Sau khi dư luận lên tiếng đề nghị xem xét lại việc phá dỡ một di tích công nghiệp, một công trình cổ xây dựng từ đầu thế kỷ 20 ở trung tâm Hà Nội (61 Trần Phú), thay vào đó là tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp, cũng như công trình mới có thể phá vỡ cảnh quan kiến trúc của khu trung tâm chính trị Ba Đình, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu dừng thi công công trình và tổ chức kiểm tra thủ tục triển khai dự án.
Việc lắng nghe của lãnh đạo Hà Nội như vậy là hợp lý, song từ đây cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về ứng xử đối với các di tích, các công trình cổ và việc quy hoạch làm đô thị.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có một quỹ di sản đô thị phong phú, đa dạng. Di sản kiến trúc thường ở trong nội thành, nhất là trung tâm thành phố. Đây là khu vực được coi là "đất vàng", thậm chí "đất kim cương", vì vậy có sức hấp dẫn rất lớn với các nhà đầu tư, đồng thời là nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho địa phương.
Thời gian qua do thiếu tầm nhìn phát triển bền vững trong quy hoạch đô thị, sự không đồng bộ trong hoạch định và thực thi chính sách các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội... đã dẫn tới sự phá hủy nhiều công trình di sản, thậm chí làm biến dạng cả một khu vực di sản, vì những dự án mới là khách sạn, trung tâm thương mại hay chung cư cao cấp.
Kết quả là làm tổn hại đến lịch sử - văn hóa đô thị, tổn thương ký ức đô thị của cộng đồng.
Bảo vệ di sản văn hóa đô thị thực chất là vấn đề của chính sách và thực thi chính sách quản lý kinh tế - xã hội - văn hóa của chính quyền đô thị. Hiện nay do sức ép của phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa, việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển là bài toán khó cho chính quyền và nhà quản lý.
Mặt khác do chưa ý thức, nhận thức đầy đủ giá trị của di sản đô thị đối với lịch sử thành phố hoặc với từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể nên những công trình như khu vực Ba Son, công trình 61 Trần Phú Hà Nội... bị phá hủy đều viện dẫn lý do công trình chưa được xếp hạng di tích, giá trị kiến trúc không có gì nổi bật...
Đây chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng, quản lý di sản văn hóa, chính quyền sở tại: chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, kịp thời, công khai minh bạch thông tin về quy hoạch từng khu vực, xây dựng công trình mới... Đồng thời, việc nghiên cứu về di sản đô thị còn chưa toàn diện, chậm trễ đưa nhiều công trình vào Danh mục kiểm kê di tích và xếp hạng di tích.
Nhưng trên hết là quan điểm và ý chí của chính quyền. Bởi trên thực tế có bốn nhân tố tác động đến "số phận" di sản đô thị là chính quyền, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu/chuyên gia và cộng đồng có tiếng nói ngày càng quan trọng.
Sự lắng nghe và kịp thời chỉ đạo của chính quyền là quan trọng vì có thể cứu vãn di tích. Nhưng cần thiết hơn là phải sớm ngăn chặn việc phá hủy di sản, từ khi còn trên dự án hay ngay từ quy hoạch đô thị, nhất là vùng lõi đô thị, nơi tập trung di sản tạo nên cảnh quan đặc trưng của đô thị đó.
Hiện nay cộng đồng dân cư đã có sự hiểu biết nhất định và ý thức bảo tồn di sản, đây là một thuận lợi lớn để chính quyền có được sự đồng thuận trong quy hoạch đô thị và bảo tồn di sản, hướng đến phát triển bền vững.
Hệ thống luật pháp, chính sách ngày càng phù hợp thực tiễn sẽ là điều kiện giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc bảo tồn di sản văn hóa. Một đô thị giàu có về di sản là một đô thị nhân văn, bởi vì đã gìn giữ và chia sẻ công bằng sự thụ hưởng tài nguyên văn hóa mà tiền nhân để lại cho các thế hệ sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận