Sergei Skripal trao đổi với luật sư trong thời gian ngồi tù ở Nga năm 2006 - Ảnh: AP
Hôm 5-3 (giờ địa phương), người ta nhìn thấy một người đàn ông 66 tuổi cùng một phụ nữ 33 tuổi nằm bất tỉnh trên băng ghế trong trung tâm thương mại ở Salisbury (miền nam nước Anh).
Cảnh sát không nêu rõ danh tính hai nạn nhân, chỉ cho biết hai người được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì trúng phải chất độc chưa xác định và người đàn ông đang trong tình trạng nguy kịch.
Báo The Guardian đưa tin hai nạn nhân có quen biết nhau, họ không có vết thương bên ngoài nào và có thể đã bị đầu độc bằng fentanyl. Đây là chất giảm đau nguy hiểm thuộc nhóm gây nghiện mạnh gấp 100 lần morphine. Chỉ cần 1 miligam fentanyl cũng đủ gây chết người.
Theo Đài BBC, người đàn ông tên là Sergei Skripal, nguyên đại tá tình báo quân sự người Nga. Năm 2006, Sergei Skripal bị tòa án Nga kết án 13 năm tù giam về tội phản bội tổ quốc.
Theo cáo trạng, Sergei Skripal đã được trả 100.000 USD để cung cấp cho Cục Tình báo mật (MI6) của Anh danh tính các điệp viên Nga cài cắm ở châu Âu.
Năm 2010, Sergei Skripal được ân xá, rồi cùng ba điệp viên Nga nữa được trao đổi với 10 điệp viên Nga bị Mỹ và Anh trục xuất, trong đó có nữ doanh nhân trẻ Anna Chapman nổi tiếng với biệt danh "Mata Hari mới" ở New York.
Đây là vụ trao đổi điệp viên lớn nhất sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Sau đó, Sergei Skripal cư trú ở Anh.
Trường hợp Sergei Skripal bị đầu độc được cho là tương tự vụ Alexander Litvinenko - cựu điệp viên Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Tháng 10-2000, Litvinenko cùng gia đình trốn khỏi Nga sang Anh. Năm 2006, Litvinenko đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium-210 cực độc ở London (Anh).
Theo kết luận điều tra của cơ quan điều tra Anh sau khi Litvinenko tử vong, nạn nhân bị đầu độc trong lúc dùng trà với hai kiều dân Nga Andrei Lugovoi và Dmitri Kovtun trong khách sạn Millenium.
Lúc bấy giờ thẩm phán phụ trách vụ án Robert Owen nhận xét: "Sự việc nạn nhân Alexander Litvinenko bị đầu độc bằng polonium-210 sản xuất trong lò phản ứng hạt nhân cho thấy Lugovoi và Kovtun hành động cho một quốc gia chứ không phải tổ chức tội phạm nào".
Ngày 7-9-1978, nhà văn Georgi Markov người Bulgaria đã bị một kẻ lạ mặt chích bằng dù có cài kim trong lúc ông đang đi lên cầu Waterloo ở London. Tối đó ông lên cơn sốt cao và bốn ngày sau tử vong trong bệnh viện. Kết quả giải phẫu tử thi cho thấy trong đùi nạn nhân có thuốc độc ricin. Bulgaria đã mở cuộc điều tra hình sự nhưng đến năm 2013 xếp hồ sơ do hết thời hiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận