29/07/2024 12:43 GMT+7

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: 'Vụ án là bài học quá lớn, ám ảnh suốt cuộc đời'

Nói lời sau cùng, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng để làm được nhiều ước mơ, hoài bão lớn, ông đã làm một số việc vượt quá giới hạn cho phép, "vụ án là bài học quá lớn, sẽ ám ảnh suốt cuộc đời bị cáo".

Bị cáo Trịnh Văn Quyết nói lời sau cùng - Ảnh: HIỂU PHONG

Bị cáo Trịnh Văn Quyết nói lời sau cùng - Ảnh: HIỂU PHONG

Ngày 29-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 người khác kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử nghị án.

Ông Trịnh Văn Quyết: Ân hận vì làm nhiều người thân, bạn bè rơi vào vòng lao lý

Trong hơn 7 phút nói lời sau cùng, ông Trịnh Văn Quyết nhiều lần xúc động, đưa tay lên quệt nước mắt, nghẹn ngào nói "luôn có hoài bão là làm sao để phát triển các lĩnh vực như sân golf, khu nghỉ dưỡng, hàng không".

Ông Quyết cho rằng bản thân đã đạt được những thành tựu nhất định, được cộng đồng, xã hội đánh giá cao, đã làm thay đổi nhiều vùng đất khó khăn, từ đó tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động. 

Tuy nhiên tại cùng một thời điểm để làm được nhiều ước mơ, hoài bão lớn như vậy, ông đã làm một số việc vượt quá giới hạn cho phép.

"Bị cáo rất ân hận vì trong suốt quãng đời làm doanh nhân hơn 20 năm của mình, cho dù đã luôn cố gắng, nỗ lực nhưng bị cáo cũng không thể làm thay đổi được sự thật đó là làm cho rất nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã vì quá tin tưởng bị cáo mà họ phải rơi vào vòng lao lý.

Bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến các anh, chị, bạn bè, các em, cháu của bị cáo", ông Quyết nghẹn giọng nói và "tha thiết kính mong tòa giảm án cho tất cả các bị cáo bị liên đới trong vụ án để họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình".

Cựu chủ tịch FLC cũng gửi lời xin lỗi với tất cả những người được xác định là bị hại trong vụ án và mong muốn bị hại "khoan hồng với tất cả các bị cáo".

"Đây là bài học quá lớn, sẽ ám ảnh suốt cuộc đời bị cáo cũng như các bị cáo khác. Một lần nữa xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo". 

Ông Quyết nói và phân trần rằng không phải ông "không muốn xin giảm án cho mình" mà vì ông, nhiều người vướng vòng lao lý. Vì vậy "trong giờ phút này nói lời xin giảm án cho riêng mình, thật sự khó nói".

Cựu chủ tịch FLC sau đó trở về ghế ngồi, cúi mặt, liên tục lau nước mắt.

Bị hại của ông Trịnh Văn Quyết giảm từ hơn 30.000 xuống 25.000 người

Trước đó, tại phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát đưa ra quan điểm đối đáp với phần bào chữa của các bị cáo và luật sư.

Về quan quan điểm của các luật sư và bị cáo cho rằng cần xác định lại số lượng bị hại, thiệt hại trong vụ án.

Đại diện viện kiểm sát cho rằng phần lớn các bị cáo trong vụ án đều có trình độ, am hiểu về chứng khoán, thị trường chứng khoán, một số còn làm trong cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán.

"Với lòng tự trọng, các bị cáo đã nhận lỗi, nhận tội, nhiều bị cáo tích cực tìm cách khắc phục hậu quả vụ án", viện kiểm sát nêu.

Bên cạnh đó viện kiểm sát xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, tổ chức chỉ đạo, phân công giao việc hoặc nhờ các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ thông qua một chuỗi hành vi gian dối.

Đại diện viện kiểm sát cho rằng ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu, hình thành từ vốn góp, nâng khống giao dịch qua hơn 30.400 tài khoản chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.

Tiếp tục tranh luận, kiểm sát viên nhắc lại ý kiến của nhóm luật sư bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết nêu rằng vụ án chỉ có 133 người đến trình báo, có đơn yêu cầu bồi thường mới là bị hại, nhóm hơn 30.000 người mua cổ phiếu ROS còn lại chưa thể xác định được, một số còn trùng tên.

Với quan điểm này, viện kiểm sát cho hay kết quả điều tra và kết quả xét xử công khai tại tòa đã xác định trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS, giá trị là 4.300 tỉ đồng được niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ có hơn 1.100 tỉ đồng là vốn góp thật, còn lại hơn 3.100 tỉ đồng là vốn khống.

Viện kiểm sát xác định nhà đầu tư ban đầu đã bỏ ra một lượng tiền thật vào hơn 30.400 tài khoản chứng khoán để mua hơn 390 triệu cổ phiếu ROS, bị thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng, "đây là căn cứ để xác định họ là bị hại của vụ án".

"Đến nay 133 người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, số bị hại còn lại được quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định", viện kiểm sát nêu.

Đối với hơn 30.400 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 390 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, kiểm sát viên cho hay qua rà soát có trùng tên người sử dụng tài khoản như luật sư đã đề cập.

Vì vậy viện kiểm sát xác định lại bị hại trong vụ án là hơn 25.000 trường hợp (giảm so với trước, trước đó xác định là hơn 30.400 bị hại).

Tuy nhiên viện kiểm sát cho rằng việc xác định lại số bị hại không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra, truy tố của cơ quan tố tụng.

Bởi vì hơn 30.400 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 390 triệu cổ phiếu có giá trị nâng khống của Trịnh Văn Quyết và bị thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng, tương đương với số tiền bị cáo đã chiếm đoạt.

Cũng trong phần đối đáp, viện kiểm sát cho hay bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), và Nguyễn Thanh Bình, cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên đề nghị hội đồng xét xử giảm mức án đề nghị từ 8-9 năm tù xuống 7-8 năm tù.

Chiều nay các bị cáo còn lại tiếp tục trình bày lời nói sau cùng.

"Số tiền thu lời từ bán cổ phiếu phần lớn đầu tư cho Bamboo"

Tại phần tranh luận, luật sư Vũ Đặng Hải Yến (người bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết) ghi nhận việc viện kiểm sát đã lắng nghe, xem xét, xác định lại số người bị hại đã giảm đáng kể.

Luật sư Yến cũng khẳng định bị cáo Trịnh Văn Quyết đã bị truy tố đúng người đúng tội. Tuy nhiên luật sư mong hội đồng xét xử sẽ xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cân nhắc khi lượng hình.

Ngoài ra luật sư Yến cũng cho hay số tiền thu lời từ bán cổ phiếu được ông Quyết dùng phần lớn vào việc đầu tư cho hãng hàng không Bamboo, chỉ dùng phần nhỏ vào sửa chữa nhà.

"Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều hãng hàng không bị thiệt hại rất lớn, thân chủ của tôi cũng phải dồn tiền để gồng gánh", bà Yến cho hay.

Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 24-26 năm tùCựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 24-26 năm tù

Viện kiểm sát xác định cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện hành vi sai phạm trong vụ án, ghi nhận thái độ muốn khắc phục hậu quả nhưng đến nay mới nộp hơn 200 tỉ là "không đáng kể" so với thiệt hại gây ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên