Bà Nguyễn Thị Nguyệt (bên trái)
Thật bất ngờ khi biết chủ của cuốn sổ ghi nợ đó là một phụ nữ mới học hết lớp 9, chồng mất, một mình nuôi bốn đứa con, sống bằng nghề may quần áo, thú nhồi bông gia công, giữ trẻ tại một hẻm nghèo. Bà là Nguyễn Thị Nguyệt, tổ trưởng tổ 34, khu phố 3, thuộc phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
"Ngân hàng" bà Nguyệt
Những ngày Sài Gòn nóng bức, cả nhà bà Nguyễn Thị Bích Nga, ngụ tổ 34, đành chịu trận, đêm nực không ngủ nổi vì cái quạt máy duy nhất trong nhà bị hư. Cái quạt máy giá chỉ tầm 300.000 đồng nhưng vì bà Nga bị bệnh đã lâu, không còn sức lao động, trong nhà không dư nổi vài trăm ngàn đồng. Nghe bà Nga than, bà Nguyệt lẳng lặng lấy tiền cho mượn mua quạt. Cuốn sổ nợ lại được ghi thêm một dòng.
Kể lại chuyện này, bà Nga cảm động: "Đó là lần chị Nguyệt cho mượn tiền gần đây nhất. Còn trước đó, những khi đau ốm, kẹt tiền, tôi từng được chị ấy cho mượn nhiều lần. Giữa thành phố này không dễ gì có người dưng nước lã đem đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt cho mình mượn mà không tính lãi vậy đâu. Mà không riêng gì tôi, rất nhiều người ở khu này cũng được chị ấy giúp".
Ở tổ 35 có cô N.T.A.M. từng mượn 2 triệu đồng, bẵng đi mấy năm chưa thấy trả, nghe đâu cô bị bệnh ung thư. Cuối năm 2018, cô M. lại đến mượn thêm tiền. Sợ bà Nguyệt từ chối, cô hứa mai mốt ngoài nợ gốc, cô sẽ trả thêm 1 triệu đồng tiền lời. Nghe vậy, bà Nguyệt lắc đầu: "Không thấy chị trả tiền, trong bụng tui còn tính nếu chị bệnh nhiều, khó khăn quá thì tui cho chị luôn. Chừng nào chị có khả năng trả, tôi chỉ lấy đúng số tiền đã cho mượn chứ không lấy thêm đồng lãi nào".
Chỉ mới "đi vào hoạt động" hơn 5 năm nhưng "ngân hàng" bà Nguyệt đã là nơi lui tới của nhiều người nghèo trong khu phố. Anh Tám chạy xe ôm đột ngột phát hiện cái nhọt ở chân, muốn đi khám mà không có tiền; chị Sáu tới ngày đóng tiền học cho con mà lương chưa lãnh; chú Hai đầu hẻm cầm toa đi mua thuốc mà không đủ tiền mua hết toa...
Vậy là lại chạy tới gõ cửa nhà bà Nguyệt. Lật từng trang trong cuốn sổ nợ của bà, chúng tôi đọc thấy những lý do vay tiền hết sức thiệt tình khác: mượn đóng tiền điện, tiền nước, mua gạo ăn, sửa xe chạy Grab, mua xe bán bánh mì, mua thuốc con bệnh, sửa nhà bị dột...
Cũng có những lý do nghe chừng rất khó khiến người ta động lòng trắc ẩn mà cho mượn tiền như: mượn xài chờ lương, mượn mua quần áo, mượn tiền đi đám, mượn tiền mua đồ cúng nhà thờ, mượn để... đi thăm tù, mượn đóng tiền góp (tiền vay nóng bên ngoài)...
Giải thích về sự lạ lùng này, bà Nguyệt cười: "Mười mấy năm làm tổ trưởng dân phố, tôi thuộc lòng từng nóc hộ, nhớ rõ từng con người, hiểu hết từng gia cảnh. Bà con cũng hiểu điều đó nên khi đến vay tiền, hầu hết họ đều nói thật chứ không cần bịa ra lý do này nọ".
Bà tổ trưởng tốt bụng
Khu phố 3, phường 3, quận Bình Thạnh từng có thời được mệnh danh là "chợ ma túy". Còn tổ 34 nơi bà Nguyệt ở được xem là một trong ba tổ có tình hình phức tạp nhất.
Năm 2003, ông tổ trưởng bán nhà dọn đi chỗ khác. Vận động mãi mới có một anh chịu nhận chức tổ trưởng. Vậy mà tới ngày họp bầu, vợ anh này hay tin chạy luôn tới chỗ họp cương quyết không cho chồng dính vào chuyện bao đồng.
Kẹt quá, bà Nguyệt nói thôi ghi đại tên bà vô biên bản bình bầu để báo cáo lên phường cho đúng thủ tục, chừng nào kiếm được người chịu làm tổ trưởng thì bà rút tên ra. Vậy mà chờ hoài cũng chẳng ai chịu làm nên bà... làm đại.
Ngày mới "nhậm chức", ban đêm công an khu vực đi kiểm tra nhân khẩu từng hộ, bà cũng đi cùng. Sáng hôm sau, người trong xóm réo tên bà chửi, cái tội "dám dẫn công an về bắt tao!". Bà khóc hết nước mắt. Rồi mỗi lần trong tổ có người nghiện ma túy bị đưa đi cai nghiện, cắt cơn, bà cũng bị quy cho tội "gián điệp nằm vùng". Bà cắn răng vượt qua những ghẻ lạnh, kỳ thị ban đầu đó bằng tấm chân tình.
Xóm lao động nghèo, ai cũng lo kiếm cái ăn, chuyện họp hành, đóng quỹ rất khó vận động. Bà Nguyệt không giàu. Chồng mất sớm, một mình nuôi bốn người con bằng nghề may gia công tại nhà. Căn nhà nhỏ 18m2 lúc nào cũng đầy bụi vải, bữa cơm hiếm khi nào có cá thịt mà trường kỳ rau muống, nước tương. Nhìn cảnh đó, không ít người ngao ngán nghĩ thầm: "Bả cũng nghèo không khác gì mình, bả nói thu tiền đóng quỹ này nọ cho phường chứ biết đâu ăn chặn thì sao?".
Hiểu được e ngại đó, bà Nguyệt tính cách hóa giải. Có ít tiền để dành, bà đem may đồ mặc cho tươm tất, mua thêm cái vòng, chiếc nhẫn vàng đeo lên tay. "Để người ta tin mình không đến nỗi đói rách phải ăn bớt tiền quỹ an ninh quốc phòng hay phòng chống bão lụt" - bà nói.
Mấy chiêu đánh vào hình thức đó chỉ là cách gây niềm tin trong thời gian đầu. Để được dân thương, bà giúp đỡ mọi người. Trích thu nhập lập quỹ cho vay không lấy lãi như vừa kể trên là một cách. Ngoài góp của, bà còn không tiếc công.
Có gia đình con cháu đều nghiện, bỏ bà ngoại ung thư giai đoạn cuối không ai chăm sóc trong căn nhà mục nát. Đích thân bà Nguyệt không ngại dơ bẩn đến đút cháo, lau rửa, vệ sinh cho cụ đến tận ngày qua đời.
Không ít trường hợp nghèo quá, đến khi chết không có nổi cái hòm, bà đứng ra vận động chủ trại hòm cho áo quan, kêu gọi hàng xóm chung tay làm đám ma, bỏ tiền túi giúp đem hỏa táng người xấu số. Nhà nào khổ quá, bà dẫn nhà hảo tâm tới giúp.
Trở lại chuyện quyển sổ ghi nợ, bà Nguyệt tiết lộ 5 năm rồi, cũng có một vài món nợ có nguy cơ mất hẳn vì người vay tiền đã dọn nhà đi không lời từ biệt. Có những trường hợp mượn mãi chưa thấy trả, cũng không nghe hứa hẹn ngày nào trả.
Thế nhưng, ngày ngày bà vẫn giữ thói quen chia phần thu nhập của mình ra làm hai phần: phần để chi tiêu, phần giữ lại để đắp thêm cho nguồn quỹ từ thiện trước giờ chỉ có âm vốn chứ chưa bao giờ sinh lời.
Bà tin ở lòng tự trọng của người nghèo, họ chưa trả là có lý do riêng, biết đâu có ngày họ hết khổ nghèo sẽ hoàn trả lại, còn góp thêm vào để bà giúp thêm người khác.
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân
Sáng 16-11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP.HCM tổ chức họp mặt kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2019).
Dịp này, Ủy ban MTTQ TP.HCM đã trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc" năm 2019 cho 221 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác Mặt trận, đồng thời trao giải thưởng "Đại đoàn kết toàn dân tộc TP.HCM" lần 1 năm 2019 cho 5 tập thể, 2 cá nhân có công trình, sáng kiến góp phần tăng cường, củng cố xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn TP.
Tại buổi họp mặt, ông Trần Lưu Quang - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - cho rằng MTTQ Việt Nam TP cần quan tâm xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả để vận động nhân dân đồng tâm, hiệp lực đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng và an ninh TP.
THẢO LÊ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận