05/09/2012 06:55 GMT+7

Cựu binh mù và giấc mơ Paralympics

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TT - Từng đối mặt với tử thần, đánh mất đôi mắt vì chiến tranh nhưng cựu quân nhân người Nepal Bikram Bahadur Rana đã vượt qua mọi thách thức của số phận để góp mặt tại Paralympics London 2012.

BgWCFuSw.jpgPhóng to

Rana (trái) trên đường chạy dành cho người khiếm thị - Ảnh: AFP

kJ9Zc4Xg.jpgPhóng to
Mời bạn vào tải ứng dụng chính thức của Tuổi Trẻ dành cho smartphone và tablet sử dụng hệ điều hành Android đã có trên . Ứng dụng Tuổi Trẻ cũng đã có mặt trên Samsung Apps dành cho smartphone và tablet
Trong cuộc đua 200m dành cho người khiếm thị hôm 3-9 ở London, VĐV Rana, 31 tuổi, chỉ về thứ tư sau ba đối thủ còn lại. Thành tích của anh là 26,95 giây, thua 4 giây so với người chiến thắng. Tuy nhiên, chỉ việc có mặt tại London đã là một thành công phi thường đối với Rana, một trong hai thành viên đoàn thể thao khuyết tật Nepal ở Paralympics London.

Chín năm trước, khi Rama cùng đồng đội đi tuần tra trong vùng rừng núi ở dãy Himalaya thì giẫm phải mìn do phiến quân ly khai cài trên đường. “Buổi sáng 12-9-2003 đó trời mưa nhỏ và chúng tôi đi trên một con đường trong khu rừng rậm. Tôi và hai đồng đội đang đứng cạnh nhau khi mìn nổ. Cả hai đều chết ngay tại chỗ còn tôi bị thương nặng. Đôi mắt tôi vô cùng đau đớn, mặt đầy máu và cơ thể đầy vết thương” - Rana tâm sự với AFP.

Trong suốt hai tuần, các bác sĩ ở bệnh viện quân y đã chiến đấu với tử thần để giữ sinh mạng của Rana. Anh thoát chết nhưng bị mù cả hai mắt. “Tôi nằm trong bệnh viện suốt ba tháng bên cạnh người thân và chẳng làm gì cả. Nhưng sau đó tôi không muốn sống một cuộc đời vô dụng” - Rana nói.

Các bác sĩ tâm lý thuyết phục Rana đến thăm Hiệp hội Người khiếm thị Nepal ở Kathmandu để hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần. Tại đây, anh gặp một sĩ quan quân đội bị mù cả hai mắt nhưng vẫn theo học lớp vi tính. Từ đó, anh cũng bắt đầu học vi tính. Một HLV môn cricket từ Pakistan đã đưa anh đến với thể thao.

Rana bắt đầu thi đấu ở các đại hội thể thao dành cho người khuyết tật từ năm 2008. Và đến năm 2009, anh trở thành nhà vô địch điền kinh quốc gia cự ly 200m. Tại Para Games châu Á 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc), anh vượt qua cự ly 100m với thành tích 12,85 giây, xếp thứ chín trong số 32 VĐV và giành vé dự Paralympics London.

Chặng đường đến London của Rana và đồng đội Maiay Bishankhe, người sinh ra chỉ có một tay, không hề dễ dàng. Họ không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Nepal không đầu tư vào thể thao cho người khuyết tật và VĐV khuyết tật có quá ít cơ sở đào tạo để tập huấn.

Rana và Bishankhe không hề được tư vấn về dinh dưỡng, thậm chí không được phát quần áo và giày để thi đấu tại Paralympics London. Dù thừa nhận không hề hi vọng đoạt huy chương nhưng Rana cho biết: “Tôi tự hào với những thành quả của mình. Dù bị mù nhưng tôi vẫn có thể giương cao cờ tổ quốc ở Paralympics”.

Tháng 11 tới, Rana sẽ có mặt trong đội tuyển Nepal dự tranh Giải vô địch thế giới cricket dành cho người khiếm thị ở Bangalore, Ấn Độ.

Pistorius lên tiếng xin lỗi

Ngày 4-9, “Người không chân chạy nhanh nhất hành tinh” Oscar Pistorius đã lên tiếng xin lỗi vì những phản ứng không đúng lúc của mình sau khi không bảo vệ được chức vô địch cự ly 200m hạng thương tật T44 (cụt chân) tại Paralympics London 2012.

Ngày 3-9, Pistorius để mất chức vô địch nội dung trên về tay Alan Oliveira (Brazil). Sau đó, Pistorius đã chỉ trích Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) thiếu công bằng khi đồng ý để Oliveira được thi đấu với chân giả quá dài so với bình thường.

Sau đó, Pistorius đã gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ và IPC. Hãng tin BBC (Anh) dẫn lời Pistorius: “Tôi thừa nhận việc đưa ra bình luận về điều này và phản ứng của mình khi rời khỏi đường chạy là sai. Tôi thành thật xin lỗi”.

Tuy nhiên, Pistorius vẫn bảo lưu quan điểm “thiếu công bằng” khi IPC cho các VĐV được tự do sử dụng những đôi chân giả dài hơn bình thường. Anh nói: “Tôi luôn tin tưởng vào sự công bằng của thể thao. Tôi tôn trọng Oliveira và thành quả của anh ấy nhưng tôi vẫn tin đang có vấn đề trong thi đấu nội dung này. Tôi sẵn sàng hợp tác với IPC để làm rõ”.

Người phát ngôn của IPC khẳng định tất cả chân giả đều phải trải qua quá trình kiểm tra được quy định chặt chẽ trước cuộc thi. Nhưng từ phản ứng của Pistorius, giám đốc truyền thông IPC Craig Spence nói: “Chúng tôi sẽ sớm gặp Pistorius để anh ấy có thể nêu những thắc mắc của mình. Cuộc làm việc chắc chắn sẽ nghiêm túc và có tính khoa học cao hơn so với phản ứng tức thời trong bối cảnh tế nhị ở sân vận động”.

* 16g08 hôm nay (5-9), VĐV Trịnh Công Luận tham gia thi đấu nội dung ném đĩa hạng F56 (ngồi ném) tại Paralympics 2012. 16g36: hai nữ kình ngư Dư Thị Lan và Trịnh Thị Bích Như cùng tham dự nội dung bơi 100m ếch hạng thương tật SB5. Trong cả ba nội dung này, các VĐV VN đều không nhiều hi vọng giành huy hương.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên