Ông Trần Trọng Tuấn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo đó, kết luận giám định của Bộ Xây dựng cho rằng trường hợp SAGRI chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì dự án tại phường Phước Long B, quận 9 chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng theo điều 49 Luật kinh doanh bất động sản.
Quyết định số 6077 về chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 chưa đầy đủ các nội dung như: nguồn vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án... theo nghị định số 76/2015.
Việc chuyển nhượng không tiến hành đấu giá để xác định giá thị trường là không tuân thủ theo điều 29, điều 38 nghị định số 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tài sản tại doanh nghiệp và điều 31 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Trong phiên tòa trước đó, ông Trần Trọng Tuấn cho rằng kết luận giám định này không phù hợp với quy định pháp luật và nếu sử dụng kết luận giám định này để giải quyết vụ án thì không đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, về vấn đề đấu giá dự án, ông Tuấn cho rằng điều 29 nghị định 91/2015 quy định về việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước. Còn điều 38 quy định về việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Điều 29 và điều 38 nằm trong mục quản lý vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Tức là nếu SAGRI đầu tư dự án này mà thành lập pháp nhân mới là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn thì khi chuyển nhượng vốn ra khỏi doanh nghiệp phải đấu giá cổ phần hoặc cổ phiếu, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn thì phải thực hiện theo Luật doanh nghiệp.
Trong vụ án này, SAGRI thực hiện dự án bằng hình thức hợp tác kinh doanh do SAGRI làm chủ đầu tư, không thành lập pháp nhân mới. Do đó, việc chuyển nhượng dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, xem xét dự án này có đủ điều kiện chuyển nhượng không.
Nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng tức là cho phép thay đổi chủ đầu tư. Sau đó các bên mới thực hiện các thủ tục chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
Về chủ trương chuyển nhượng dự án, SAGRI đã được UBND TP phê duyệt dự án tái cơ cấu. Đề án tái cơ cấu này xác định SAGRI chỉ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, không kinh doanh bất động sản nên SAGRI phải chuyển nhượng vốn. Điều này không phụ thuộc vào việc có ban hành đề án đối với các giai đoạn sau hay không. Vì giai đoạn sau đó SAGRI không kinh doanh bất động sản.
"Bản chất là SAGRI phải chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp nhưng dự án này không phải đầu tư cho một pháp nhân mới, mà thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh do SAGRI làm chủ đầu tư. Để chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển nhượng dự án trước, chấm dứt quyền và nghĩa vụ, lúc đó mới có địa chỉ để chuyển nhượng vốn. Vốn này là giá trị quyền sử dụng đất và vốn đầu tư trên đất" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho rằng trong vụ án này có sự bất cập trong nhận thức áp dụng pháp luật. Luật kinh doanh bất động sản và Luật quản lý vốn nhà nước cùng được ban hành trong 1 năm nhưng khi xử lý vấn đề chuyển nhượng vốn, dự án bất động sản của doanh nghiệp nhà nước thì không có quy định.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng theo điều 49 Luật kinh doanh bất động sản, điều kiện tiến độ hạ tầng kỹ thuật chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chứ không áp dụng với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Đồng thời, điều này cũng không quy định về nghĩa vụ tài chính khi xem xét thẩm định, chuyển nhượng dự án bất động sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận