Ông Tập Cận Bình và ông Biden trong cuộc gặp năm 2012, khi cả hai vẫn còn là phó chủ tịch và phó tổng thống - Ảnh: AFP
Cách đây vài tuần, ông Trump đã gây tranh cãi bằng phát ngôn "nếu Biden đắc cử, dân Mỹ sẽ phải học tiếng Trung Quốc".
Gieo rắc niềm tin ứng viên của Đảng Dân chủ là một người mềm yếu với Trung Quốc từ lâu đã là chiến thuật của đương kim tổng thống. Khi các con số thăm dò đang có lợi cho ông Biden, chiến thuật đó càng được đẩy mạnh.
Tuy vậy, ông Biden chưa thực sự chắc thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Vẫn còn những câu hỏi chưa lời giải như ông Biden sẽ áp đảo ông Trump bằng cách nào trong các cuộc tranh luận trực tiếp, liệu vắc xin COVID-19 có xuất hiện kịp trước bầu cử hay không.
Tạm gác những biến số đó, nhiều nước đã bắt đầu xem xét chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ ra sao nếu ông Biden đắc cử.
Một trong những câu hỏi lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách lúc này là sự trở lại của ông Biden sẽ tác động như thế nào tới quan hệ Mỹ - Trung, vốn đang ở vực sâu nhất kể từ năm 1979.
Tờ Nikkei Asian Review cho biết bản thân ông Biden và những cộng sự xung quanh nhận thức rõ chuyện ông bị xem là người mềm mỏng với Trung Quốc.
Nói như một nhà phân tích, ông Biden có rất ít đường lùi và sẽ phải tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc nhưng ở mức thấp hơn hiện tại.
Các lý giải cho sự lựa chọn này có thể được tìm thấy từ bối cảnh thực tế hiện tại. Thái độ tiêu cực của người Mỹ đối với Trung Quốc đang ngày một lớn, đặc biệt sau khi dịch bệnh bùng phát.
"Đại dịch COVID-19 đã cho thấy những rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc ngừng hoạt động và thiếu hụt đã gây ra hỗn loạn cho người lao động và người tiêu dùng, khiến các phản ứng của Mỹ trước vấn đề sức khỏe cộng đồng trở nên khó khăn hơn", một đoạn trong cương lĩnh Đảng Dân chủ đặt vấn đề.
Trong mắt các nhà phân tích, ông Biden là một chính trị gia truyền thống, có nguyên tắc và dễ đoán - Ảnh: REUTERS
Tài liệu dày 90 trang, vốn được xem như cam kết của Đảng Dân chủ về chương trình nghị sự trong 4 năm tới, đã được thông qua hôm 19-8. Các ưu tiên của ứng viên tổng thống thường được phác họa khá rõ trong những cương lĩnh như thế này.
Theo Nikkei Asian Review, dựa vào cương lĩnh của Đảng Dân chủ có thể rút ra ba điều chính quyền Biden sẽ làm với Trung Quốc:
(1) Không cho phép Trung Quốc tiếp tục các hành vi thương mại không công bằng, tấn công tin tặc và mở rộng ảnh hưởng trên biển bằng quân sự.
(2) Phản đối mạnh mẽ hơn các hành vi của Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền, bao gồm vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.
(3) Tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trước những thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.
Mặc dù chỉ trích thương chiến, cương lĩnh đã ngầm ghi nhận chính quyền Trump khi nhắc đến việc phải ngăn chặn Trung Quốc hành xử "không theo luật chung" trong thương mại.
Nếu những gì được phản ánh trong cương lĩnh thực sự chuyển thành chính sách đối ngoại của ông Biden trong tương lai, lập trường cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh hầu như không có sự thay đổi đáng kể.
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), không nghĩ rằng một Biden ở Nhà Trắng sẽ giúp Trung Quốc dễ thở hơn.
"Nếu ông Biden trở thành tổng thống, ông ấy sẽ không sử dụng những luận điệu và chiến thuật đả kích Trung Quốc một cách rõ ràng như ông Trump đã và đang làm. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Biden sẽ làm dịu cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc.
Cứng rắn với Trung Quốc là một trong số ít chương trình nghị sự được sự ủng hộ vững chắc của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa ở Mỹ", bà Glaser lập luận.
Một số ít người đặt câu hỏi nếu ông Trump tái đắc cử, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trượt dốc đến mức độ nào - Ảnh: REUTERS
Vài nhà phân tích bảo thủ đánh giá cao ông Biden bởi "thần thái" chính trị gia và xem ông Trump là một hiện tượng như "thiên nga đen" không thể tồn tại lâu trong chính trường Mỹ.
Họ chỉ ra "sai lầm" của chính quyền Trump là tự cô lập mình: Trong lúc gia tăng căng thẳng và đối đầu với Trung Quốc lại đi bắt chẹt các nước đồng minh thân cận.
Nếu ông Biden làm tổng thống, như cương lĩnh của Đảng Dân chủ đã vạch ra, một "mặt trận thống nhất" của Washington và đồng minh có thể sớm xuất hiện.
“Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ để đối đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, ngay cả khi chúng ta tìm cách hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề hai bên cùng có lợi như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế toàn cầu", ông Biden viết trên tờ Foreign Affairs hồi đầu năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận