Nói vậy bởi tìm kiếm cầu thủ trẻ tài năng ngày một khó. Ngay cả cậu con trai đầu Nguyễn Sỹ Gia Bách (12 tuổi) được Hồng Sơn kỳ vọng sẽ nối nghiệp mình cũng không mê thể thao chứ nói gì đến chuyện theo cha học bóng đá.
Con trai không mêbóng đá
Với kỹ thuật cá nhân điêu luyện, lối đi bóng như “múa” khiến đối thủ liên tục bị vặn sườn của Hồng Sơn mang đến rất nhiều cảm xúc cho khán giả. Có thể nói Hồng Sơn trong những năm 1990 là cầu thủ được người hâm mộ VN yêu mến nhiều nhất.
Nhưng trong khi được nhiều người ngưỡng mộ thì Gia Bách - cậu con trai duy nhất trong nhà Hồng Sơn (Bách có hai em gái) - lại coi... như không khi chỉ thích theo mảng nghệ thuật. Hồng Sơn kể: “Nhiều lúc tôi cũng giở lại những tấm hình, bài báo cũ, video clip cho con xem quãng thời gian thi đấu trước kia của mình, nhưng cháu vốn không thích bóng đá nên không mặn mà lắm. Khi cháu được 5 tuổi cho đến khi vào lớp 1, tôi cũng thường cho cháu đi theo vào đơn vị để tập luyện và chơi bóng cùng với các anh cũng như cho đi theo các đội trẻ Viettel đi thi đấu các giải ở tỉnh nhằm có thể hướng cháu mê và theo đuổi nghề bóng đá. Cháu sợ tôi buồn thì làm theo thôi chứ không cho thấy đam mê...”.
Chứng kiến những đứa trẻ mê bóng đá tìm đến thử sức khi Trung tâm Viettel đi tuyển sinh, rồi hằng ngày truyền dạy cho bọn trẻ trúng tuyển vào trung tâm với sự háo hức ham học hỏi, Hồng Sơn không khỏi thoáng buồn khi nghĩ đến cậu con trai của mình. Anh chia sẻ: “Bằng tuổi Gia Bách, tôi đã mê bóng đá ghê gớm. Mê đến độ đi học về là đi đá bóng đến tận chiều tối, không dọn dẹp nhà như những anh em khác trong gia đình khiến bố mẹ có lúc xích chân vào ghế để không cho đi. Dù tiếc khi thấy cháu không mê bóng đá nhưng tôi vẫn tôn trọng sở thích của cháu. Không chỉ bóng đá, ngay giờ chơi thể thao ở trường học, cháu cũng chơi cho xong hơn là thích”.
Khuyến khích chơi bóng bằng “đầu”
Sau khi giải nghệ, Hồng Sơn thử sức làm HLV dẫn dắt CLB Thành Nghĩa Dung Quất Quảng Ngãi ở Giải hạng ba 2005 và giúp đội thăng hạng nhì 2006. Nhưng sau đó, anh lại quay trở về làm công tác đào tạo trẻ ở Thể Công và sau này là Trung tâm bóng đá Viettel thay vì tìm kiếm cơ hội cầm quân ở những cấp độ cao hơn.
Ở mảng đào tạo trẻ, cùng với các HLV ở Trung tâm Viettel, Hồng Sơn đi khắp nơi để tìm kiếm và tuyển chọn cầu thủ tài năng. Còn khi ở Hà Nội, anh vừa làm HLV ở các tuyến trẻ rồi đảm nhiệm thêm chức phó phòng huấn luyện của trung tâm. Mê trẻ và là hình tượng tốt cho các cầu thủ nhí, nên Hồng Sơn cũng được mời làm HLV ở các chương trình “Trại hè bóng đá”. Mới nhất là ở Trại hè bóng đá thiếu niên Toyota 2015, diễn ra từ ngày 8 đến 14-8 tại Trung tâm thể thao Thành Long (TP.HCM), ngoài việc huấn luyện cho 30 cầu thủ nhí được chọn từ khắp cả nước, anh còn tuyển chọn ra 18 cầu thủ xuất sắc nhất đại diện cho VN sang Nhật Bản thi đấu giao hữu.
Chứng kiến thầy Sơn thị phạm kỹ thuật qua người trước khi chuyền bóng, các học viên nhí từ 9 - 11 tuổi cứ ngẩn người hoặc xuýt xoa đầy thích thú. Nhưng điều làm người ta ấn tượng nhất với Hồng Sơn khi huấn luyện cho các cầu thủ trẻ lại là sự khuyến khích chơi bóng bằng đầu óc. Ngồi ngoài sân nói chuyện cùng chúng tôi nhưng Hồng Sơn luôn quan sát các cầu thủ nhí phối hợp và có thể cắt ngang cuộc nói chuyện để chạy vào sân chỉnh các cầu thủ. Anh nói: “Các em cần phải chơi bóng bằng đầu chứ không phải lạm dụng kỹ thuật và dùng sức để chiến thắng đối thủ”.
Trả lời câu hỏi: Có bao giờ anh nghĩ đến việc dẫn dắt một CLB V-League như các đồng đội Huỳnh Đức, Hữu Thắng...? Hồng Sơn đáp: “Tôi thích trẻ con, thích đào tạo trẻ và sợ áp lực. Tính cách của tôi là vậy. Đó là lý do tôi từng từ chối lời mời làm HLV cho một CLB ở Giải hạng nhất và ở V-League. Dù muốn đào tạo được những truyền nhân của mình để có thể đóng góp cho bóng đá VN nhưng ước mơ này còn phụ thuộc đầu vào. Đó cũng là điều tôi trăn trở”.
[box]Hậu phương vững chắc của Hồng Sơn
Nói về người bạn đời Vũ Hồng Hải của mình, Hồng Sơn chia sẻ: “Chúng tôi quen nhau qua một nhóm chơi cầu lông của người bạn cùng lớp luật với tôi rồi sau đó tổ chức đám cưới vào cuối năm 2002. Sau khi tốt nghiệp khoa báo chí Phân viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội, cô ấy cũng đi làm một thời gian nhưng sau khi sinh cháu Gia Bách đã quyết định ở nhà chăm lo cho gia đình. Cô ấy là người hiểu và thông cảm cho nghề nghiệp của tôi rất nhiều”.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận