07/05/2012 08:22 GMT+7

Cứu doanh nghiệp: Cần thêm giải pháp dài hạn

LÊ THANH thực hiện
LÊ THANH thực hiện

TT - Sau khi Chính phủ công bố gói giải pháp cứu doanh nghiệp (DN), bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, đề nghị cần có chính sách dài hạn để DN yên tâm làm ăn vì tình hình năm 2013 và các năm tới sẽ còn nhiều khó khăn. Bà Lan nói:

cAdOES9v.jpgPhóng to

"Hội thảo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ở Đà Nẵng trong tháng 4, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã có nhiều chuyên gia, trong đó có tôi, đề cập việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tôi cảm nhận được là hôm đó bà Ngân đã lắng nghe về đề xuất này"

Chuyên gia PHẠM CHI LAN

- Từ nay đến cuối năm sẽ còn rất nhiều DN tiếp tục khó khăn. Các giải pháp đưa ra đề cập đến nhiều mặt, trong đó có các công cụ về tín dụng, thuế cũng như một số loại phí giúp DN như chi phí về đất đai. Có một mặt tốt là các giải pháp nhắm đến một số đối tượng là các DN nhỏ và vừa, chứ không hỗ trợ một cách tràn lan. Đây là những điểm tôi cho là được. Tuy nhiên, về mức độ kịp thời thì hơi trễ khi lúc này rất nhiều DN lao đao. Tôi vẫn mong các giải pháp này cần nhìn nhận dài hạn thay vì chỉ là tạm thời khi chúng ta chỉ gia hạn thuế giá trị gia tăng, hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong thời gian vài ba tháng.

* Để tăng sức cạnh tranh của DN, theo bà, cần giảm thuế TNDN?

- Đúng vậy. Vì thuế TNDN của ta vẫn ở mức cao với 25% so với các nước trong khu vực ASEAN là 17%, do đó làm mất khả năng cạnh tranh của DN một cách đáng kể. Ngay cả với các DN, để tính toán bài toán kinh doanh dài hạn thì không thể dựa vào những chính sách hỗ trợ ngắn hạn như Chính phủ vừa đưa ra. Hiện nay không có gì đảm bảo mọi thứ sẽ tiến triển thuận lợi, hay nền kinh tế sẽ khôi phục được mang tính chất bền vững để họ có thể làm ăn lâu dài. Chúng ta khuyến khích DN làm ăn dài hạn nhưng mọi giải pháp của Chính phủ, ngay cả cứu trợ chỉ mang tính chất ngắn hạn thôi thì làm sao DN tính đến bài toán làm ăn dài hạn hoặc trung hạn được.

* Bà có thể giải thích rõ hơn về đề nghị cần có giải pháp dài hạn mạnh hơn để cứu DN?

- Thật ra, khó khăn lần này của DN phần lớn do những vấn đề khó khăn nội tại của nền kinh tế nhiều năm tích tụ suốt từ năm 2008 đến nay chứ không phải vấn đề mới. Mặt khác, trong điều kiện kinh tế toàn cầu có rất nhiều diễn biến phức tạp và tình hình trong nước cũng vậy. 29.000 tỉ đồng mà Chính phủ đưa ra chỉ giúp DN giảm bớt khó khăn trong năm 2012, còn đến năm 2013 thì sao khi mà những vấn đề chung của nền kinh tế vẫn còn đó, vẫn đang rối bời với nhiều lo lắng? Cụ thể quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sẽ được tiến hành như thế nào, có đủ quyết liệt, có mang lại hiệu quả lâu dài hay không, hay DN vẫn chật vật tiếp cận tín dụng, lãi suất thì cao ngất ngưởng, lạm phát cũng vậy?... Như thế là còn nhiều yếu tố khiến người kinh doanh và người dân chưa thật yên tâm, trong khi những cứu trợ hiện nay chỉ mang tính chất cứu chữa trước mắt.

* Khi các giải pháp được trình ra Quốc hội, một số chuyên gia cho rằng Quốc hội nên đề nghị Chính phủ xem xét để có giải pháp hữu hiệu hơn. Quan điểm của bà về ý kiến này?

- Tôi cũng mong Quốc hội thấy rằng với tình hình thực tế thì giải pháp mà Chính phủ đưa ra vẫn chưa thật sự hỗ trợ DN vượt ra khỏi khó khăn. Trong 29.000 tỉ đồng thì ngân sách có thể bị giảm thu khoảng 9.000 tỉ đồng. Nếu lo ngại hỗ trợ DN nhiều sẽ khiến thất thu ngân sách thì mức 9.000 tỉ đồng vẫn là ít so với mức năm ngoái thu vượt đến gần 100.000 tỉ đồng. Mấy năm gần đây năm nào cũng thu vượt dự toán cả 100.000 tỉ đồng mỗi năm. Vẫn còn dư địa để Quốc hội xem xét đề nghị Chính phủ đưa ra giải pháp mạnh hơn để cứu DN. Thuế là quyết định ở Quốc hội, đề nghị giảm thuế TNDN xuống mức 20% rất mong được Quốc hội đưa ra trong kỳ họp lần này.

LÊ THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên