10/10/2019 15:25 GMT+7

Cựu chủ tịch Vinashin tiếp tục hầu tòa theo kháng nghị tăng án

DIỆP THANH
DIỆP THANH

TTO - Sau phiên tòa sơ thẩm, cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin kháng cáo xin giảm nhẹ rồi lại xin rút toàn bộ kháng cáo. Tuy nhiên, bị cáo này vẫn phải hầu tòa vì bị viện kiểm sát kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt.

Cựu chủ tịch Vinashin tiếp tục hầu tòa theo kháng nghị tăng án - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Sự (thứ 2 từ trái sang) cùng các bị cáo tại tòa - Ảnh: DIỆP THANH

Ngày 10-10, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) ra xét xử phúc thẩm. Phiên tòa được mở theo kháng cáo của nhiều bị cáo và kháng nghị tăng nặng của viện kiểm sát.

Phiên xét xử phúc thẩm dự kiến diễn ra trong 3 ngày.

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Sự (nguyên chủ tịch HĐTV Vinashin) bị cấp sơ thẩm tuyên 13 năm tù về tội "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Sau phiên tòa, ông Sự kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Khi phiên tòa phúc thẩm chưa diễn ra, ông Sự lại có đơn bổ sung kháng cáo, nhưng đến ngày 22-7 ông Sự lại có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo. Ngày 26-7, TAND cấp cao tại Hà Nội đã có thông báo về việc rút kháng cáo của bị cáo Sự.

Tuy nhiên, ông Sự còn bị viện kiểm sát kháng nghị theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự nên bị cáo này tiếp tục phải hầu tòa.

Bị tòa sơ thẩm tuyên 17 năm tù, bị cáo Trần Đức Chính (nguyên kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính Vinashin) kháng cáo toàn bộ bản án, xin giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường dân sự. Bị cáo Trương Văn Tuyến (nguyên tổng giám đốc Vinashin) cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, ông Tuyến bị tuyên 7 năm tù.

Bị cáo Phạm Thanh Sơn (nguyên phó tổng giám đốc Vinashin) thì cho rằng mức án sơ thẩm tuyên 6 năm tù là quá nặng, tòa chưa xem xét hết tình tiết giảm nhẹ , cũng như việc buộc bị cáo bồi thường 4,5 tỉ đồng là không chính xác. Ông Sơn kháng cáo đề nghị được gỡ bỏ kê biên tài sản. 

Theo cáo buộc, trong giai đoạn 2008-2010, Vinashin đã tiếp nhận 2.200 tỉ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và hơn 4.000 tỉ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để thực hiện đề án tái cơ cấu. Lãnh đạo của Vinashin đã gửi vào Oceanbank một số tiền lớn trong hai khoản tiền này.

Từ năm 2010 đến tháng 6-2014, Vinashin đã thực hiện hơn 2.300 hợp đồng giao dịch tiền gửi có kỳ hạn vào Oceanbank với số tiền gần 104.000 tỉ đồng và gần 182 triệu USD. Tiền lãi theo hợp đồng là gần 1.100 tỉ đồng và gần 30.000 USD.

Quá trình thực hiện hợp đồng tiền gửi, ông Hà Văn Thắm - cựu chủ tịch OceanBank - và nhân viên đã chi lãi ngoài cho Trần Đức Chính hơn 105 tỉ và cho Hoàng Đình Tâm 586 triệu đồng.

Ông Chính được giao tiếp nhận, quản lý số tiền lãi ngoài này để chi tiêu, sử dụng cho các công việc chung của Vinashin. Ngoài ra, những người này còn chia nhau chiếm hưởng cá nhân, chi không đúng quy định của Nhà nước, trong đó, ông Nguyễn Ngọc Sự chiếm hưởng cá nhân 8 tỉ đồng, ông Chính 10 tỉ đồng, ông Tuyến 3,5 tỉ đồng và ông Sơn 1,2 tỉ đồng.

Theo cấp sơ thẩm, ngoài việc phải hoàn trả số tiền đã chiếm hưởng cá nhân, các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền hơn 22,5 tỉ đồng đã sử dụng vào việc chi chung của Vinashin, không thể thu hồi. Số còn lại khoảng 60 tỉ đồng, bị cáo Chính phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Tính chung, bị cáo Chính phải chịu trách nhiệm hơn 75 tỉ đồng.

Các khoản tiền này được hoàn trả cho Oceanbank và được khấu trừ nghĩa vụ của ông Hà Văn Thắm. Bản án quyết định tiếp tục kê biên các tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Nguyên chủ tịch Vinashin Nguyễn Ngọc Sự lãnh 13 năm tù Nguyên chủ tịch Vinashin Nguyễn Ngọc Sự lãnh 13 năm tù

TTO - Sau 3 ngày xét xử và nghị án, ngày 12-6 TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với các bị cáo trong vụ lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

DIỆP THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên