Những tác giả trẻ của ba tập sách về đề thi và kỹ năng làm bài môn ngữ văn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Và nhiều học sinh đã đặt mua nó.
“Trong bộ phim You’re the apple of my eye (Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi), nhân vật chính Kha Đằng sau khi đã đi qua tuổi thanh xuân sôi nổi, nhiều thăng trầm đã nhận ra rằng: Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt thêm một lần nữa.
Từ câu nói trên, anh (chị) có suy nghĩ gì về ý nghĩa của những thăng trầm trong những năm tháng tuổi trẻ? Hãy trình bày suy nghĩ ấy bằng một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 chữ)”.
Câu hỏi nằm trong một đề văn của tác giả cuốn sách này, rất bất ngờ, không phải là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, cũng không phải những thầy cô giáo có thương hiệu trong ôn luyện môn ngữ văn, mà chính là những sinh viên còn đang ngồi trên giảng đường ĐH.
Đó là Nguyễn Thế Hưng (á khoa đầu vào ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2012), Nguyễn Thị Thùy Vân (giải ba kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia năm 2012), Mai Tôn Minh Trang (giải ba kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia năm 2012), Đoàn Thị Mai - hiện cùng học tại lớp chất lượng cao khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Mai Diệp Anh - cô sinh viên ĐH Luật Hà Nội - vốn từng đoạt giải nhì học sinh giỏi văn quốc gia năm 2012.
Đề thi: tự nhiên và hấp dẫn
Thực tế trước khi cho ra đời cuốn sách, nhóm tác giả trẻ cùng một số sinh viên cũng đã cho “ra lò” hai cuốn sách về môn ngữ văn, một cuốn Tổng hợp câu hỏi và kỹ năng làm bài thi môn ngữ văn, một cuốn Tuyển tập đề thi thử môn ngữ văn (tập 1).
Bắt tay vào viết cuốn tuyển tập đề thi theo kết cấu đề thi minh họa được Bộ GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3, năm sinh viên dốc sức thực hiện để sách kịp ra mắt trước khi thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia đầu tháng 7.
Đây được coi là một trong những cuốn sách tập hợp đề thi theo cấu trúc đề thi minh họa phát hành sớm nhất khi những tác giả trẻ đã “bắt nhạy” với chủ trương mới của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh những câu hỏi theo dạng đề truyền thống về phân tích tác phẩm văn học, những đề thi thử của nhóm tác giả sinh viên chạm đến cuộc sống bằng chính quan sát, suy nghĩ của người trẻ để nói với người trẻ.
Hai tháng say sưa làm sách đúng vào thời gian cao điểm thi cuối kỳ, những tác giả trẻ không giấu chỉ ngủ chừng ba giờ mỗi ngày. Năm sinh viên với những lợi thế khác nhau được phân công theo hình thức mỗi người tập trung cho từng mảng nội dung đề thi mà mình có thế mạnh. Thế Hưng tập trung phần đọc - hiểu văn bản thông tin, Thùy Vân chuyên sâu cho đọc - hiểu văn bản nghệ thuật, Trang phụ trách phần nghị luận xã hội, Mai và Diệp Anh lo phần nghị luận văn học.
Từ vị trí học sinh, sinh viên, vốn chuyên phải làm bài thi với đề thi được ra bởi giáo viên, những sinh viên này phải đóng vai mới như những người thầy để ra đề thi.
Thế Hưng kể: “Để tìm ngữ liệu cho đề thi, mình phải lân la vào các loại thư viện, từ thư viện quốc gia đến thư viện trường để tìm đọc các loại báo, tạp chí..., tìm các bài viết về những vấn đề thời sự đang được giới trẻ quan tâm và cần nhận được sự quan tâm của những người trẻ”.
Vậy là từ nguồn nguyên liệu đặc biệt ngoài sách giáo khoa, những câu chuyện thời sự như hiện tượng hàng trăm người cố tình “vượt rào” vào công viên nước Hồ Tây chỉ vì ham suất “miễn phí” của ngày mở cửa đầu hè mặc cho công viên đã thông báo tạm đóng cửa, về trào lưu chụp ảnh “tự sướng” đến mức gây nghiện của người trẻ... đã đi vào loạt đề thi thử một cách tự nhiên và hấp dẫn.
Học sinh chuyên văn cũng đặt mua sách
Nhận định về cuốn sách dưới góc nhìn của một giáo viên dạy văn, cô Bùi Thị Kim Duyên (Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp) cho rằng trước thực trạng “loạn sách tham khảo môn văn” lâu nay thì nỗ lực của nhóm sinh viên viết sách thật sự đáng ghi nhận khi các em đã đồng hành cùng xu hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn.
“Các tác giả đã đưa ra được những sản phẩm là kết quả của sự đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm của những người vốn có duyên với văn chương, với việc dạy và học văn trong nhà trường phổ thông. Dù còn có chỗ cần đầu tư thêm, nhưng theo tôi, đây là một tài liệu khá tin cậy mà giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh. Đây là tài liệu không soạn kiểu “văn mẫu”, chú ý định hướng học sinh củng cố những kỹ năng giải quyết các dạng câu hỏi trong quá trình tham khảo sách để ôn tập” - cô Duyên nói.
Trong khi đó cô Bùi Thị Hoàng Yến - giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc- cho biết cuốn sách của nhóm sinh viên này đã được nhiều học sinh chuyên của Vĩnh Phúc đặt mua. Theo cô Yến, cuốn sách có cách viết rất gần gũi với học trò cùng những cảm xúc chân thành của những người tâm huyết với văn chương.
Đi vào những đề văn mới, tìm những ngữ liệu mới cho đề thi không phải công việc dễ dàng. Song khi đưa ra những đề văn mới, bên cạnh những ý kiến hào hứng, không ít đề thi của nhóm tác giả trẻ đã bị “ném đá”. “Là sinh viên sư phạm, bọn mình đã đi thực tập tại các trường phổ thông và nhận ra lâu nay cách dạy, cách học khiến nhiều học sinh vẫn thụ động, ngại làm quen với cái mới, chỉ muốn gặp những đề “quen quen”. Cái mới có vẻ vẫn luôn bị kỳ thị. Đáng ngạc nhiên khi học sinh ghét văn, sợ văn thường kêu ca lý do “dị ứng” môn văn vì phải học thuộc lòng, nhưng với những đề thi mới, tạo không gian để sáng tạo thì không ít bạn lại phản ứng, dè chừng” - Minh Trang nói.
“Thật sự bọn mình muốn tạo cho học sinh cách nhìn mới về môn văn. Ấy là phải quan sát cuộc sống, hướng các em nhìn vào các vấn đề, sự kiện trong cuộc sống hằng ngày để nảy lên tư duy nghị luận, chứ không phải chỉ chú trọng vào các tác phẩm văn học được dạy trong nhà trường. Nhiều học sinh làm bài nghị luận mà không có kỹ năng, chỉ vì làm nhiều mà thành thuộc, thành thạo” - Đoàn Thị Mai chia sẻ.
Dù vậy, những phản ứng đâu đó của người đọc với cuốn sách này không phải hoàn toàn không có lý. Cô Bùi Thị Kim Duyên cho rằng có thể do thời gian hạn chế nên một số đề nghị luận xã hội và nghị luận văn học có tính chất của đề thi học sinh giỏi, nên “mức độ đánh giá chưa thật phù hợp với mục tiêu và đối tượng đánh giá trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới (trong đó có những học sinh giáo dục thường xuyên, học sinh miền núi có mục đích thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT) - nhất là đề nghị luận văn học với thời lượng và dung lượng dành cho một câu hỏi 4 điểm”.
Không nhiều người biết rằng ý tưởng cho ra đời những bộ sách dành cho từng môn học với tác giả là những sinh viên vừa bước ra khỏi môi trường giáo dục phổ thông là một ông chủ nhà sách tuổi còn rất trẻ: Lương Văn Thùy, 25 tuổi, giám đốc Nhà sách Lovebook. Năm 2011, Thùy thành lập câu lạc bộ gia sư trực tuyến, tập hợp sinh viên giỏi, xây dựng những bài giảng trực tuyến, chia sẻ miễn phí qua YouTube. Tuy nhiên, sau đó Thùy nhận ra việc chia sẻ bài giảng qua YouTube chỉ đưa bài giảng đến được với những học sinh có máy tính kết nối mạng, trong khi những em khó khăn thì không có điều kiện tiếp cận. Vậy là ý tưởng phát hành sách do chính sinh viên viết ra đời. Trước khi làm sách cho môn ngữ văn, Lương Văn Thùy đã tập hợp những sinh viên từng có thành tích tốt các môn học từ hồi phổ thông, những thủ khoa, á khoa ĐH, học sinh giỏi quốc gia để thực hiện nhiều đầu sách cho học sinh phổ thông. Cuốn sách thành công nhất gần đây là cuốn Công phá đề thi quốc gia môn hóa mới xuất bản tháng 1-2015 đã tiếp tục tái bản và hiện bán được hơn 4.000 cuốn. “Hơn 30 cuốn sách của sáu môn học toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, tiếng Anh với các tác giả sách hoàn toàn là sinh viên đã được ra đời. Sang năm 2016, nhà sách sẽ triển khai mô hình làm sách này với hai môn lịch sử và địa lý” - Thùy chia sẻ. |
Trích dẫn một số câu trong các đề thi Tuyển tập 90 đề thi thử THPT quốc gia môn ngữ văn - tập 2 * “Người mình cũng ít công nhận tài năng của nhau. Không chịu thừa nhận trên đời có những con người tạo hóa cho họ khả năng hơn, và dĩ nhiên họ sẽ thành công hơn. Nhà văn châu Á ít ai đọc tác phẩm của người khác, chỉ say sưa đọc đi đọc lại văn mình. Nhà báo hay vài người biết viết lách cũng vậy, không ai đọc ai nên đề tài viết ngày càng teo tóp, bó hẹp, tư tưởng càng ngày càng bảo thủ. Nếu có thì ráng moi móc chê bai nhau cho được, dù chỉ là một lỗi nhỏ xíu”. (Tony Buổi sáng - nguồn https://www.facebook.com/TonyBuoiSang) Bằng một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ), anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ về căn bệnh đố kỵ được đề cập đến trong đoạn trích trên. * Trong đoạn kết của bộ phim Fast and furious 7 (Quá nhanh, quá nguy hiểm), sau khi cùng nhau trải qua hàng loạt khó khăn để bảo vệ gia đình của mình, nhân vật Dom đã nói với người anh em của mình rằng: Cho dù cậu có ở đâu, cách hàng dặm xa hay là nửa vòng Trái đất, cậu sẽ mãi ở trong tim chúng tôi và chúng tôi sẽ mãi là gia đình của cậu. Từ câu nói trên, anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 chữ), trình bày suy nghĩ về vai trò của tình cảm gia đình đối với đời sống mỗi con người. * Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát. Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng rốt cuộc vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng. Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật khóc, người bố bước tới: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”. Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”. “Không, con trai - người bố nhẹ nhàng nói - con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”. Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác. (Theo báo Tuổi Trẻ - Bùi Xuân Lộc phỏng dịch từ Faith to Move Mountains). Suy nghĩ của anh/chị về bài học rút ra từ câu chuyện trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận