
Ông Hoàng Quốc Hùng - Ảnh: Bộ Công an
Trong vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và một số đơn vị liên quan, bị can Nguyễn Thị Ngọc - cựu chuyên viên phòng quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp Hà Nội - là một trong 14 người bị Cơ quan an ninh điều tra (A09) Bộ Công an đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ.
Không có chức năng, quyền hạn vẫn nhận tiền, hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp
A09 xác định từ năm 2012-2022, Nguyễn Thị Ngọc là cán bộ Sở Tư pháp TP Hà Nội, không có chức năng, quyền hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp nhưng vẫn nhận tiền, hồ sơ để xin cấp phiếu cho người có nhu cầu.
Thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, Nguyễn Thị Ngọc thỏa thuận, đưa tiền cho Lương Nhân Hòa - cựu phó giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - để nhờ Phạm Quang Hậu - cộng tác viên Công ty Luật TNHH Vicco và Hoàng Quốc Hùng - cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia giải quyết hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Theo kết luận điều tra, từ tháng 1-2019 đến tháng 4-2023, Nguyễn Thị Ngọc đã đưa hối lộ tổng số tiền hơn 7,1 tỉ đồng cho Lương Nhân Hòa, Phạm Quang Hậu, Hoàng Quốc Hùng để nhờ giải quyết tổng cộng 9.494 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Mỗi lần đưa tiền, Ngọc thường dùng tài khoản ngân hàng cá nhân để chuyển tiền cho Hòa. Nữ chuyên viên sau đó được hưởng lợi cá nhân 474 triệu đồng, khoảng 50.000 đồng một hồ sơ.
Cơ quan điều tra cho rằng Nguyễn Thị Ngọc thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, song quá trình điều tra bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, có thành tích xuất sắc trong công tác.
Bên cạnh đó, bà Ngọc đã tự nguyện nộp hết 474 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, A09 xác định Nguyễn Phương Nam - cựu phó trưởng phòng bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội - không có chức năng, quyền hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp nhưng vẫn nhận tiền và hồ sơ để xin cấp phiếu cho người có nhu cầu.
Thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, Nguyễn Phương Nam thỏa thuận, đưa tiền cho Lương Nhân Hòa để nhờ Phạm Quang Hậu, Hoàng Quốc Hùng giải quyết hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Cơ quan điều tra cho hay từ tháng 7-2019 đến tháng 2-2023, Nguyễn Phương Nam đã đưa hối lộ tổng số tiền hơn 190 triệu đồng cho Lương Nhân Hòa, Phạm Quang Hậu và Hoàng Quốc Hùng để được giải quyết tổng cộng 254 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Thông qua việc này, Nguyễn Phương Nam được hưởng lợi cá nhân 175 triệu đồng.
Quá trình điều tra, bị can Nam thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện nộp hết 175 triệu đồng đề khắc phục hậu quả.
Theo kết luận, các bị can đưa hối lộ còn lại trong vụ án chủ yếu là lao động tự do, nhận hồ sơ của người có nhu cầu rồi đưa tiền cho nhóm Hậu, Hòa, Cảnh để nhờ giải quyết giúp. Mỗi bộ hồ sơ, nhóm này hưởng lợi từ 50.000 đồng, 100.000 đồng hoặc 300.000 đồng.

Nhiều người dân ngồi chờ cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội hồi tháng 4-2023 - Ảnh: DANH TRỌNG
Công chứng khống tài liệu để hợp thức hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp
Theo kết luận điều tra của A09, để hoàn thiện hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho khách hàng, bị can Nguyễn Xuân Thọ, đại diện văn phòng giao dịch Công ty Luật TNHH Vicco, đã thỏa thuận đề nghị các công chứng viên giúp chứng thực "khống" tài liệu.
Giá được Thọ và Văn phòng công chứng Trương Thị Nga (sau đổi tên thành Lại Khánh) và Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm thỏa thuận là 5.000 đồng một tờ tài liệu khống.
Trong đó nhóm bị can này sẽ chứng thực chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu không có bản chính đối chiếu hoặc chứng thực khống tờ khai yêu cầu cấp phiếu do Thọ tự lập, ký trước mặt công chứng viên.
Công chứng viên sau đó ký, đóng dấu chức danh công chứng viên, dấu của văn phòng công chứng ở góc dưới.
Bên phải tờ giấy A4 trắng để Thọ sử dụng in đè các tài liệu cần chứng thực. Tất cả đều không lấy số, vào sổ chứng thực theo quy định.
Cơ quan điều tra cho rằng công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ của văn phòng công chứng hiểu biết rõ quy định pháp luật về việc công chứng, chứng thực. Song vì vụ lợi, động cơ cá nhân khác như củng cố uy tín cá nhân, nể nang người quen, nên các công chứng viên Trương Thị Nga, Lại Hồng Khánh, Lương Minh Sơn, Vũ Nam đã lợi dụng chức năng được giao, làm trái quy định pháp luật.
Trong đó từ tháng 1-2019 đến tháng 7-2023, bị can Nga đã chứng thực khống, đóng dấu của văn phòng vào 34.503 tài liệu. Bà Nga trực tiếp ký xác nhận công chứng 24.727 tài liệu và được hưởng lợi 172 triệu đồng.
Bị can Khánh chứng thực khống, trực tiếp ký xác nhận công chứng 9.776 tài liệu và hưởng lợi 10 triệu đồng.
Bị can Sơn ký xác nhận công chứng khống 7.280 tài liệu, hưởng lợi 36,4 triệu đồng. Bị can Nam ký xác nhận công chứng khống 7.280 tài liệu, hưởng lợi 18 triệu đồng.
Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức cán bộ cấp phiếu lý lịch tư pháp
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cho hay hiện nay chức năng cấp phiếu lý lịch tư pháp được chuyển từ Bộ Tư pháp về Bộ Công an, việc cấp phiếu hiện được thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc ứng dụng VNelD.
Vì vậy, A09 kiến nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định pháp luật và hướng dẫn quy trình liên quan việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng để công dân Việt Nam, người nước ngoài dễ dàng tiếp cận, thực hiện. Từ đó tránh tình trạng thông qua các đối tượng trung gian làm dịch vụ.
Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ cho cán bộ làm công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp, tránh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc gây phiền hà cho người dân.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận