy tàu cập cảng. Bệnh xá quân y như ngồi trên lửa bởi lo lắng cho sức khỏe của bệnh nhân và chiếc tàu liệu có vượt qua được những con sóng lớn.

“Hôm đó trời mưa rất to, chiếc lán trại che tạm nơi cầu cảng không chịu nổi sức gió cứ phần phật như muốn rách làm đôi, trong khi mọi liên lạc với tàu chở bệnh nhân lại không có tín hiệu” - bác sĩ Lê Minh Phong kể.

Những ngày đầu năm sóng lúc nào cũng cấp 7, cấp 8, những con tàu công suất lớn mới dám cưỡi sóng. Nhưng tình thế cấp bách, câu chuyện bản thân mình trở nên “lỗi thời” và được thay thế bằng lòng hi sinh và trách nhiệm của một người thầy thuốc.

Ca trực ở cầu cảng đảo Trường Sa hôm đó là toàn bộ đội ngũ y bác sĩ trên đảo. Ai nấy sốt ruột bởi mỗi giây trôi qua là tính mạng bệnh nhân sẽ bị thu ngắn lại.

Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” đó, đại diện bệnh xá lên xin ý kiến thượng tá Phạm Văn Hòa, chỉ huy đảo Trường Sa kiêm chủ tịch thị trấn Trường Sa, về việc đưa tàu chạy ra biển đón bệnh nhân, gặp ở đâu sẽ cấp cứu ở đó.

Thượng tá Hòa nhanh chóng thông qua quyết định. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong thì ánh chớp đỏ và ánh sáng đèn tàu phía ngoài khơi xa xé mưa tiến về đảo. Khi ấy đã 3g sáng.

“Lúc đó anh em hải quân từ nhà giàn Phúc Nguyên đến đảo đều ướt nhẹp. Ngay cả bệnh nhân cũng chống chọi cơn đau mà cơ thể run lẩy bẩy vì lạnh” - thượng tá Hòa kể.

Một chiếc tàu từ đảo Trường Sa Lớn bất chấp mưa to gió lớn mang theo bác sĩ, dụng cụ y tế tiến ra phía biển cấp cứu cho bệnh nhân Trần Văn Giáp (20 tuổi, quê xã Hải Phú, H.Hải Hậu, Nam Định) ngay trên biển, trước khi cập cảng tiếp tục cứu chữa.

Thêm một cuộc điện thoại lúc rạng sáng từ đảo Trường Sa vào Bệnh viện quân y 175 để hội chẩn bệnh cho Giáp.

Với tình trạng đau ruột phải, sốt, nôn, tiêu chảy, các bác sĩ bệnh xá và Bệnh viện 175 xác định bệnh nhân bị viêm ruột thừa giờ thứ 28 phải tiến hành mổ cấp cứu gấp, tránh vỡ ảnh hưởng đến tính mạng.

Có lẽ mạng sống con người giữa trùng khơi mong manh hơn đất liền rất nhiều nên chỉ cần chậm một giây là có thể vĩnh viễn không thể cứu chữa được. Vậy cho nên đến 3g15 các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, kịp thời giữ lại tính mạng cho Giáp.

Cho đến nay, Giáp vẫn còn nhớ cơn đau ngày hôm đó, qua điện thoại ra nhà giàn Phúc Nguyên Giáp nói đùa với chúng tôi:

“Cái bụng còn sợ bác sĩ đảo Trường Sa nên tôi mới có thể sống được trong điều kiện thời tiết biển động và cơn đau quặn ngày hôm đó”.

Thiếu úy Bùi Viết Tuyến (trái) từng băng sóng bằng xuồng CQ đưa ngư dân sang đảo Trường Sa cứu chữa - Ảnh: trần mai

Cứu người như cứu hỏa

Có những ca bệnh nặng, ngư dân chỉ kịp đưa bệnh nhân vào các đảo chìm nhờ sự can thiệp để duy trì mạng sống cho ngư dân trên tàu mình. Họ đặt niềm tin vào các chiến sĩ quân y sẽ giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn mà mình gặp phải trong chuyến ra khơi.

Thiếu úy Bùi Viết Tuyến từng ở trong hoàn cảnh đó, một quyết định sống còn của cái tâm người thầy thuốc trở nên quý giá hơn mọi thứ trên đời.

Dù chỉ nghe qua lời kể của anh Tuyến và thượng úy Nguyễn Văn Hùng, chính trị viên đảo Đá Lát, chúng tôi cũng có thể hình dung được sự việc diễn ra ngày 18-3-2014 tại đảo khi ngư dân Phạm Văn Nên (quê Quảng Ngãi) trên tàu cá QNg 96174 bị sợi dây neo đập nát gối phải.

Vết thương bị nhiễm trùng nặng. Trang thiết bị y tế ở đảo Đá Lát không đủ để cứu một ca nặng như thế, chỉ còn cách chuyển lên đảo Trường Sa mới có hi vọng giữ lại được chân cho người ngư dân không may mắn.

Hôm chúng tôi đến Đá Lát thời tiết khá tốt, sóng vẫn còn êm, vậy mà mỗi lần chiếc xuồng dập dìu trên mặt nước cánh phóng viên đều toát mồ hôi hột thì cũng có thể cảm nhận được sự nguy hiểm cao độ khi phải đưa bệnh nhân rời đảo lúc áp thấp nhiệt đới tăng cường và đại dương bắt đầu nổi sóng to.

Thú thật khi còn nhỏ chúng tôi từng chơi trò kết bè chuối vượt sông Trà Khúc mùa lũ, cảm giác ớn lạnh khi ra giữa dòng nước mỗi lần nhắc lại vẫn khiến người ta hồi hộp dù chỉ cần cố gắng bơi sẽ tới được bờ.

Vậy mà ở đây bốn bề là sóng nước biết lấy niềm tin từ đâu khi giao mạng sống cho một chiếc xuồng CQ bé nhỏ giữa biển khơi bao la.

Nhưng trách nhiệm cứu người, anh Hùng và Tuyến vẫn quyết định bằng mọi giá phải chuyển được ngư dân Nên lên đảo Trường Sa.

“Khi chiếc xuồng chưa ra hết rạn san hô thì bị sóng đánh mạnh mất lái trôi dạt, dù cố gắng sửa chữa cũng không thể làm chiếc xuồng đi theo đúng hướng. Tôi liền đưa một chiếc xuồng CQ khác ra thay thế tiếp tục chuyển bệnh nhân đi” - anh Hùng kể.

Thú thật lúc đó những người lính hải quân đã chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình để cứu người. Có lẽ ở Trường Sa, tình quân dân giống như anh em cùng mẹ đồng cha.

Sóng nước có thể thay đổi theo mùa nhưng nhiệm vụ và trách nhiệm của người lính quân y là không thể thay đổi dù sóng lớn hay sóng nhỏ, người dân cần trợ giúp là sẵn sàng ra khơi.

Anh Tuyến tâm sự: “Mười hải lý hôm đó chiếc xuồng đi mất hai giờ, dù tôi là lính đảo nhưng cũng chưa bao giờ đi xuồng xa như thế nên rất mệt. Khi đến đảo Trường Sa, chuyển bệnh nhân vào đến bệnh xá là tôi cũng nôn ói vì say sóng”.

Trước lúc chia tay đảo Đá Lát, khi biết chúng tôi có người quê Quảng Ngãi, anh Tuyến dúi vào tay tôi một tờ giấy ghi số điện thoại và địa chỉ nhà anh Nên.

Anh nhắn nếu có dịp đi công tác ở xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) thì ghé thăm hỏi xem gối anh Nên đã lành chưa, có thể ra khơi trở lại được không và cho anh Tuyến ở đảo Đá Lát gửi lời hỏi thăm.

_____________

Kỳ tới: Bên trong bệnh viện di động

 

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên