Hãng tin Reuters nhận định việc chính trị gia Jeremiah Manele, người có quan điểm thân thiện với Trung Quốc, được bầu làm tân thủ tướng Solomon sẽ giúp kéo Bắc Kinh đến gần quần đảo Thái Bình Dương này hơn.
Tân thủ tướng được đánh giá cao
Ông Manele giành được 31 phiếu bầu, trong khi lãnh đạo phe đối lập Matthew Wales chỉ giành được 18 phiếu trong cuộc bỏ phiếu kín gồm 50 nghị sĩ Quốc hội Solomon hôm 2-5.
Thủ tướng đương nhiệm của quần đảo Solomon Manasseh Sogavare phải rút khỏi cuộc bỏ phiếu kín hồi đầu tuần do không đảm bảo được đa số phiếu.
Trước cuộc bỏ phiếu, Chính phủ Solomon và các đảng đối lập đã tích cực vận động hành lang trong suốt nhiều tuần để giành được sự ủng hộ từ các đảng độc lập, hỗ trợ cho cuộc chạy đua đến chiếc ghế thủ tướng.
“Hôm nay, chúng tôi cho thế giới thấy chúng tôi tốt hơn thế. Chúng tôi phải tôn trọng các quy trình dân chủ để bầu ra thủ tướng của chúng tôi”, ông Manele phát biểu sau khi đắc cử hôm 2-5. Hiện chưa rõ khi nào ông Manele chính thức nhậm chức thủ tướng.
Trước một số luồng ý kiến trái chiều của người dân, Thủ tướng đắc cử Manele kêu gọi người dân hãy giữ bình tình, và nhắc lại những vụ bạo động trong khoảng thời gian hậu bầu cử từng xảy ra trong lịch sử quần đảo Solomon.
Ông Manele nói thêm rằng nền kinh tế đang dần hồi phục sau hai biến cố lớn là đại dịch COVID-19 và các cuộc bạo loạn chống chính phủ bùng phát hồi năm 2021. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ sớm công bố các chính sách về thuế, lâm nghiệp và khoáng sản.
Với cam kết xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cho người dân trên quần đảo, Đảng OUR của chính trị gia Manele đã giành được 15 ghế trong Quốc hội.
Về đường lối ngoại giao, Thủ tướng đắc cử Manele tuyên bố ông sẽ giữ nguyên chính sách đối ngoại với lập trường “tất cả đều là bằng hữu, không ai là kẻ thù”.
Trước đây, ông Manele từng là nhà ngoại giao hàng đầu của quần đảo Solomon. Tân thủ tướng Solomon đặt chân vào Quốc hội quần đảo Solomon hồi năm 2014.
Hồi năm 2019, ông Manele đến Trung Quốc với tư cách là ngoại trưởng của quần đảo, để hợp thức hóa việc chuyển đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh.
Ông Mihai Sora, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy đồng thời là nhà cựu ngoại giao Úc tại quần đảo Solomon, cho biết so với người tiền nhiệm Sogavare, Thủ tướng đắc cử Manele sẽ đề ra chính sách đối ngoại tốt hơn với các đối tác quốc tế.
Trung Quốc, Mỹ và Úc hồi hộp dõi theo Solomon
Các nước Trung Quốc, Mỹ và Úc đều theo dõi sát sao, bởi cuộc bầu cử thủ tướng quần đảo Solomon này có thể tác động đến tình hình an ninh khu vực.
Mỹ, Úc bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa Solomon và Trung Quốc, sau khi Thủ tướng đương nhiệm Sogavare ký một hiệp ước an ninh gây tranh cãi với Trung Quốc vào năm 2022.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với ông Manele. “Úc và quần đảo Solomon là những người bạn thân thiết và tương lai của chúng ta được kết nối với nhau”, ông Albanese viết trên mạng xã hội X ngày 2-5.
Trong khi đó, cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Solomon cũng đăng tải dòng trạng thái trên mạng xã hội Facebook bày tỏ mong muốn được hợp tác với Solomon để “phát triển mối quan hệ Trung Quốc - Solomon và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân của hai bên”.
Thủ tướng đương nhiệm Sogavare, một chính trị gia mang quan điểm thân Trung Quốc khác của quần đảo Solomon, đã tích cực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh trong suốt năm năm nắm chính quyền. Tuy nhiên ông chỉ giữ được ghế thủ tướng đến tháng trước.
Ông Sogavare đã không thể tham gia tái tranh cử vào cơ quan chính trị hàng đầu quần đảo Solomon và đảng của ông cũng quay sang ủng hộ ông Manele.
Trong khi đó, liên minh các đảng đối lập của ông Wales đã lên tiếng chỉ trích việc hải cảnh Trung Quốc đến quần đảo này hồi năm 2022. Đồng thời, đảng này bày tỏ sự ủng hộ đối với việc quay trở lại thắt chặt mối quan hệ với các đối tác truyền thống như Úc, cũng như đồng ý nhận viện trợ cơ sở hạ tầng từ Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận