Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự chiêu đãi của Chính phủ Hoa Kỳ do Phó tổng thống Joe Biden chủ trì (tháng 7-2015) - Ảnh: TTXVN
Thứ nhất, phát triển mạnh mẽ quan hệ với Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận cao trong nội bộ Mỹ, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cả giới doanh nghiệp và giới học giả. Mỹ đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và đã nhiều lần khẳng định rằng một nước Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng là phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Về phần mình, Việt Nam cũng khẳng định trước sau như một luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và hoan nghênh Mỹ đóng vai trò tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Thứ hai, mối quan hệ hai nước đã trải qua nhiều thử thách kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay và đã định hình một khuôn khổ rõ ràng là "đối tác toàn diện" từ năm 2013 với những nguyên tắc cơ bản - đó là tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Thứ ba, bản thân ông Biden khi còn là phó tổng thống Mỹ là người rất am hiểu về các vấn đề đối ngoại và ông luôn đánh giá tích cực về quan hệ với Việt Nam.
Còn nhớ hơn 5 năm trước, nhân chuyến thăm chính thức Mỹ lần đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7-2015, ông Biden đã thay mặt chính quyền tổ chức chiêu đãi trọng thể và ông đã gây bất ngờ với tất cả các quan khách có mặt khi ông "lẩy" Kiều: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" để bày tỏ tin tưởng về tương lai phát triển của mối quan hệ giữa hai nước.
Thứ tư, nhìn vào đội ngũ nội các và cố vấn mà ông Biden đang sắp xếp cho chính quyền mới, chúng ta thấy nhiều gương mặt khá quen thuộc, trong đó có nhiều người am hiểu về Việt Nam và khu vực, đã từng thăm Việt Nam và có những đóng góp quan trọng vào việc định hình khuôn khổ đối tác toàn diện giữa hai nước như Ngoại trưởng Tony Blinken (nguyên là thứ trưởng ngoại giao thời tổng thống Obama), Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Điều phối viên về các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Kurt Campbell (nguyên là trợ lý ngoại trưởng Mỹ thời ông Obama)...
GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc):
Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng của Mỹ
Theo những gì tôi được biết, ông Biden là người rất lắng nghe ý kiến các chuyên gia. Việc Biden tuyên bố chọn ông Kurt Campbell chịu trách nhiệm xử lý mối quan hệ với châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia là một diễn biến đáng chú ý.
Theo tôi, sẽ có sự tiếp nối trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, trong đó tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải và hàng không cũng như đẩy lùi sự bắt nạt của Trung Quốc.
Chính sách thương mại của chính quyền Biden có màu sắc bảo hộ, khi ông tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ mua hàng Mỹ trước tiên. Tuy nhiên, ông Biden sẽ thoải mái khi làm việc trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các thỏa thuận thương mại song phương.
Theo luật, chính quyền ông Biden sẽ phải trình Quốc hội một Chính sách an ninh quốc gia (NSS) trong 150 ngày từ lúc vào nhiệm kỳ. Nói cách khác, chúng ta không kỳ vọng vào bất ngờ nào, hay sự thay đổi đột ngột, trong chính sách đối ngoại của Mỹ cho tới lúc NSS được Quốc hội phê chuẩn.
Tuy vậy, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ không còn tùy thuộc vào ý chí của một người. Ông Biden sẽ để ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của mình toàn quyền theo đuổi các chính sách do nội các tán đồng. Chính sách của Mỹ sẽ được đánh dấu bằng sự trở lại của cấu trúc an ninh quốc gia cũng như các quy trình ra quyết định bình thường.
Việt Nam vẫn sẽ là đối tác quan trọng của Mỹ. Chính quyền Biden sẽ phối hợp nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, vốn được thống nhất từ thời cựu tổng thống Barack Obama năm 2013 - thời điểm ông Biden là phó tổng thống.
Các vấn đề thương mại và kinh tế sẽ được xử lý trên cơ sở chuyên nghiệp, không còn tư tưởng "nước Mỹ trên hết" như thời ông Trump.
NHẬT ĐĂNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận