Cảnh sát Myanmar giơ súng nhắm bắn khi truy đuổi những người biểu tình ở Yangon ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS
Một viên chức làm trong ngành điện lực ở thành phố Yangon xác nhận mất điện diện rộng đã xảy ra tại nhiều địa phương trên khắp Myanmar và nhận được sự quan tâm của truyền thông quốc tế như một sự cố bất thường.
Cư dân tại nhiều khu vực từ thủ đô Naypyidaw đến Yangon và Mawlamyine cho biết việc mất điện đã xảy ra từ đầu giờ chiều. Mạng xã hội Facebook ở Myanmar cũng tràn ngập các thông tin mất điện diện rộng. Một vài người lo lắng không hiểu điều gì đã, đang và sắp sửa xảy ra.
Lý giải việc này, một quan chức ở Yangon cho biết: "Cúp điện là do sự cố ở hệ thống, chúng tôi không cắt điện. Trong tối nay sẽ có điện trở lại như bình thường", Hãng tin Reuters trích lời vị này.
Tuy nhiên, Reuters và AFP đặt vụ mất điện trên diện rộng ở Myanmar trong bối cảnh biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1-2 đã diễn ra suốt nhiều tuần, với hàng chục người thiệt mạng. Phong trào bất tuân dân sự Myanmar cũng được khởi xướng và được nhiều người ủng hộ, trong đó có các viên chức nhà nước.
Để hạn chế các chỉ trích và kiểm soát thông tin, chính quyền quân sự Myanmar đã chặn các nền tảng xã hội nước ngoài như Facebook, Twitter. Tuy nhiên, người Myanmar đã "vượt tường lửa" bằng cách sử dụng VPN.
Trong diễn biến khác liên quan cùng ngày, YouTube đã vô hiệu hóa 5 kênh truyền hình của quân đội Myanmar và gỡ bỏ những video có nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng khỏi YouTube.
Trong số các kênh bị YouTube gỡ bỏ có cả MRTV (Đài phát thanh và truyền hình Myanmar), Myawaddy Media, MWD Variety và MWD Myanmar.
Trước YouTube, Facebook đã nhanh chóng vô hiệu hóa tất cả các trang có liên quan đến quân đội Myanmar. Song giới nghiên cứu cho biết sau lệnh cấm từ Facebook, quân đội đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động của họ trên các nền tảng mạng xã hội khác.
YouTube đã vấp phải sự chỉ trích từ giới nghiên cứu và các nhóm xã hội dân sự vì cách quản lý tương đối lỏng lẻo vào thời gian diễn cuộc bầu cử ở Myanmar năm 2020.
Theo Reuters, đã có hàng chục kênh trên YouTube mạo danh các hãng tin hoặc các chương trình chính trị để truyền bá thông tin sai lệch về cuộc bầu cử ở Myanmar diễn ra vào năm ngoái.
Trước các chỉ trích, hồi tháng 12-2020 Alphabet cho biết họ đã vô hiệu hóa 34 kênh YouTube sau cuộc điều tra về các hoạt động gây ảnh hưởng phối hợp liên quan đến Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận