30/10/2019 13:16 GMT+7

Cứu bé 3 tháng tuổi bị ngộ độc thuốc nam nặng

L.ANH
L.ANH

TTO - Bé 3 tháng tuổi vào Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ trong tình trạng niêm mạc nhợt, ý thức lơ mơ, vàng sạm da toàn thân... vì ngộ độc thuốc nam gia đình sử dụng để điều trị bệnh tiêu chảy.

Cứu bé 3 tháng tuổi bị ngộ độc thuốc nam nặng - Ảnh 1.

Em bé 3 tháng tuổi ở thời điểm bệnh nặng, tính mạng bị đe dọa - Ảnh: BVCC

Đây là ca bệnh khá nặng, liên tiếp có những chuyển biến xấu và rất may cháu bé đã được cứu sống. 

Theo bác sĩ Cao Việt Hưng, trưởng khoa hồi sức tích cực-chống độc, Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, bệnh nhi vào viện hôm 5-10 trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, ý thức lơ mơ, da vàng sạm toàn thân, nước tiểu màu đỏ sậm, gan to...

Qua tìm hiểu bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận trẻ sinh thường 3.500gr, sau sinh thỉnh thoảng bị tiêu chảy, phân có bọt và đỏ xung quanh hậu môn, gia đình đã cho trẻ uống và đắp thuốc nam

Trước khi vào viện 3 ngày trẻ có bị ho, gia đình cũng cho uống thuốc nam của thầy lang nhưng tình trạng của trẻ không đỡ mà ngày càng nặng.

Các bác sĩ đã cấp cứu tích cực. Những ngày đầu diễn biến của bệnh vẫn nặng lên, không đáp ứng thở máy, huyết áp tụt, đi vào tình trạng sốc.

Các bác sĩ đã triển khai hồi sức nâng cao, làm các thủ thuật chuyên sâu để theo dõi huyết áp liên tục trên máy theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm, phối hợp kháng sinh phổ rộng.

Chụp X-quang phổi cho thấy tổn thương dạng nốt mờ đông đặc 2 lá phổi, tổn thương gan, men gan cao gấp 5 bình thường, tình trạng ứ mật tăng gấp 10 bình thường.

Sau 6 giờ hồi sức tích cực, tình trạng trẻ vẫn rất nguy kịch và có xu hướng nặng dần, không đáp ứng với thuốc vận mạch, trao đổi khí kém, oxy máu giảm thấp, CO2 trong máu tăng nhanh, bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, vô niệu do nhiễm khuẩn nặng kết hợp ngộ độc thuốc nam.

Các bác sĩ đã tiến hành siêu lọc máu liên tục để loại bỏ các độc tố. Sau 12 giờ siêu lọc máu và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu đáp ứng với các thuốc điều trị, có nước tiểu trở lại.

Sau 24 giờ lọc máu, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt. Sau 6 ngày chăm sóc toàn diện, bệnh nhi đã ổn định.

Bác sĩ Hưng dẫn một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay có 44% gia đình tự mua thuốc điều trị khi con ốm. Nhiều gia đình khác áp dụng những mẹo dân gian hoặc thuốc nam không rõ thành phần, dẫn đến những hậu quả khôn lường với trẻ. 

Bác sĩ cảnh báo nếu trẻ ốm, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế, có đủ trang thiết bị chẩn đoán, tránh những tai biến khôn lường, thấậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên