11/03/2015 12:37 GMT+7

Cứu người giữa trùng khơi

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
TRẦN MAI - THÂN HOÀNG

TT - Dẫu nhiều cực khổ và hi sinh nhưng có người đã gắn bó đời quân y của mình cả chục năm trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cứu người như một mệnh lệnh nơi trái tim họ, giữa biển cả.

Bác sĩ quân y Thái Đàm Lương chữa bệnh cho ngư dân Nguyễn Văn Hội (35 tuổi, quê An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) - Ảnh: Trần Mai

 

Tàu quân y - Ảnh: Trần Mai

Giữa bão dông biển cả, thời tiết khắc nghiệt có những người lính dù không trực tiếp cầm súng nhưng vẫn đang ngày đêm “chiến đấu” trong “cuộc chiến” giành giật sự sống cho những người bệnh nơi biển đảo xa xôi.

Dẫu nhiều cực khổ và hi sinh nhưng có người đã gắn bó đời quân y của mình cả chục năm trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cứu người như một mệnh lệnh nơi trái tim họ, giữa biển cả.

Ở Trường Sa, cuốn sổ bệnh ngoài công dụng như hàng trăm cuốn sổ khác ở khắp Tổ quốc này còn giống như nhật ký cứu người. Bởi giữa trùng khơi, cuốn sổ bệnh ngoài tên bệnh nhân còn là số điện thoại, số hiệu tàu... mà các bác sĩ chẳng thể nào quên.

Cuốn sổ như những thước phim quay chậm lưu giữ lại những câu chuyện cứu người giữa vùng sóng gió này.

Các y, bác sĩ công tác ở bệnh xá đảo Trường Sa - Ảnh: Trần Mai

Nhật ký cứu người

Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là đảo chìm Đá Lát, nhìn từ xa chỉ là ba ngôi nhà nhỏ chênh vênh bên nền san hô thấp thoáng dưới màu xanh lơ của biển.

Vì là nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến nên trước khi xuống xuồng vào đảo, đại tá Bùi Hải Phước - phó lữ đoàn trưởng, tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 - dặn dò rất nhiều điều mà ông tích góp được trong cả đời sống với Trường Sa, từ chuyện xuống tàu, tư thế ngồi xuồng, đi đứng trên đảo... bởi biển rất hiền hòa nhưng cũng rất vô tình.

Không giống như ở các đảo nổi, bệnh xá đảo Đá Lát chỉ là một căn phòng nhỏ duy nhất một giường bệnh, chiếc giường nằm dưới tầng trệt, bên ngoài khung cửa sổ chừng nửa mét vuông là sóng biển bao la.

Trước khi gặp thiếu úy Bùi Viết Tuyến, chúng tôi không thể ngờ rằng chiếc giường bệnh nhỏ ấy đã cứu chữa cả ngàn ngư dân từ khi căn phòng ấy là bệnh xá.

Thiếu úy Tuyến mới ra công tác được một năm, chỉ chừng ấy thời gian mà anh đã chẳng thể nào quên được những khuôn mặt cháy nắng bước vào bệnh xá với cơn đau quằn quại. Chưa cần mở sổ bệnh, anh đã kể trong một năm qua có 50 ca nhiễm khuẩn nặng, 24 ca ngộ độc, xin thuốc thì lên đến vài trăm.

Những khuôn mặt ăn sóng nằm gió quanh năm ở vùng biển trời của Tổ quốc, anh Tuyến chưa quên bất kỳ trường hợp nào. Chúng tôi nghe anh kể về 10 ngư dân Quảng Ngãi trên chiếc tàu cá QNg 95410 vào bệnh xá ngày 26-3-2014 trong trạng thái hốt hoảng cao độ.

Ngư dân Đặng Thanh Hoa sốt 39OC, chỉ còn hơi thở và nhịp tim là niềm tin cho chín con người còn lại biết anh còn sống.

Đó là buổi sáng sóng rất êm, chiếc tàu cá chạy hết tốc lực, nơi chiếc tàu qua để lại đám khói lớn như một trận cháy dữ dội vừa diễn ra, rồi chiếc tàu dừng lại, chiếc thúng chai chao đảo đưa một người nằm im lìm qua rạn san hô cập đảo. Tiếng hét lớn: “cứu... cứu...” đã thúc giục bản năng nghề nghiệp của y sĩ Tuyến. Anh chạy vội ra phía cầu cảng mang theo dụng cụ cấp cứu cùng ngư dân chuyển anh Hoa vào bên trong.

“Đó là ngày tôi không thể nào quên khi những ngón tay anh Hoa động đậy, hơi thở lớn dần và anh bắt đầu nói được. Lúc đó tôi mừng lắm, mấy ngư dân thì chẳng nói thành lời. Khi anh Hoa bình tĩnh trở lại tôi mới rạch vải quần thì thấy vết thương đã hoại tử được băng tạm bằng mảnh vải, mùi tanh bốc ra xộc vào mũi. Khi dùng dụng cụ rạch vết thương anh Hoa khóc ngon lành vì đau, ai chứng kiến cũng thương” - anh Tuyến kể.

Khi anh Tuyến mở cuốn sổ bệnh ra, đập vào mắt chúng tôi là những số hiệu QNg 96522, BĐ 95117... Vì chúng tôi chỉ cập đảo được một ngày, nếu dài hơn có lẽ anh Tuyến đã kể cho chúng tôi nghe được tất cả những trường hợp trong cuốn sổ anh để ngay phía dưới ống nghe bệnh và phía trên tủ thuốc.

Một trang trong cuốn sổ bệnh ở Trường Sa luôn có số hiệu tàu và số điện thoại của ngư dân - Ảnh: Trần Mai

Gắn đời với đảo

Đại úy Nguyễn Văn Nhiệm (quân y đảo Đá Tây) lần đầu tiên ra đảo công tác từ năm 2005, lúc đó anh ở đảo Cô Lin. Gần 10 năm trôi qua, anh vẫn còn lưu giữ cuốn sổ chép tay số điện thoại, số hiệu tàu và tên những ngư dân từng vào đảo xin thuốc, cấp cứu.

Anh bảo cuốn sổ ấy là kỷ vật của cuộc đời mình: “Chỉ cần nhìn vào là nhớ từng khuôn mặt, giọng nói. Thứ gì cũng có thể quên được nhưng ngư dân ở Trường Sa từng vào gặp tôi thì dù có bao nhiêu năm cũng vẫn còn nhớ”.

Với anh Nhiệm, làm quân y ở Trường Sa là niềm tự hào rất lớn bởi như anh nói, mỗi lần có người rời khỏi đảo mà sức khỏe ổn định tiếp tục đánh bắt là lòng thấy vui lắm. “Nhiều người sau khi hết bệnh mỗi lần đánh bắt lại ghé đảo thăm hỏi anh em. Tình quân dân thắm thiết và bền chặt lắm” - đại úy Nhiệm tâm tình.

Vào mùa biển lặng, ngư dân tấp nập dong thuyền ra những ngư trường xa, các bệnh xá trên những điểm đảo ở quần đảo Trường Sa cũng đón nhiều bệnh nhân hơn.

Đại úy Nhiệm vẫn không thể nào quên những lần khám chữa bệnh cho ngư dân vừa căng thẳng lại vừa cười ra nước mắt. Có những ngư dân không biết chữ, mỗi lần cấp thuốc lại phải dặn dò dù chỉ cấp đúng một loại bệnh và không thay đổi loại thuốc.

Như trường hợp của ngư dân Nguyễn Thanh Si Nê (quê TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị bệnh dạ dày, mỗi lần đánh bắt ông lại ghé đảo xin thuốc, có khi mang cả túi thuốc mua từ đất liền lên nhờ anh Nhiệm hướng dẫn uống loại nào bao nhiêu viên mỗi ngày bởi chẳng ai dặn dò kỹ như quân y ở đảo.

Anh Nhiệm kể: “Ông Nê 62 tuổi rồi nhưng vẫn đi biển, tôi gặp anh từ tám năm trước ở Cô Lin giờ qua Đá Tây vẫn gặp lại. ông cứ bảo tôi mở bệnh án xem hồi đó cho ông thuốc gì màu trắng uống nhanh bớt” - anh Nhiệm cười hiền.

Còn y sĩ Võ Công Vinh năm nay đã 45 tuổi. Ngày nhận công tác ở Trường Sa y sĩ Vinh chỉ mới gần 30 tuổi, giờ tóc đã phủ màu sóng biển ông vẫn gắn đời mình với Trường Sa. Ông Vinh gắn với bó với Trường Sa từ năm 1998.

Ông kể hồi đó những ngày đầu ra đảo nỗi nhớ nhà quay quắt. Buổi tối buồn ngày nào cũng viết thư cho vợ nhưng phải sáu tháng mới có một lần tàu ra, nhận được thư của gia đình mà vừa đọc vừa khóc ngon lành như trẻ nhỏ.

Thế rồi ông cứ lao vào công việc để quên đi nỗi nhớ nhà. Một ngày của người chiến sĩ khoác áo blouse bắt đầu bằng việc đi thăm từng bệnh nhân đang điều trị tại bệnh xá, hỏi han triệu chứng, hôm nào không có người bệnh thì anh đến từng phòng chiến sĩ hỏi han, dặn dò giữ gìn sức khỏe.

Gặp chúng tôi sau một ngày thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho các chiến sĩ trên đảo, ông không hề có dấu hiệu mệt mỏi, nụ cười vẫn thường trực trên khuôn mặt rám nắng.

“Trong công việc thì lúc nào cũng phải vui bởi bác sĩ luôn cười vui mới truyền được niềm vui cho người bệnh. Giúp anh em chiến sĩ, ngư dân luôn lạc quan khi ốm đau giữa biển khơi như thế này cũng như chữa bệnh khỏi một nửa” - ông Vinh nói.

Với người y sĩ già này, những bệnh xá trên các đảo Đá Lát, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn... dường như trở thành ngôi nhà thứ hai. Ông Vinh không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần chữa khỏi bệnh cho các chiến sĩ, giành lại sự sống từ tay tử thần cho các ngư dân. Y sĩ Vinh cho biết sẽ vẫn gắn bó với Trường Sa, tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho quân dân trên đảo.

Có ngồi nói chuyện và xem những gì ông viết trong cuốn sổ cũ mới biết nỗi lòng của ông: “Tôi biết mình có lỗi với gia đình vì không chăm sóc được vợ con như bao người đàn ông khác. Nhưng người thân sẽ hiểu vì sao tôi chọn gắn đời mình với đảo, những người dân sống ở đây, những ngư dân đi biển và cả các chiến sĩ. Vì họ cần tôi...”.

_______________

Kỳ tới: Vật lộn sóng gió cứu ngư dân

 

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên