Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 30-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều quan chức cấp cao của nước này đã gửi điện chia buồn khi nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ Henry Kissinger qua đời.
Người bạn tốt của Trung Quốc
Hãng tin Reuters đưa tin cựu ngoại trưởng Mỹ đã đến thăm Trung Quốc hơn 100 lần và mới đây đã gặp ông Tập trong chuyến thăm bất ngờ đến Bắc Kinh hồi tháng 7-2023.
"Tiến sĩ Kissinger là một người bạn tốt của nhân dân Trung Quốc. Ông là người tiên phong và là người xây dựng mối quan hệ Trung - Mỹ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gửi lời chia buồn trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Cựu ngoại trưởng Kissinger đã có những đóng góp "lịch sử" cho việc bình thường hóa quan hệ Trung - Mỹ và người dân Trung Quốc sẽ nhớ đến ông vì "sự cống hiến chân thành và đóng góp quan trọng", ông Uông cho biết thêm.
Ông Kissinger tin rằng mối quan hệ Trung - Mỹ có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình, thịnh vượng của hai nước và của thế giới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Ngoại trưởng Vương Nghị cũng lần lượt gửi lời chia buồn tới gia đình Kissinger và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Ông Kissinger từng giữ chức ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền của hai cựu tổng thống Mỹ là Richard Nixon và Gerald Ford.
Cựu ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên đến thăm Bắc Kinh vào năm 1971, mở đường cho quan hệ Mỹ - Trung.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc và người dùng mạng xã hội tại đây cũng bày tỏ thương tiếc trước thông tin ông Kissinger qua đời.
"Ấn tượng chung về Kissinger (ở Trung Quốc) là ông ấy là một người ở Mỹ hiểu người dân Trung Quốc", Brian Wong, giáo sư và là một chiến lược gia địa chính trị tại Đại học Hong Kong, cho biết.
Theo ông Wong, Kissinger được xem là một "người ngoài" nhưng hiểu về sự chuyển mình cần thiết của Trung Quốc trong những năm 1960 và đầu 1970.
"Vì vậy, ông ấy được coi là một người 'hiểu về Trung Quốc'", ông Wong giải thích.
Di sản ngoại giao
"Tên tuổi của Henry Kissinger gắn chặt với đường lối chính sách đối ngoại thực dụng, từng giúp giảm bớt căng thẳng quốc tế và đạt được các thỏa thuận quan trọng nhất giữa Liên Xô và Mỹ trong việc tăng cường an ninh toàn cầu", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
"Tôi đã có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với người đàn ông sâu sắc, phi thường này nhiều lần và chắc chắn tôi sẽ giữ lại những kỷ niệm đẹp nhất về ông ấy", ông Putin nói thêm.
"Sự ra đi của ông Kissinger đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, khi trí tuệ vượt trội và năng lực ngoại giao của ông đã không chỉ định hình đường lối chính sách đối ngoại của Mỹ, mà còn có tác động sâu sắc đến bối cảnh toàn cầu", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói.
"Tôi có hân hạnh được gặp ông Kissinger nhiều lần, lần gần đây nhất cách đây hai tháng tại thành phố New York. Mỗi cuộc gặp với ông ấy không chỉ là một bài học về ngoại giao mà còn là một lớp học bậc thầy về nghệ thuật quản lý quốc gia.
Sự hiểu biết về sự phức tạp của quan hệ quốc tế và những hiểu biết sâu sắc độc đáo của ông về những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt là vô song", ông Netanyahu nói thêm.
"Henry Kissinger đã định hình chính sách đối ngoại của Mỹ theo cách ít người có thể làm được. Cam kết của ông ấy đối với tình hữu nghị xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Đức là rất quan trọng, ông ấy đã luôn giữ sự gần gũi với nước Đức quê hương. Thế giới đã mất đi một nhà ngoại giao vĩ đại", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
"Chiến lược và sự xuất sắc trong ngoại giao của Henry Kissinger đã định hình nền chính trị toàn cầu trong suốt thế kỷ 20. Ảnh hưởng và di sản của ông sẽ tiếp tục vang dội trong thế kỷ 21", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận