17/03/2016 09:13 GMT+7

Cướp biển và 
văn hóa ứng xử

TS TRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ)
TS TRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ)

TT - Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tấn công dã man tàu cá và ngư dân Việt Nam mà thủ phạm là Trung Quốc. Xét dưới góc độ pháp lý, những vụ tấn công này phải được quy kết là hành động cướp biển.

Thậm chí có học giả quốc tế còn cho rằng đó là hành động “cướp biển nhà nước”, vì đây là những vụ tấn công chủ yếu do các tàu nhà nước Trung Quốc thực hiện ngay trong vùng biển thuộc các quyền chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.

Việc bắn cháy, , tịch thu tài sản, ngư cụ, đòi tiền chuộc, tống giam, gây thương vong cho ngư dân mà không hề có sự giúp đỡ cứu trợ là hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), trong đó có quy định nghiêm cấm áp dụng hành vi thô bạo, trấn áp vô nhân đạo và xử phạt không thông qua xét xử của các cơ quan tài phán…

Rõ ràng những hành động vừa qua do Trung Quốc tiến hành hoàn toàn đi ngược lại những tiêu chuẩn tối thiểu của văn hóa ứng xử trên biển, nhất là đối với một nước lớn, đang giữ ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Hơn nữa, việc cố tình gây thương vong cho ngư dân làm ăn lương thiện, vô tội trên biển mà không cứu giúp là trái với văn hóa ứng xử truyền thống của những người đi biển.

Trái ngược với những hành xử của Trung Quốc nói trên, người Việt Nam đã ứng xử rất hay trên biển.

Đêm 26 rạng sáng 27-7-2014, ngư dân người Trung Quốc Trịnh Tổ Ba không may bị rơi xuống nước khi đi vệ sinh ban đêm. Anh Trịnh Tổ Ba sau đó được nhiều ngư dân trên tàu cá của anh Nguyễn Trọng Hiếu, quê Quảng Bình, làm thuyền trưởng đang hoạt động gần đó chạy đến ứng cứu.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt. Đó là vẻ đẹp mang tính nhân loại, vì nó là tia sáng mà mọi người trên hành tinh này muốn hướng tới.

Ứng xử văn hóa theo đúng nghĩa của nó trong xã hội văn minh hiện đại ngày nay không phải chỉ là chữ “tình”, mà phải trên cơ sở chữ “lý” có kết hợp với chữ “tình”.

Cái lý mới là cái cốt lõi của ứng xử văn hóa và mới tránh được tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng”, đó mới là cơ sở của “niềm tin chiến lược”, mới là chỗ dựa cho mọi mối bang giao thực chất, bền vững, trường tồn giữa hai quốc gia.

Cha ông ta vẫn nhắc nhở: “Thương yêu nhau thì phải rào giậu cho kỹ”, tức là muốn tránh sự tranh chấp thì trước hết phải phân định rõ ràng, mà phải bằng luật pháp, chứ không thể vì nể nhau mà bỏ qua những nguyên tắc luật pháp, nhất là vấn đề biên giới, lãnh thổ, lãnh hải...

Trong xã hội hiện đại, việc sử dụng các cơ quan tài phán để bảo vệ chân lý, sự thật là điều hết sức bình thường, là văn minh, tiến bộ và đó là cách ứng xử sòng phẳng, bình đẳng…

Chúng ta nhất định phải tiếp tục đấu tranh pháp lý với những sai trái của Trung Quốc. Cuộc đấu tranh đó chắc chắn sẽ lâu dài, khó khăn, phức tạp; song chúng ta tin tưởng vững chắc rằng phần thắng sẽ thuộc về chúng ta.

Bởi ngoài sự đúng đắn được luật pháp quốc tế bảo vệ, chúng ta còn có sự ủng hộ vô cùng to lớn của cộng đồng quốc tế đã và đang lên tiếng đòi Trung Quốc phải thu cái “lưỡi bò” đang liếm sát bờ biển của các nước xung quanh Biển Đông, để giữ cho Biển Đông luôn được sóng yên biển lặng.

TS TRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên