20/03/2019 20:24 GMT+7

Kết thúc điều tra vụ án liên quan cựu bí thư Thị ủy Bến Cát

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Bị khởi tố vì mua đất cao su là tài sản từng được người dân thế chấp ngân hàng, cựu bí thư Thị ủy Bến Cát và gia đình liên tục “kêu oan”.

Kết thúc điều tra vụ án liên quan cựu bí thư Thị ủy Bến Cát - Ảnh 1.

Đường vào khu đất tại xã An Tây, thị xã Bến Cát khiến cựu bí thư thị xã bị khởi tố - Ảnh: BÁ SƠN

Ngày 20-3, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố bảy bị can trong vụ án liên quan tới ông Nguyễn Hồng Khanh, 52 tuổi, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên bí thư Thị ủy Bến Cát.


Theo kết luận điều tra, ông Khanh đã "giúp sức" cho cán bộ ngân hàng phạm tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".


Theo kết luận, bà Hồ Thị Hiệp (sinh năm 1945, đã mất năm 2015, ngụ xã An Tây, thị xã Bến Cát) cùng người thân trong gia đình thành lập hai công ty. Để sản xuất kinh doanh, từ năm 2005-2008, hai công ty này đã vay của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Sài Gòn số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng. Do bà Hiệp mất khả năng chi trả nên ngân hàng đã dùng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý số nợ này.

Sau đó, tới giai đoạn xử lý tài sản đảm bảo, bà Hiệp làm đơn xin ngân hàng rao bán một phần diện tích đất đang thế chấp. Thông qua một người môi giới, từ 2012 - 2015, vợ chồng ông Khanh đã mua nhiều lần tổng cộng hơn 18ha đất của bà Hiệp (trong đó có 2ha đất xây dựng công trình công nghiệp, còn lại là đất nông nghiệp).

Quá trình mua bán, theo yêu cầu của bà Hiệp, phía ông Khanh đã chuyển hơn 10,3 tỉ đồng vào tài khoản công ty của bà Hiệp mở tại ngân hàng và đưa hơn 4,3 tỉ đồng tiền mặt trực tiếp cho bà Hiệp.

Các cán bộ ngân hàng xử lý nợ là Nguyễn Huy Hùng - 51 tuổi, nguyên giám đốc BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn và Nguyễn Quang Lộc - 49 tuổi, nguyên phó trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp - đã đồng ý cho bà Hiệp tự bán tài sản để trả nợ lại cho ngân hàng.

Theo kết luận điều tra, hai cán bộ ngân hàng đã phạm tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" vì đã không tuân thủ các quy định như: không xác định giá thấp nhất để bán tài sản, không kiểm soát toàn bộ quá trình mua bán, cho phép bà Hiệp giữ lại một phần tiền sau khi bán tài sản… Hậu quả là số tiền BIDV bị thất thoát sau khi xử lý tài sản thế chấp là hơn 36,9 tỉ đồng.

Kết luận điều tra cho rằng ông Khanh đã biết và có sự "bàn bạc" với cán bộ ngân hàng khi mua tài sản nên có vai trò "tiếp sức" cho cán bộ ngân hàng phạm tội. 

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Hồng Khanh) cho biết bản thân ông Khanh và gia đình liên tục "cầu cứu" sau khi ông Khanh bị khởi tố. 

Trong đơn, luật sư và gia đình cho rằng việc vợ chồng ông Khanh mua đất là thông qua môi giới, là giao dịch dân sự. Còn việc cán bộ ngân hàng làm sai thì đó là trách nhiệm của ngân hàng. Trong đơn, vợ ông Nguyễn Hồng Khanh cho rằng việc ông Khanh bị điều tra có nhiều yếu tố bất thường phát sinh sau những "lùm xùm" về cán bộ ở Bến Cát.

Ông Nguyễn Hồng Khanh bị cho thôi chức bí thư Thị ủy Bến Cát từ cuối năm 2016 sau khi xảy ra sự việc, ông Trương Tấn Dũng – nguyên chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, sau đó được điều chuyển về làm trưởng một phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Dương. Còn ông Khanh được điều động về Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương nhưng không được bố trí công việc. Tháng 8-2018, ông Khanh bị Công an tỉnh Bình Dương khởi tố, bắt tạm giam cho tới nay. 

Xác định ranh đất

Theo kết luận điều tra, có bốn cán bộ khác bị đề nghị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án, gồm: Lê Hoài Linh (37 tuổi nguyên giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (33 tuổi, cán bộ đo vẽ địa chính), Nguyễn Minh Tâm (42 tuổi, nguyên phó chủ tịch UBND xã An Tây) và Đặng Văn Thọ (50 tuổi, nguyên cán bộ địa chính xã An Tây).

Theo kết luận, ngoài gia đình ông Nguyễn Hồng Khanh mua 18ha đất của bà Hồ Thị Hiệp thì còn một người khác là ông N.T.K. cũng mua trúng đấu giá 2ha đất của bà Hiệp được thế chấp ở một ngân hàng khác. Hai khu đất 18ha và 2ha nằm cạnh nhau, ở giữa còn một diện tích gần 1.700m2.

Do ranh đất không thẳng nên khi đo đạc lại đất, ông Khanh và ông N.T.K. tự thỏa thuận lại ranh đất. Trong đó có một phần diện tích đất của ông Khanh chồng lấn lên diện tích đất còn dư, nhưng tổng thể thì đất của ông Khanh bị giảm 900m2 so với sổ đất đã mua. Phần diện tích còn lại giữa hai khu đất sau khi điều chỉnh ranh, ông N.T.K. đăng ký kê khai và được các cán bộ đo đạc xác nhận để cấp sổ đỏ cho ông K.

Cơ quan điều tra cho rằng diện tích đất ở giữa hai khu đất 18ha và 2ha lẽ ra vẫn là tài sản đảm bảo của ngân hàng BIDV nhưng bốn cán bộ nói trên đã xác nhận sai nguồn gốc để cấp cho ông N.T.K. là phạm luật nên đã khởi tố các cán bộ này.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên