09/12/2023 10:09 GMT+7

Cưu mang mẹ bầu, trẻ sơ sinh

Trong dãy 29 phòng trọ, chị cho thuê 20 phòng, chừa lại 9 phòng để cưu mang các mẹ bầu cơ nhỡ và các bé mồ côi. Chị gọi đó là Mái nhà chung.

Chị Đặng Thị Ngọc Sương và các bé con của các mẹ bầu tại Mái nhà chung - Ảnh: NVCC

Chị Đặng Thị Ngọc Sương và các bé con của các mẹ bầu tại Mái nhà chung - Ảnh: NVCC

Đặng Thị Ngọc Sương vốn không là cái tên xa lạ gì trong cộng đồng hay làm từ thiện ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

Nhiều người biết đến chị không chỉ tự tổ chức mà còn hay đồng hành cùng các hội nhóm từ thiện khác, đặc biệt quan tâm đến mẹ và bé. Mái nhà chung chính là mái ấm cho không ít cảnh đời khó khăn.

Ở đó, có những bà mẹ trẻ từng tính chuyện phá thai, bỏ con sau khi sinh hoặc không có khả năng sinh con an toàn tại bệnh viện vì nghèo quá.

Cùng lúc, chị Sương đang làm giám đốc một công ty ở huyện Châu Thành và một trang trại nấm mối đen tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Đấy là cách để chị chủ động cho việc mình muốn làm. Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, nữ giám đốc ấy nói:

- Tôi lập Mái nhà chung nuôi các mẹ bầu đơn thân hồi năm 2020. Lúc đó có bốn mẹ bầu được một nhóm thiện nguyện ở TP.HCM nuôi dưỡng nhưng gặp chút sự cố phải tạm ngưng. Bạn trưởng nhóm thiện nguyện đó không biết gửi các mẹ bầu đi đâu nên nhờ tôi cưu mang tạm.

Đang có hai khu trọ tại TP Mỹ Tho nên tôi nhận lời luôn. Đón các mẹ bầu về được vài tháng, tôi quyết định sẽ cưu mang họ cùng mấy đứa trẻ sinh ra.

Thường tôi nuôi mẹ và bé chừng 2-3 tháng sau sinh rồi mẹ và bé sẽ về với gia đình. Đến nay tôi đã cưu mang 61 mẹ bầu cùng 61 trẻ sơ sinh, cả 39 đứa con riêng của các mẹ bầu nữa.

Liệu từ bỏ cái thai trong bụng có phải là cách tốt nhất không? Tôi chọn không. Vậy là tôi chính thức trở thành "mẹ" của những bà mẹ đơn thân không nơi nương tựa.
Chị ĐẶNG THỊ NGỌC SƯƠNG

Không chọn việc nhẹ nhàng

* Chị trăn trở nhất điều gì khi quyết định cưu mang các mẹ bầu, hỗ trợ trẻ sơ sinh?

- Điều tôi trăn trở nhất là tâm nguyện xây dựng nghĩa trang thai nhi tại Bình Đại (Bến Tre) chưa thể hoàn thành. Tôi và một số anh chị em hảo tâm đã khởi công hơn hai năm nay mà vẫn chưa xong, đến nay mới được chừng một phần tư tiến độ.

Một phần vì giấy tờ chuyển đổi quyền sử dụng đất chưa xong, phần nữa vì kinh phí xây dựng cũng khó.

Tôi ước nguyện làm nghĩa trang này vì biết có khá nhiều thai nhi bị phá bỏ từ các phòng khám, bệnh viện. Rồi có người cũng từng liên hệ hỏi tôi nhờ hỗ trợ việc này. Nghĩ cảnh các con đau đớn khi bị phá bỏ mà chưa có chỗ chôn cất ổn định, lòng tôi thấy đau lắm.

* Như bao việc khác, thiện nguyện cũng có những khó khăn, chị vượt qua thế nào?

- Đúng là tôi gặp không ít khó khăn trên con đường thiện nguyện, thậm chí còn rất nhiều thị phi. Nhưng bản thân tôi luôn tâm niệm mình làm việc tốt, việc thiện không phải là việc dễ dàng nên càng cần phải nhẫn, như vậy mới có thể làm được lâu dài.

Tôi có đọc được câu nói này và thấy rất tâm đắc: "Con người trải qua cát bụi dặm trường sống trên thế giới này là vì sống cho những người yêu thương họ, đó mới là thái độ sống tốt nhất.

Vậy nên đừng đánh mất hạnh phúc chỉ vì những người không thích bạn, để rồi quên mất phải hạnh phúc khi ở bên cạnh những người thích mình".

Đụng chuyện khó, tôi cũng buồn nhưng không chán nản hay tuyệt vọng. Thay vào đó luôn dựa vào chính mình để vượt qua. Cứ nghĩ rằng mỗi điều không như ý mình gặp phải chính là bài học giúp mình trưởng thành hơn.

Trên hành trình mình đi, chỉ nghĩ rằng ở đâu đó còn nhiều người khó khăn đang cần mình, rồi người thân thương đang hết sức ủng hộ mình tiến bước là đủ yên vui để tiếp tục làm điều mình muốn.

Có hiểu mới thương nhiều

* Chắc phải có lý do nào đó mới dẫn đến quyết định cưu mang bà mẹ và trẻ em trong lúc họ chông chênh nhất của chị?

- Tôi từng ở vào hoàn cảnh như họ, không nhà, không xe, không tiền, bị gia đình và bạn bè xa lánh. Khi đó tôi bị trầm cảm nặng, có lúc nghĩ quẩn. Nhờ hai đứa con làm động lực sống để tôi biết phải bắt đầu làm lại từ con số 0.

Các mẹ bầu tìm đến với tôi đều là người mẹ tuyệt vọng muốn phá bỏ cái thai, đau khổ vì những thai nhi ngoài ý muốn. Tôi như thấy lại mình trong quá khứ qua những câu chuyện của họ. Những người muốn phá thai đều vì sợ hãi khó khăn trước mắt chứ không phải ghét bỏ đứa bé trong bụng.

Khi tìm đến Mái nhà chung chờ ngày sinh, các mẹ thường mang cảm giác tội lỗi, tự trách bản thân, luôn lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng. Trong họ trỗi dậy lòng thù hận, căm phẫn những người đã quay lưng với mình.

Tôi muốn dùng sự chân thành, yêu thương vô điều kiện và mong có thể mang đến ngôi nhà thứ hai ấm áp để họ an tâm sinh bé. Nhờ vậy, họ phần nào vơi đi tâm lý tiêu cực vì biết rằng vẫn còn một chỗ bình an, sẵn sàng che chở, để biết rằng tình yêu thương vẫn hiện diện.

61 mẹ bầu tôi cưu mang có nhiều bạn là sinh viên, học sinh, có bạn là người thứ ba trong một mối quan hệ tréo ngoe nào đó. Họ không có khả năng tự sinh con và cũng không thể giữ bé lại nuôi vì nhiều lý do. Có mẹ đã gửi bé vào chùa, trung tâm trẻ mồ côi và thường xuyên đến thăm bé sau đó.

Nhiều người làm cùng tôi

* Có người nói chị quá giỏi với những gì đã làm, có lúc nào chị tự ngồi lại tổng kết những việc đã làm chưa?

- Tôi nhớ câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai".

Chừng chục năm làm thiện nguyện và ba năm lập nên Mái nhà chung phải nói là nếu chỉ có mình tôi sẽ không thể làm được mà chính sự giúp sức của rất nhiều bạn bè, nhà hảo tâm mới ra kết quả đó.

Thật lòng mà nói, tôi vẫn thấy những việc mình làm còn nhỏ bé lắm. Tôi biết còn phải học hỏi thêm từ những vị thầy, các anh chị đi trước, những bạn trẻ với cái tâm lớn đang dấn thân cho đời.

Những người mẹ âm thầm cưu mang con của người khácNhững người mẹ âm thầm cưu mang con của người khác

TTO - Có những người mẹ chối bỏ con, nhưng nhiều người âm thầm cưu mang những đứa trẻ ấy và mong mỏi sẽ có một ngày các em tìm lại được gia đình mình. Câu chuyện của họ là câu chuyện của trái tim…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên