Ông Hoàng Anh Tuấn - cựu HLV trưởng U19, U20 Việt Nam, hiện đang là giám đốc kỹ thuật CLB Phù Đổng - Ảnh: HT
Sau trận tuyển Việt Nam thua 1-3 trước Saudi Arabia, ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á (AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar), không ít ý kiến trên các trang mạng xã hội đang tập trung phân tích những sai sót của thầy trò HLV Park Hang Seo.
Chênh lệch trình độ vẫn còn khá lớn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh vấn đề trên, ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc kỹ thuật CLB Phù Đổng, HLV đầu tiên giúp một đội tuyển bóng đá Việt Nam giành vé dự World Cup trẻ - chia sẻ quan điểm: "Đối thủ của tuyển Việt Nam ở tầm cao khác, hiện khoảng cách chênh lệch trình độ của ta và họ vẫn chưa được thu hẹp nhiều.
Nếu muốn có cơ hội dự World Cup, chúng ta phải nằm trong top 8 đội mạnh nhất châu Á. Trong khi đối đầu với những Saudi Arabia, UAE, Hàn Quốc, Iran... chúng ta còn để thua nhiều bàn. Tuy nhiên, tuyển Việt Nam cần những đối thủ như vậy để tiến bộ, để nền bóng đá phát triển".
Phân tích sâu hơn, vị cựu HLV trưởng U19 Việt Nam nói: "Nhân sự cho đội tuyển Việt Nam chắc chắn phải chọn những con người tốt nhất rồi. Tôi muốn nhấn mạnh chỗ bố trí nhân sự. Điều này tùy thuộc vào HLV đương nhiệm. Như ông Miura trước đây hay dùng hàng thủ 4 người đều xuất thân từ trung vệ. Và tiếp đến là sự chọn lựa chiến thuật.
Khó có thể đá đẹp trước đối thủ mạnh
Một số lượng không nhỏ CĐV Việt Nam muốn đội tuyển đá đôi công, đá đẹp. Thực tế thì lối chơi phải tùy thuộc vào đối thủ như thế nào. Bây giờ gặp một đội mạnh hơn thì làm sao chúng ta đá đôi công? Đôi công không có làm sao có đá đẹp? Khi tuyển Việt Nam đá với đối thủ ngang tầm như Thái Lan còn chưa gọi là đá đẹp.
Tuyển Việt Nam cần những trận đấu ở đẳng cấp cao châu Á để tiến bộ - Ảnh: AFC
Ở SEA Games, muốn đá đẹp thì được bởi U22 Việt Nam có nhiều tuyển thủ quốc gia, trong khi đối thủ cũng U22 nhưng trận mạc kém hơn nhiều. Lúc đó chúng ta không thể đá đẹp mới là quá dở. Nhưng ở sân chơi có những đội top đầu châu Á, tuyển Việt Nam chọn lối chơi ưu tiên phòng ngự là chính xác nhất. Còn việc phòng ngự chủ động hay ra sao thì tùy HLV.
Chung quy lại còn là năng lực cầu thủ như thế nào, có thực hiện được trọn vẹn ý đồ chiến thuật từ ban huấn luyện hay không mà thôi.
Tất nhiên như đã nói, phải kèm theo yếu tố khi đối đầu với đối thủ ngang tầm hay vượt tầm. Vì khi gặp các đối thủ vượt tầm, cầu thủ phải làm việc nhiều hơn mức bình thường, dẫn tới thể lực xuống nhanh hơn.
Tôi lấy ví dụ đơn giản như các bạn hay đá phủi, có thấy sự khác nhau khi gặp đối thủ là những người giống mình, cũng đi làm xong ra đá bóng, với khi gặp đối thủ là những cựu cầu thủ hoặc cầu thủ bán chuyên. Thể lực của bản thân không thay đổi gì cả, cái chính là chúng ta phải vận động nhiều hơn bình thường.
Quay trở lại đội tuyển Việt Nam, với những trận đấu gặp những đối thủ mạnh hơn nhiều như Iran, Hàn Quốc, UAE, Saudi Arabia..., chúng ta đã thấy khả năng kiểm soát bóng của tuyển Việt Nam rất thấp.
Sau khi thu hồi bóng có hơn 10 đường chuyền để chơi với nhau hầu như là quá ít, đa phần phản công nhanh và ít đường chuyền hoặc bị đối phương gây sức ép đoạt lại bóng. Với một thế trận như vậy thì thể lực hao tổn rất nhiều dẫn đến khả năng chuyên môn giảm".
Nên thử nghiệm nhiều cầu thủ để chọn được người tốt
Ông Hoàng Anh Tuấn kể lại một điều tiếc nuối khi dẫn dắt U20 Việt Nam dự World Cup U20 2017: "Tiếc thì có nhưng kết quả đã phản ánh đúng thực lực, nếu có kết quả tốt hơn chỉ là tính đột biến thôi.
Trận đấu với New Zealand, Honduras, U20 Việt Nam thua ở tâm lý không tốt vì lần đầu được thi đấu ở đẳng cấp quá tầm như thế. Khi tâm lý không tốt dẫn đến chuyên môn, từ kỹ chiến thuật cho đến thể lực và rốt cuộc không thể hiện được hết khả năng".
Lứa cầu thủ U20 Việt Nam dự World Cup U20 2017 có nhiều cầu thủ không phát triển được đúng khả năng - Ảnh: FIFA
Trước đây khi U19 Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Hoàng Anh Tuấn trong quãng thời gian từ năm 2015 đến 2019, đội cũng từng có quãng thời gian bị chỉ trích vì lối chơi không đẹp mắt. Đó là khi U19 Việt Nam thử nghiệm nhiều nhân sự ở giải U19 Đông Nam Á để chuẩn bị cho đích đến là VCK U19 châu Á.
Ông Tuấn chia sẻ: "Từ những giải đấu, các chuyến tập huấn, tôi mới có cơ hội thử nghiệm rất nhiều cầu thủ để chọn ra những nhân sự tối ưu và đưa ra chiến thuật phù hợp.
Điểm lại thì lứa Quang Hải sinh năm 1997, lứa Đoàn Văn Hậu 1999, và tôi cũng đôn lên những cầu thủ lứa 2000. Vì mục đích cuối cùng của các đội tuyển trẻ là tạo nguồn nhân lực cho đội tuyển quốc gia.
Sau những trận thua của U19, dư luận chỉ trích nhiều, liên tục đặt nhiều câu hỏi chuyên môn dù không rõ thực sự vấn đề chính nằm ở đâu. Tôi quan tâm đến việc, những gì HLV mong muốn cầu thủ có làm được không. Như việc chọn lựa các cầu thủ cách biệt tuổi, điều quan trọng là cầu thủ được chọn có đáp ứng được yêu cầu từ ban huấn luyện hay không".
Xem lại chiến lược sử dụng cầu thủ trẻ
Cuối cùng, ông Hoàng Anh Tuấn nêu ra vấn đề về hệ thống cho cầu thủ trẻ phát triển để đội tuyển Việt Nam không ở trong tình trạng khan hiếm lực lượng:
"Chúng ta cũng nên xem lại chiến lược sử dụng cầu thủ trẻ, những cầu thủ tiềm năng, khẳng định được mình... Họ cần có điều kiện, sân chơi để phát triển tài năng của mình giúp cho CLB và cao hơn là cho đội tuyển quốc gia.
Đinh Thanh Bình, cầu thủ từng thi đấu chính thức cho U20 Việt Nam tại World Cup U20 2017 bây giờ đang thi đấu cho một đội hạng thấp của giải vô địch quốc gia dù chuyên môn của Thanh Bình không kém Đức Chinh hay Tiến Linh, những đồng đội của Bình tại U20 Việt Nam. Nhà vô địch SEA Games Trần Thanh Sơn cũng thế và còn nhiều cầu thủ khác nữa.
Cái yếu và thiếu của cầu thủ Việt Nam nói chung là tâm lý thi đấu khi gặp những đối thủ mạnh, giải đấu lớn. Chính vì vậy, các cầu thủ có tiềm năng nếu có cơ hội phát triển sẽ giúp ích cho đội tuyển Việt Nam sau này.
Thế hệ Tuấn Anh, Công Phượng... được thi đấu, tập huấn ở châu Âu, hay như Quang Hải, Tiến Linh, Văn Hậu... không có World Cup U20 và U23 châu Á Thường Châu, rồi Hồ Tấn Tài không đến Bình Dương mà vẫn đá cho đội hạng nhất - Bình Định khi đó... thì làm sao tất cả có ngày hôm nay.
Có những tài năng trẻ chúng ta cần trao cơ hội để họ chơi bóng, để họ có thể rèn giũa, tiến bộ về mặt chuyên môn và có thể chơi ở đẳng cấp cao hơn".
Tối 5-9, thông tin từ VFF, HLV Park Hang Seo đã quyết định bổ sung hậu vệ Trần Văn Kiên (Hà Nội) vào đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho trận đấu với Úc vào ngày 7-9.
Văn Kiên nằm trong danh sách đăng ký sơ bộ của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, nên việc bổ sung không gặp vấn đề gì về thủ tục theo quy định của AFC.
Ngoài ra, VFF cho biết tiền đạo Công Phượng (Hoàng Anh Gia Lai) được HLV Park Hang Seo triệu tập lên đội tuyển Việt Nam. Trước mắt anh tập luyện cùng đội tuyển U22 Việt Nam, nếu có phong độ tốt mới được đưa lên đội tuyển Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận