20/05/2019 18:41 GMT+7

Cựu giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương lãnh 12 năm tù vì 'phù phép' 658ha đất

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Mặc dù nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương khai tại tòa rằng giá thanh lý cao su ngầm hiểu gồm quyền sử dụng đất, nhưng Hội đồng xét xử đã bác bỏ lời khai này và tuyên các bị cáo phạm tội.

Cựu giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương lãnh 12 năm tù vì phù phép 658ha đất - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: BÁ SƠN

Ngày 20-5, sau gần một tuần nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên ba bị cáo trong cao su thanh lý của Công ty chế biến cây công, nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Bình Dương () phạm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ".

Bị cáo Cao Minh Huệ, 65 tuổi, nguyên giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương, bị tuyên phạt 12 năm tù. Bị cáo Phan Văn Trung, 55 tuổi, nguyên trưởng Phòng NN&PTNT huyện (nay là thị xã Bến Cát) bị tuyên 11 năm tù. Bị cáo Đỗ Văn Sâm, 61 tuổi, nguyên cán bộ Phòng NN&PTNT Bến Cát, bị tuyên 10 năm tù.

Hình phạt tù được khấu trừ đi thời gian các bị cáo đã tạm giam (từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2011). Do các bị cáo được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm nên sau khi tòa tuyên án, cả ba bị cáo vẫn tiếp tục tại ngoại cho tới khi có bản án có hiệu lực pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên ba bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền thuê đất hơn 230 triệu đồng. Đề nghị UBND thị xã Bến Cát thu hồi số tiền hơn 128 tỉ đồng đã bồi thường giải phóng mặt bằng sai cho 32 hộ dân, đồng thời thu hồi hàng chục ngàn m2 đất tái định cư cấp cho các hộ dân.

Đặc biệt, đối với khoảng 114,7ha đất chưa bồi thường để mở rộng khu công nghiệp An Tây do vướng vào vụ án này, HĐXX đề nghị UBND tỉnh Bình Dương làm các thủ tục đất đai theo quy định pháp luật (là đất công, nhưng trên thực tế đang do các hộ dân quản lý, sử dụng).

HĐXX đã bác bỏ lời khai của nhiều cựu lãnh đạo cấp cao của tỉnh Bình Dương được triệu tập đến tòa cho rằng mặc dù trên văn bản không thể hiện nhưng "ngầm hiểu" tiền thanh lý cao su đã bao gồm quyền sử dụng đất.

Tại tòa, các bị cáo phủ nhận hành vi phạm tội nhưng HĐXX cho rằng bản thân các bị cáo đều là người có chuyên môn, nắm rõ quy định về quản lý đất đai, biết rằng việc thanh lý cây cao su không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất nhưng vẫn tham mưu hoặc trình ký để lãnh đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm pháp luật.

Bản thân những người mua cao su và được cấp giấy chứng nhận đều là người nhà hoặc người quen biết của các bị cáo.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, lợi dụng việc công ty Sobexco thanh lý 658ha vườn cây cao su, các bị cáo đã đưa người nhà đăng ký mua cây. Người nhà bị cáo Cao Minh Huệ được cấp sổ đỏ hơn 78ha đất, người nhà Phan Văn Trung được cấp sổ 4,3ha, người nhà Đỗ Văn Sâm được cấp sổ 14ha.

Diện tích đất vườn cây cao su thanh lý của Công ty Sobexco sau này nằm trong quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp An Tây. Đáng lẽ nhà nước không phải mất tiền bồi thường đất nhưng do đã cấp "sổ đỏ" nên gây thiệt hại số tiền bồi thường khoảng 130 tỉ đồng.

Đây là vụ án có nhiều tình tiết đặc biệt, quá trình điều tra kéo dài từ năm 2009, từng hai lần bị đình chỉ rồi lại khôi phục điều tra. Tới nay, sau 10 năm xảy ra vụ án, các bị cáo mới bị đưa ra xét xử.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên