Ngày 16-9, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Chi cục Thuế khu vực Chư Sê - Chư Pưh và cựu chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã có báo cáo giải trình sai phạm vụ đấu giá đất tại huyện này.
Chậm nộp tiền hàng trăm ngày nhưng không hủy kết quả đấu giá đất
Trước đó như đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại tỉnh Gia Lai xảy ra nhiều sai phạm trong đấu giá đất.
Trong đó sai phạm điển hình là vụ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2019 tại dự án quy hoạch khu trung tâm hành chính và khu đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chư Sê.
Trong cuộc đấu giá này, một vài cá nhân trúng đấu giá rất nhiều lô đất như bà Hồ Thị Hiền trúng 107 lô, ông Nguyễn Xuân Ánh trúng 44 lô, ông Lê Viết Đức trúng 54 lô.
Sau khi trúng đấu giá, các cá nhân này đều chậm nộp tiền trúng đấu giá so với quy định, có người nộp chậm 140 - 300 ngày.
Dù vậy cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, không phát hiện sai phạm, không hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc, mà ngược lại còn cho phép gia hạn thời gian nộp tiền trúng đấu giá. Đây là việc làm sai quy định của quy chế đấu giá và phương án đấu giá.
Việc này đã tạo điều kiện cho người trúng đấu giá chuyển nhượng cho người khác với giá thấp khó tin so với giá trúng đấu giá. Có nhiều lô khai giá chuyển nhượng 30 - 50 triệu đồng dù giá trúng đấu giá là 3 - 4 tỉ đồng!
Cựu chủ tịch huyện và cơ quan thuế đổ lỗi cho nhau
Báo cáo giải trình liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Hồng Linh - cựu chủ tịch UBND huyện Chư Sê nhiệm kỳ 2016 - 2021 - nói theo quy định phương án đấu giá, các ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ thực hiện.
Trường hợp có nội dung khác quy chế thì báo cáo Hội đồng phát triển quỹ đất trình UBND huyện phê duyệt thực hiện. Do đó ngành nào vi phạm quy chế, làm sai thì ngành đó chịu trách nhiệm.
Theo ông Linh, dù hết thời hạn nộp tiền, người trúng đấu giá chưa nộp nhưng cơ quan thuế không báo cáo UBND huyện cho gia hạn hoặc hủy kết quả trúng đấu giá, mà vẫn thu tiền gốc và tiền chậm nộp nên phải chịu trách nhiệm.
Cựu chủ tịch huyện lập luận rằng người trúng đấu giá chưa nộp đủ tiền sau khi hết thời hạn nhưng UBND huyện không nhận được báo cáo đề xuất hủy kết quả trúng đấu giá nên không có cơ sở để hủy, trách nhiệm này thuộc về Chi cục Thuế khu vực Chư Sê - Chư Pưh.
Trong khi đó, Chi cục Thuế khu vực Chư Sê - Chư Pưh viện dẫn phương án đấu giá quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày trúng đấu giá mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện trình UBND huyện quyết định hủy kết quả trúng đấu giá.
Còn cơ quan thuế không có chức năng, nhiệm vụ tham mưu hồ sơ để UBND huyện gia hạn nộp tiền sử dụng đất cũng như hủy quyết định trúng đấu giá.
Theo chi cục thuế, trong trường hợp này UBND huyện biết rõ thông tin những cá nhân trúng đấu giá chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hạn định nhưng vẫn phê duyệt cho gia hạn.
Có thất thu thuế khi giá chuyển nhượng thấp bất thường?
Trong vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra lại hàng trăm trường hợp chuyển nhượng đất với giá thấp hơn giá trúng đấu giá để chống thất thu thuế.
Theo Chi cục Thuế khu vực Chư Sê - Chư Pưh, việc thực hiện tính thuế đối với 119 hồ sơ chuyển nhượng sau đấu giá tại đây là đúng quy định. Theo đơn vị này, việc tính lệ phí trước bạ chỉ áp dụng với đất được Nhà nước giao theo hình thức đấu thầu, đấu giá. Không áp dụng tính lệ phí trước bạ đối với chuyển nhượng sau đấu giá.
Về việc tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng, đơn vị này viện dẫn quy định giá chuyển nhượng là giá thực tế ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.
Trường hợp không xác định được giá thực tế hoặc giá ghi trên hợp đồng thấp hơn giá đất của UBND tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng tính theo bảng giá đất.
Do đó, đơn vị này cho rằng việc tính thuế chuyển nhượng sau đấu giá của 119 hồ sơ là đúng quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận