Phóng to |
“Đồn rằng An Thái, chùa BàLàm chay, hát bội đông đà quá đôngĐàn bà cho chí đàn ông,Xem xong ba Ngọ, lại trông Đổ giàn”
Ông Hứa Thiện, người gốc Hoa kiều, hiện là hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định đang sống tại TP Qui Nhơn kể: cụ thân sinh ra ông đã từng được dân làng bầu chức “tào kê”, nhiệm kỳ ba năm, chuyên trông coi việc tổ chức hội Đổ giàn và thu nhận tiền, phẩm vật cúng tế. Theo ông, hồi ấy hội Đổ giàn không tổ chức vào một thời gian nhất định nào. Có thể hai năm hoặc ba năm một lần.
Phóng to |
An Thái là làng võ từng sản sinh ra những bậc võ nhân kiệt xuất của Bình Định. Địa danh “làng An Thái” nay chỉ còn trong ký ức và sách sử, là thôn Mỹ Thạnh thuộc xã Nhơn Phúc (An Nhơn). Tuy vậy, người Bình Định vẫn lưu truyền câu ca về tài võ nghệ của các làng võ ở An Nhơn như: “Trai An Thái, gái An Vinh”; hoặc “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”; “Ai về Bình Định mà coi, Con gái Bình Định múa roi đi quyền...”.
Phóng to |
Biểu diễn bài côn và đao cổ truyền |
Theo một số tư liệu khác thì hội Đổ giàn tổ chức chu kỳ bốn năm một lần, nhằm vào các năm Tỵ, Dậu, Sửu... Địa điểm Đổ giàn tổ chức luân phiên tại các chùa Bà, chùa Hội Quán, Gò âm hồn và sau này được dời ra bãi cát sông Côn.
Sau hai ngày cúng tế và hát bội, đến ngày thứ ba thì bắt đầu cúng chẩn và Đổ giàn. Lễ vật gồm có lá cờ phướn ghi bôn chữ: phúc, đức, thần, tài cùng một heo quay nguyên con, bánh trái và gạo muối. Điều đặc biệt là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng này đã dần dần biến thành nơi thể hiện tinh thần thượng võ giữa các làng võ trong vùng. Người ta lập một sân khấu ngoài trời làm bằng gỗ hoặc tre khá chắc chắn, cao 5m. Trên giàn có người chủ trò và một đội võ sĩ bảo vệ.
Trà trộn trong đám đông người đi xem có nhiều vệ sĩ thuộc các võ đường nổi tiếng như: An Thái, An Vinh, Suối Bèo, Trường Định, Hòa Phong..., họ được phân công, tổ chức phòng thủ chặt chẽ, còn các võ sư thì ẩn trong các quán ăn gần đó để chờ đợi kết quả tỉ thí giữa các đệ tử của mình. Khoảng 3g chiều ngày thứ ba, sau ba hồi chiêng trống nổi lên báo hiệu lễ cúng kết thúc. Bất thần, người chủ trò chặt đứt dây neo giàn và xô đổ con heo quay và các lễ vật cúng tế rơi xuống đất...
Các võ sĩ tài nghệ cao, phi thân lên giàn tìm cách cướp lấy con heo quay. Sau khi cướp được lễ vật, họ liền vác heo lao ra khỏi đám đông, cố hết sức mang con heo quay về địa điểm an toàn đã định. Tất nhiên, mỗi nhóm tranh tài đều đã có phân công người bảo vệ, cản ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại heo trên vai.
Trong cuộc tranh tài này, các võ sĩ dùng tất cả ngón võ, chiến thuật khôn ngoan để giành chiến thắng về mình. Rất nhiều lần hội Đổ giàn đã để lại “nợ nần” giữa các phái võ trong vùng, thậm chí cả những lò võ ở tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Hội Đổ giàn không phải chỉ một mình Bình Định có nhưng hội Đổ giàn của An Thái bao giờ cũng thu hút người tham dự đông nhất và “con heo quay” của An Thái cũng được xem trọng nhất.
Phóng to |
Múa song đao |
Do hoàn cảnh chiến tranh, tục Đổ giàn đã bị bãi bỏ vài chục năm nay. Khoảng giữa năm 2004, Sở Văn hóa thông tin Bình Định đã đề xuất với UBND tỉnh cho phép lập phương án nghiên cứu, tìm hiểu nhằm khôi phục lê hội độc đáo mang tinh thần thượng võ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận