17/01/2019 11:07 GMT+7

Cựu ngoại trưởng Mỹ: 'Nhiệt điện than không rẻ hơn các các năng lượng sạch'

L.THANH
L.THANH

TTO - Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra sáng 17-1 tại Hà Nội, cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry khuyến nghị: Việt Nam nên chọn năng lượng sạch, không nên lệ thuộc vào nhiệt điện than.

Cựu ngoại trưởng Mỹ: Nhiệt điện than không rẻ hơn các các năng lượng sạch - Ảnh 1.

Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 - Ảnh: L.T

Phát biểu tại Diễn đàn, ông John Kerry đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ chọn chủ đề để thảo luận là "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững". 

Ông Kerry nhận định thách thức của mỗi quốc gia là khác nhau nhưng nhu cầu đều giống nhau đó là năng lượng. Phát triển kinh tế đương nhiên nhu cầu năng lượng là rất lớn, tuy nhiên các quốc gia phải chú ý đến biến đổi khí hậu khi sản xuất năng lượng.

Thực tế, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra. Trong khi đó, nhu cầu về than của Đông Nam Á hiện đang tăng và với mức rất cao so với thế giới.

Châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới, đối diện với hệ quả là tác động phát thải hiệu ứng nhà kính. Kể cả áp dụng công nghệ mới thì nhiệt điện than vẫn là công nghệ bẩn nhất, phát thải lớn nhất.

"Chúng ta có nhiều lựa chọn khác ngoài than, tôi không muốn nói lý tưởng mà là thực tế. Yếu tố phát thải lớn nhất đối với CO2 là than và chúng tác động làm gia tăng hiện tượng nước biển dâng. Cùng với đó là sự ấm lên của nước biển, hệ sinh thái thay đổi, các tầng san hô sẽ chết nhanh hơn và sự sụt giảm 50% các loài cá", ông Kerry nêu.

Theo cựu ngoại trưởng Mỹ, Việt Nam là quốc gia sử dụng nhiều than để sản xuất điện, nên không khí bị ô nhiễm. Mức độ ô nhiễm ở Hà Nội đang cao hơn Bắc Kinh, bùng nổ các bệnh tật liên quan đến hô hấp.

Theo cựu ngoại trưởng Mỹ, Việt Nam có thể làm giảm sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu bằng cách không tiếp tục dùng than để sản xuất điện.

Ông John Kerry nhấn mạnh: "Hãy sử dụng năng lượng sạch ngay từ hôm nay, bất kỳ ai nói than rẻ hơn thì họ không tính giá thành hoặc chi phí ngoại biên hoặc các bệnh do nguồn năng lượng hóa thạch gây ra như ung thư, phổi... 

Nếu tính các lợi thế này, nhiệt điện than sẽ không rẻ hơn các năng lượng mới, năng lượng sạch. Trong khi đó Việt Nam có lợi thế về năng lượng sạch như thủy điện, mặt trời, sức gió..."

Tại Diễn đàn, các diễn giả trong và ngoài nước cũng đồng tình Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, và cần có chính sách thu hút tư nhân trong và ngoài nước tham gia. Dự kiến vốn cho sản xuất, truyền tải nguồn năng lượng điện sạch là khoảng 12 tỉ USD mỗi năm.

Ông Kerry kiến nghị giải pháp: "Việt Nam có thể áp dụng cơ chế hỗ trợ giá từ điện sạch, gọi vốn, thúc đẩy đầu tư hệ thống truyền tải với sự tham gia của tư nhân".

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Biến đổi khí hậu tại Việt Nam làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Thực tế trong những năm qua cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây thay đổi lượng mưa, tạo ra những trận lũ quét, bão hoặc hạn hán bất thường, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất của các ngành điện, than và dầu khí.

Do đó, cần phân tích chiến lược đa dạng hoá nguồn cung năng lượng của Việt Nam, đề xuất một số định hướng phát triển cho ngành năng lượng nhằm đảm bảo tính tự chủ và tăng cường khả năng chống chịu với tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực hiện nay.

Cần 42 tỉ USD để phát triển điện mặt trời

TTO - Từ nay đến năm 2035 cần khoảng 42 tỉ USD đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời. Số vốn “khủng” này vừa được Bộ Công thương trình Thủ tướng phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên