Hình ảnh tên lửa của liên quân bay xé toạc màn đêm trên bầu trời thủ đô Damascus rạng sáng 14-4 - Ảnh: AP
Binh sĩ Syria đến ghi hình tình trạng thiệt hại của Trung tâm nghiên cứu khoa học ở thủ đô Damascus bị trúng tên lửa sáng 14-4 - Ảnh: REUTERS
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ về sự kiện liên quân Mỹ, Anh, Pháp ngày 14-4, ông Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại một số quốc gia Trung Đông, nhận định đây là cuộc tấn công quy mô nhỏ và đã lên kế hoạch từ trước nhằm cảnh báo Nga và Iran.
* Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đầu trên Twitter "hùng hổ" tuyên bố tấn công Syria, sau đó rút lại đe dọa. Tuy nhiên, sáng 14-4 (giờ Việt Nam), liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã giội tên lửa xuống thủ đô Damascus. Ông có bất ngờ?
- Tôi không bất ngờ vì rõ ràng đây là cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ trước. Cả Mỹ và hai đồng minh Anh, Pháp đều lên án vụ tấn công hóa học tại thành phố Douma, Đông Ghouta ngày 7-4 và tố cáo Nga đã hậu thuẫn quân đội Syria làm điều này. Tuy nhiên theo tôi, đây chỉ là một cái cớ vì không có bằng chứng rõ ràng khẳng định quân đội Syria tiến hành tấn công hóa học. Thông tin về cuộc tấn công hóa học này chỉ lan truyền trên Twitter và các phương tiện truyền thông đại chúng khác.
Trong nội bộ chính quyền Donald Trump cũng đang có những ý kiến khác nhau. Một số đảng đối lập và một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ lên tiếng phản đối Anh tham gia tấn công Syria và đề nghị phải thông qua vấn đề này trước quốc hội. Việc Thủ tướng Theresa May đơn phương tuyên bố tấn công Syria mà không thông qua quốc hội khiến nhiều người liên tưởng đến kịch bản tấn công Iraq năm 2003 khi Thủ tướng Anh Tony Blair cũng làm điều tương tự.
Một đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở châu Âu là Đức cũng đã lên tiếng phản đối hành động quân sự nhằm vào Syria. Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao Mỹ và Nga cũng thường xuyên trao đổi với nhau, thậm chí hai bên còn thiết lập đường dây nóng để ngăn xung đột xảy ra.
Do vậy, trong khi có những nỗ lực ngoại giao để ngăn xung đột thì việc liên quân Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria là một điều vô cùng đáng tiếc. Hành động này đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, vi phạm độc lập chủ quyền của Syria vì phát động tấn công mà không có lý do xác đáng.
Ông Nguyễn Quang Khai - Ảnh: Q.TRUNG
Theo thông tin tôi có được, có thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Nga. Mỹ không muốn làm to chuyện này và buộc phải tấn công Syria. Mỹ đã thông báo trước cho Nga để tránh cuộc xung đột trực diện giữa hai nước
Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại một số quốc gia Trung Đông
* Ông có bình luận gì khi ông Trump chỉ đích danh Nga và Iran đứng sau vụ tấn công hóa học ở Douma ngày 7-4?
- Đó chỉ là tố cáo của ông Trump nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng. Nga và Syria trước đó khẳng định sẵn sàng mở các cuộc điều tra. Ngoài ra, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cũng đã cử một phái đoàn đến một thị trấn ở Đông Ghouta, gần thủ đô Damascus để điều tra. Lẽ ra ông Trump nên đợi kết quả điều tra. Đằng này chỉ dựa trên những thông tin trên mạng xã hội và Twitter để lấy cớ tấn công Syria.
* Ông nói chưa có bằng chứng rõ ràng khẳng định có tấn công hóa học, nhưng vì sao Mỹ và đồng minh lại quyết định giội tên lửa xuống Damascus?
- Có một số lý do đằng sau quyết định này. Khi cáo buộc tấn công hóa học xuất hiện ngày 7-4, Tổng thống Donald Trump đã ra tuyên bố hết sức hiếu chiến và cực đoan, khẳng định sẽ đánh Syria trong vòng 24-48 giờ tới. Sau đó, có nói lại đôi chút nhưng tựu trung là tuyên bố sẽ đánh.
Vì ông ấy đã tuyên bố đánh nên ông ấy phải thực hiện để bảo vệ uy tín cá nhân. Nếu không làm thì mất thể diện. Cho nên vụ tấn công này cũng hết sức nhẹ nhàng. Liên quân do Mỹ dẫn đầu chỉ bắn tên lửa vào những địa điểm vô thưởng vô phạt ở Syria như các trung tâm sản xuất vũ khí hóa học, viện nghiên cứu... ở thủ đô Damascus.
Một lý do nữa là nội bộ Mỹ và đặc biệt là ông Trump đang có nhiều vấn đề. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra ông Donald Trump và thậm chí nhân viên FBI còn lục soát văn phòng của luật sư riêng của ông. Ngoài ra, ông Trump bị tố chi tiền cho nữ diễn viên phim khiêu dâm Jessica Drake để giữ bí mật ngoại tình. Do đó, việc tấn công Syria có thể cũng là một cách đánh lạc hướng dư luận trong nước.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Mỹ và một số đồng minh châu Âu được cho là không suôn sẻ từ lúc ông Trump lên nắm quyền. Mỹ gây chiến tranh thương mại với một số nước châu Âu, rút khỏi Hiệp định Paris và tuyên bố ngừng cấp tiền cho NATO.
Tên lửa hành trình Tomahawk bắn đi từ tàu khu trục USS Monterey nhắm vào Syria lúc rạng sáng 14-4 - Ảnh: REUTERS
Qua cuộc tấn công Syria, ông Donald Trump muốn chứng minh cho thế giới thấy quan hệ giữa Mỹ và một số đồng minh chủ chốt trong EU như Pháp và Anh vẫn đang rất tốt.
Lý do cuối cùng: đây là đòn dằn mặt của Mỹ để cảnh báo Nga, Iran và Syria, khẳng định rằng Mỹ vẫn hiện diện ở Syria và Trung Đông. Rõ ràng Mỹ có ý định muốn độc chiếm Trung Đông và tiến hành lật đổ các chế độ thân Nga ở Trung Đông sau Iraq, Libya giờ đến Syria, Yemen. Nga với tư cách là một cường quốc tất nhiên không đồng ý.
Ông Nguyễn Quang Khai:
Giải pháp lâu dài, bền vững
Khủng hoảng Syria chỉ có thể giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và đàm phán. Giải pháp lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột này chính là bảo đảm lợi ích cân bằng cho tất cả các bên liên quan trong xung đột Syria, đặc biệt là những nước lớn như Mỹ, các nước EU, Nga, Iran, các quốc gia Ả Rập ủng hộ các phe đối lập, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận