Bị cáo Bùi Quốc Việt trả lời các câu hỏi của đại diện viện kiểm sát vào chiều 9-6 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Các đồng phạm bị xét xử gồm Lê Toàn Trung (36 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) và Nguyễn Thúy Oanh (33 tuổi, vợ Trung), Nguyễn Hồng Cường (41 tuổi, ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) và Trần Văn Sỉ (50 tuổi, ngụ huyện An Phú, An Giang).
Trong ngày xét xử thứ 4, bước vào phần xét hỏi, bị cáo Bùi Quốc Việt luôn khẳng định không liên quan đến bị cáo Cường và các bị cáo khác. Bị cáo Việt khẳng định cáo trạng đã quy chụp, không đúng sự thật.
"Bị cáo chỉ cho bị cáo Cường mượn tiền và chỉ giúp đỡ bị cáo Cường thông quan hàng hóa thuận tiện như giúp các doanh nghiệp khác, chứ không có việc hùn hạp làm ăn với bị cáo Cường mà cáo trạng đã quy chụp", bị cáo Việt nói.
Trước các mâu thuẫn về lời khai với các chứng cứ, tình tiết như cáo trạng, hội đồng xét xử TAND tỉnh An Giang đã trả toàn bộ hồ sơ cho viện kiểm sát để tiếp tục điều tra bổ sung, làm rõ vai trò của từng người trong vụ buôn lậu này.
Theo cáo trạng, khoảng 1h ngày 12-10-2020, lực lượng Công an tỉnh An Giang phối hợp Công an huyện An Phú tuần tra kiểm soát tuyến biên giới thuộc thị trấn Long Bình đã phát hiện một ghe biển kiểm soát CT-07612 do Trung và Oanh điều khiển chạy từ biên giới Campuchia sang Việt Nam có biểu hiện nghi vấn.
Các luật sư của bị cáo Cường chất vấn về mối quan hệ giữa bị cáo Bùi Quốc Việt và Cường nhưng bị phủ nhận - Ảnh: BỬU ĐẤU
Công an đuổi theo, phát hiện bên trong ghe có 100 tấn đường cát trắng hiệu Cambodia Refined Sugar, không có hóa đơn chứng từ, nên lập biên bản phạm tội quả tang, tạm giữ phương tiện ghe và toàn bộ hàng hóa nhập lậu.
Qua điều tra, năm 2019, Nguyễn Hồng Cường (phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên quốc tế Hồng Anh Long) có mua bán đường cát với Trần Văn Sỉ.
Đầu năm 2020, do Nhà nước có chính sách cho nhập khẩu đường cát, Sỉ rủ Cường, Bùi Quốc Việt (cán bộ Hải quan tỉnh An Giang - PV) bàn bạc thỏa thuận hùn tiền nhập lậu đường cát từ Campuchia vào Việt Nam bán lại, có lợi nhuận thì chia đều cho cả ba người.
Cường hùn 500 triệu đồng, đứng tên trong hợp đồng mua đường cát của công ty bên Campuchia và bán đường nhập lậu trong nội địa. Sỉ hùn tiền đặt cọc mua đường 50.000 USD, chi phí vận chuyển từ Campuchia đến chốt kiểm soát hải quan An Phú. Việt hùn vốn 500 triệu đồng và có trách nhiệm làm tem nhãn phụ, làm hồ sơ thủ tục khai báo hải quan nhập khẩu đường cát đưa cho Cường.
Sau khi bàn bạc, Việt, Cường, Sỉ đã thực hiện hai lần nhập lậu đường. Lần 1 vận chuyển trót lọt được 80 tấn đường từ Campuchia về Việt Nam, trị giá gần 900 triệu đồng. Lần 2 vào ngày 12-10-2020, nhóm này vận chuyển 100 tấn đường cát, trị giá gần 1,2 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận