Ảnh: M.Tự |
* Mảnh vỡ của mảnh vỡ (tiểu thuyết của Vĩnh Quyền, NXB Hội Nhà Văn)
@ Minh Tự: Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Vĩnh Quyền thu hút người đọc ngay từ cái tên rất thú vị. Và sau đó thì bị cuốn hút vào thế giới ngổn ngang của muôn vàn mảnh vỡ - sản phẩm lạnh lùng và nghiệt ngã của chiến tranh.
Họ vỡ ra từ cuộc chiến và nỗ lực hàn gắn lại nhau sau chiến tranh, nhưng rồi cũng chính họ tạo ra những mảnh vỡ khác - mảnh vỡ của mảnh vỡ - và đến lượt “mảnh vỡ vụn” ấy tiếp tục làm vỡ ra nhiều mảnh vụn khác chỉ vì lòng thù hận, sự cố chấp và định kiến.
Hơn 40 nhân vật trong cuốn tiểu thuyết là những mảnh vỡ với đủ kiểu dáng vỡ vụn, được tác giả cư xử một cách khách quan như lời đầu sách của ông:
“Con người, đối tượng của nhà văn, dù là ai, đều được đối xử như nhau”. Nhưng dù đã mang thân phận mảnh vỡ, họ vẫn bị đối xử thật không bình đẳng, thậm chí quá nghiệt ngã, cả trong lẫn sau cuộc chiến.
Một nỗi đau âm ỉ cứ giày xéo mãi những mảnh vỡ và phương thuốc để chữa lành vết thương đó, chất keo hàn gắn các mảnh vỡ đó, không gì khác hơn là: hòa hợp dân tộc!
Tôi tìm đọc cuốn sách này không chỉ để biết vì sao nó đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015 của Hội Nhà văn VN, mà còn để xem cách tác giả viết lại bằng tiếng mẹ đẻ cuốn sách mà trước đó ông đã viết bằng tiếng Anh như thế nào.
Nhà văn Vĩnh Quyền cho biết đã mất ba năm để viết cuốn sách bằng tiếng Anh với tên Debris of debris (xuất bản lần đầu tiên tại Đại học Saint Benedict - Mỹ, 2011, tái bản tại NXB Austin Macauley - Anh), được chọn lưu trữ trong thư viện Quốc hội Mỹ.
Sau đó ông đã bỏ ra gần ba năm viết lại bằng tiếng Việt. Có lẽ vì vậy chăng mà cuốn tiểu thuyết được viết bằng một thứ tiếng Việt gãy gọn, chặt chẽ.
* Buổi chiều ngồi hát (tập truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà, NXB Trẻ)
Ảnh: H.T.P. |
@ Hoàng Thu Phố: Cuối cùng nhà văn Nguyễn Việt Hà cũng đã xuất hiện với một tập truyện ngắn. Cứ ngỡ sức hút của tiểu thuyết và đặc biệt là tản văn khiến tác giả Ba ngôi của người, Con giai phố cổ không còn “màng” tới truyện ngắn, bất ngờ Buổi chiều ngồi hát xuất hiện.
260 trang, đủ cả truyện cũ xửa xưa được tác giả viết từ những “mối tình đầu” ở Hà Nội những năm đầu thập kỷ 1990 cho tới những trang văn mới, đầy mùi vị phố phường những năm đầu thế kỷ 21.
Nếu với tản văn, Nguyễn Việt Hà cứ “sòn sòn” viết và xuất bản, trở thành thương hiệu ăn khách thì truyện ngắn lại vẻ như khiến ngòi bút của Nguyễn Việt Hà có nhiều đắn đo, cân nhắc. Mỗi năm chỉ thấy anh công bố một vài truyện.
Như thể để nhắc nhớ, níu chân độc giả. Nhưng dù cũ hay mới, 20 truyện ngắn trong tập như Kịch bản của đời, Thập bồ đoàn, Mùa xuân nấc thầm, Mãi rồi cũng quen... mang tới cho người đọc một không khí truyện “rất Nguyễn Việt Hà”, một Hà Nội hiện ra cứ bàng bạc, uể oải nhưng cũng đầy ngổn ngang qua những tâm trạng sống...
Bên cạnh phỏng vấn người đọc, chuyên mục Cuốn sách tôi đang đọc sẽ còn dành đăng tải những status (dòng trạng thái) nói về sách (cả mới lẫn cũ), do những người đọc vừa đăng tải trên mạng xã hội hoặc gửi riêng cho Tuổi Trẻ, như một cách giới thiệu, chia sẻ về những quyển sách mình đang đọc một cách ngắn gọn và giản dị nhất. Mời độc giả yêu sách cùng tham gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận