Nông dân Hậu Giang cho lúa đã phơi khô vào bao, ảnh chụp năm 2016 - Ảnh: AFP
Theo công trình nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan), khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng vì tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi dẫn đến nền đất bị sụt lún, trong khi nước biển lại không ngừng dâng lên.
Các nhà khoa học Utrecht tạo ra một mô hình số của ĐBSCL để theo dõi tác động của tình trạng khai thác nước ngầm trong 25 năm qua, và dựa trên dữ liệu đó để đưa ra dự báo.
Khi kết hợp với tốc độ nước biển dâng gây ra do biến đổi khí hậu, họ phát hiện vùng đất trũng rộng mênh mông của ĐBSCL sẽ bị chìm bất chấp con người có hành động ra sao, nhưng thay đổi trong sử dụng đất có thể cứu các khu vực khác.
"Các kết quả cho thấy khi hoạt động khai thác nước ngầm được cho phép gia tăng không ngừng, như nó đã diễn ra trong vài thập niên qua, sự sụt lún gây ra có khả năng nhấn chìm toàn bộ vùng châu thổ sông Mekong" - nhóm nghiên cứu kết luận.
Ông Philip Minderhoud - người đứng đầu công trình nghiên cứu - giải thích thêm rằng khai thác nước ngầm là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến ĐBSCL bị lún trung bình 1cm mỗi năm. Cùng lúc, nước biển dâng từ 3-4 cm mỗi năm.
"Cả vùng châu thổ sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong các thập niên tới. Đương nhiên là sự phát triển của ĐBSCL những năm qua có được một phần nhờ nguồn nước ngầm sạch miễn phí. Đó sẽ là một thử thách lớn, hoặc anh tự rút ngắn thời gian còn lại, hoặc anh không có nước để uống và tưới tiêu" - ông Minderhoud bình luận.
Các kịch bản "chìm dưới nước" của ĐBSCL tùy theo tốc độ khai thác nước ngầm - Đồ họa: ĐH Utrecht
Theo chuyên gia Minderhoud, các yếu tố khác khiến ĐBSCL sụt lún còn bao gồm sức nặng của các công trình xây dựng, dòng chảy phù sa từ thượng nguồn giảm và sụt lún tự nhiên.
Các con đập trên thượng nguồn sông Mekong - nằm trên lãnh thổ các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia - đã khiến dòng nước mất đi khoảng 40% lượng phù sa khi chảy tới Việt Nam.
Một nghiên cứu năm 2018 của Ủy hội Sông Mekong (MRC) phát hiện ĐBSCL sẽ mất 97% lượng phù sa đến năm 2040 nếu tất cả dự án thủy điện đã được lên kế họach trên sông Mekong và các phụ lưu của nó hoàn thành.
"Chỉ có khai thác nước ngầm là yếu tố con người có thể tích cực thay đổi nếu họ muốn giảm mức độ sụt lún. Nhà cửa và đường sá có thể nâng cao, nhưng tác động đối với ngành nông nghiệp sẽ không thể tránh khỏi và rất nghiêm trọng" - ông Minderhoud đánh giá.
GS.TS. Bùi Chí Bửu - cựu viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết năm 2016, Việt Nam thiệt hại hơn 1,6 tỉ USD vì lũ và hạn hán làm hư hỏng ít nhất 300 triệu tấn gạo ở ĐBSCL.
ĐBSCL - 9 nhánh sông tượng trưng cho 9 con rồng - thực tế ngày nay chỉ còn lại 7, ông Bửu cho biết. "Trong tương lai, chúng tôi có thể chỉ còn 4 hoặc 5, tôi không biết được" - vị giáo sư VN dự báo.
Cánh đồng lúa nứt nẻ vì khô hạn ở tỉnh Sóc Trăng tháng 3-2016 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận