13/10/2015 08:23 GMT+7

Cứu kịp thời hai trẻ nhỏ bị hóc hạt hướng dương, lưỡi kèn

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Cháu N.T.T.N, 22 tháng tuổi, ở Bình Dương bị hóc vỏ hạt hướng dương và cháu N.T.T, 9 tuổi, ở Đồng Tháp bị hóc lưỡi kèn.

Đó là thông tin do bác sĩ chuyên khoa 2 Quách Ngọc Minh, khoa Tai - mũi - họng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết. Cả hai trường hợp đều được điều trị tại bệnh viện này.

Theo mẹ cháu N. kể lại, trước đó cháu N. dành ăn hạt hướng dương với chị nên đưa một vốc hạt vào miệng, sau đó cháu bị vấp ngã nên đã bị hóc, ho sặc tím tái nên đã được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Bệnh viện này không lấy được dị vật nên đã đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, các bác sĩ đã nội soi khí quản khẩn và gắp ra ba mảnh vỏ hạt hướng dương cho bệnh nhi.

Những mảnh vỏ hạt hướng dương này đã gây tắc phế quản thùy trung gian của phổi phải, gây viêm phổi nên dù đã gắp được dị vật ra nhưng  bệnh nhi  vẫn đag phải điều trị viêm phổi tại khoa Hô Hấp của bệnh viện.  

Bác sĩ Ngọc Minh nhấn mạnh, trường hợp này nếu điều trị trễ có thể sẽ bị suy hô hấp, ảnh hưởng đến tính mạng.

Còn cháu T. được Bệnh viện Đồng Tháp chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào ngày 7-10 vì khó thở và mỗi lần ho đều có tiếng kèn kêu.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ đã chụp X-Quang phổi cho bệnh nhi thì thấy một bên phổi bị xẹp, với biểu hiện của bệnh nhi như đã kể trên các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị dị vật đường thở.

Các bác sĩ đã nội soi khí phế quản khẩn thì thấy phế quản gốc bên trái của bệnh nhi có dị vật, gắp ra một miếng nhựa trắng có chiều dài khoảng 2cm và đường kính 0,5 cm. Đây là một bộ phận được lắp trong chiếc kèn để khi thổi sẽ tạo thành tiếng kêu.

Sau khi được gắp dị vật ra, sức khỏe của cháu trở lại bình thường.

Ông.N.V.T, 43 tuổi, ba của cháu T. kể lại, trước đó cháu T. đã tháo “lưỡi kèn” ra khỏi chiếc kèn để cho vào trong miệng thổi. Cháu T. vừa giỡn, vừa tắm mưa và đã bị “lưỡi kèn” rớt xuống họng.

Bác sĩ Ngọc Minh lưu ý với trẻ nhỏ không nên cho ăn những trái có hạt nhỏ hoặc ăn những hạt đậu nhỏ như hạt đậu phộng, hạt bí…, chơi với những vật nhỏ. Khi trẻ ăn không nên để trẻ đùa giỡn vì thức ăn sẽ dễ bị sặc vào phổi.

 Trong trường hợp nếu trẻ bị sặc, người lớn nên bình tĩnh dụ trẻ nhổ ra, không nên cho tay vào họng trẻ để móc dị vật ra vì có thể trẻ chỉ ngậm dị vật nhưng khi móc dị vật sẽ làm dị vật bị hóc.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên