Điện tâm đồ tim - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày nay do lối sống vội vàng, chế độ ăn uống chưa khoa học: ăn mặn, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều cholesterol, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, lười vận động thể lực, căng thẳng trong cuộc sống, áp lực công việc, bức xúc trong xã hội và gia đình... Các vấn đề này ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch
PGS.TS Phạm Thị Kim Lan
Chiều 19-12, tại buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ, nhiều bác sĩ cho biết biểu hiện cấp tính của bệnh tim mạch có thể gồm: khó thở, đau ngực, hồi hộp, choáng váng, ngất, mất ý thức... Tuy nhiên, nhiều người bệnh tim mạch chưa được sơ cứu đúng cách.
Kiến thức về sơ cấp cứu rất quan trọng
PGS.TS Phạm Thị Kim Lan, Trung tâm tim mạch Bệnh viện E, cho biết có nhiều bệnh nhân tim mạch đã choáng, ngất xỉu không biết gì, phải đưa vào phòng mổ ngay.
"Ở nước ngoài người dân có kiến thức về sơ cấp cứu hơn, trong trường hợp có người đột quỵ, họ biết để bệnh nhân lên ván cứng và sơ cứu, ép tim đúng cách. Trường hợp bệnh nhân khó thở, tự nhiên đau chân dữ dội, tự nhiên choáng ngất cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện. Trong những tình huống khó, cần gọi đội cấp cứu lưu động hỗ trợ ngay" - PGS Lan hướng dẫn.
PGS Lan cũng cho hay hiện nhiều người trẻ mắc bệnh lý tim mạch, trên dưới 40 tuổi đã có thể phải mổ thay van tim, bắc cầu động mạch chủ...
Nguyên nhân gây ra cơn đau tim là do sự tắc nghẽn nguồn cung cấp máu cho cơ tim (thường là do cục máu đông trong động mạch vành). Hậu quả phụ thuộc vào mức độ bị ảnh hưởng và người bệnh được điều trị nhanh chóng thế nào.
Cách sơ cứu ban đầu cho người bị đau tim
Khi có ai đó đang bị cơn đau tim, hãy kịp thời có sự giúp đỡ thay vì ngồi chờ để xem các triệu chứng có giảm hay không. Việc sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể giúp cứu tính mạng người bệnh. Người bệnh có triệu chứng của cơn đau tim như:
- Đột nhiên có cảm giác ngất xỉu hoặc chóng mặt.
- Đau ngực dữ dội (dai dẳng, lan lên hàm dưới và xuống một hoặc cả hai bên cánh tay), không giảm khi nghỉ ngơi.
- Cảm giác rất khó chịu trong bụng (giống như cảm giác đầy bụng khó tiêu).
- Khó thở (bệnh nhân có thể thở hổn hển).
- Hoảng sợ (cảm thấy như sắp chết).
- Da xanh tái, đổ mồ hôi lạnh.
- Mạch nhanh, yếu, không đều.
- Ngã quỵ, thường không có dấu hiệu cảnh báo.
- Có thể mất ý thức.
* Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì rất cần:
1. Giảm gánh nặng cho tim. Để bệnh nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi càng thoải mái càng tốt, đầu, vai được nâng đỡ tốt và đầu gối gấp để giảm gánh nặng cho tim. Nới lỏng quần áo ở cổ, ngực và bụng.
2. Gọi cấp cứu. Giữ những người khác đứng xa bệnh nhân.
3. Nếu bệnh nhân có thuốc điều trị đau thắt ngực, hãy giúp bệnh nhân uống thuốc. Giữ cho người bệnh bình tĩnh và khuyến khích người ấy nghỉ ngơi.
4. Cho aspirin. Nếu bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, cho bệnh nhân nguyên một liều aspirin dạng viên nén (300mg). Bảo bệnh nhân nhai từ từ để thuốc hòa tan và hấp thu vào máu nhanh hơn khi đến dạ dày. Aspirin giúp phá vỡ cục máu đông, giảm thiểu tổn thương cơ tim trong cơn đau tim.
5. Theo dõi bệnh nhân. Thường xuyên kiểm tra và ghi lại tình trạng ý thức, nhịp thở và mạch.
* Nếu bệnh nhân bất tỉnh phải:
1. Giữ thông đường thở. Kiểm tra hô hấp của bệnh nhân và chuẩn bị để bắt đầu hồi sức
tim phổi.
2. Sử dụng máy khử rung. Nếu có thể, hãy nhờ ai đó mang máy khử rung tim tự động bên ngoài đến, trong khi đó cần trông chừng người bệnh. Máy sẽ phát ra sốc điện để điều chỉnh tình trạng nhịp tim bất thường gọi là rung thất - nguyên nhân của một số cơn đau tim.
3- Đợi nhân viên cấp cứu. Người bệnh càng được điều trị cấp cứu sớm thì cơ hội sống càng lớn.
* Nếu đó là cơn đau thắt ngực:
Nếu cơn đau giảm đi sau khi người bệnh nghỉ ngơi vài phút, có khả năng đó là một cơn đau thắt ngực. Đây là một tình trạng bệnh lâu dài, trong đó các động mạch vành (động mạch tim) bị co thắt, do đó cơ tim không nhận được đủ máu để đáp ứng nhu cầu. Một số người được chẩn đoán đau thắt ngực sẽ có thuốc để sử dụng trong trường hợp bị cơn đau.
1. Trấn an. Giữ cho người bệnh bình tĩnh; cho bệnh nhân ngồi xuống.
2. Hỗ trợ bằng thuốc.
3. Theo dõi. Cơn đau sẽ giảm đi trong vòng vài phút. Nếu cơn đau không giảm hoặc người bệnh không có thuốc, hãy xử trí như với cơn đau tim.
Chú ý chế độ ăn và vận động
ThS.BS Dương Thu Anh - Bệnh viện Tim Hà Nội - cho biết các chất có lợi cho tim mạch có thể kể đến là chất kali nằm trong các loại rau, củ, quả. Việc bổ sung kali qua chế độ ăn giúp người bệnh có thể duy trì huyết áp ổn định và giảm nguy cơ mắc các rối loạn nhịp tim.
Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, để phòng ngừa bệnh tim mạch, người dân cần tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần. Cường độ trung bình được xác định là ngưỡng vận động mà người bệnh có thể nói chuyện được trong lúc tập nhưng không thể hát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận