Cuốn sách của một cơ trưởng: Mở cánh cửa của 'buồng lái cằn cỗi"

CẦM PHAN 06/01/2023 05:37 GMT+7

TTCT - Tại sao lại là "buồng lái cằn cỗi"? Hãy nghe một cơ trưởng giải thích...


Nếu bạn từng đọc Bay đêm của Antoine de Saint-Exupéry, rung động cùng những trang văn tuyệt đẹp của ông về bầu trời và không gian trên những chuyến bay chở thư tín qua dãy Andes thập niên 1930, hoặc từng nín thở dõi theo những trận xuất kích chiến đấu trên chiếc MIG-21 của phi công - trung tướng Nguyễn Đức Soát trong Nhật ký phi công tiêm kích giữa cuộc chiến trên không rực lửa ở Việt Nam những năm 1968-1972, bạn sẽ hào hứng với những gì mà một phi công/cơ trưởng viết về công việc của anh trên những chuyến bay thương mại thời nay.


Cuốn sách của một cơ trưởng: Mở cánh cửa của buồng lái cằn cỗi - Ảnh 1.

Ảnh: Thư Uyển

Cơ trưởng từ buồng lái có thể coi là tự truyện của một cơ trưởng hiện làm việc cho Vietnam Airlines dưới bút danh Thư Uyển. Cuốn sách dẫn bạn vào thế giới của một công việc hiếm khi được mô tả và giải thích tường tận - công việc của những người cô độc trong buồng lái, một mình đối diện với những tích tắc quyết định an nguy, sống giữa những phép tính kỹ thuật chi tiết, những máy móc thiết bị phức tạp và cả những khoảnh khắc chùng lòng ngắm nhìn bầu trời và mặt đất đa sắc, vô tận.

Thư Uyển viết cặn kẽ, với một giọng kể thong thả mà hấp dẫn, khởi đi từ những ngày đầu huấn luyện đầy trúc trắc để trở thành một phi công thương mại, tới những năm tháng đối diện vô số trở lực mà "bầu trời đầy cạm bẫy", "hoảng loạn", "rối bời", "những cơn say máy bay", "nỗi sợ ảo thị"… chỉ là những khởi đầu chưa thấm tháp gì so với những áp lực nghẹt thở sau đó của một cơ phó, rồi cơ trưởng và của cả một ngành hàng không chao đảo trong đại dịch Covid.

Những trang ghi chép dọc hành trình của anh vừa là nhật ký công việc của một người say mê với nghề, vừa là những lời giải thích tận tình cho bạn đọc phổ thông về thế giới phức tạp của ngành hàng không – một thế giới của những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, khó nhằn nhưng cũng quyến rũ và đầy ắp tri thức lý thú. 

Cuốn sách của một cơ trưởng: Mở cánh cửa của buồng lái cằn cỗi - Ảnh 2.

Bầu trời nhìn từ buồng lái máy bay (Ảnh: Thư Uyển)

Tại sao lại là "buồng lái cằn cỗi", tại sao trễ chuyến, tại sao lại cần kéo cửa sổ máy bay lên lúc cất và hạ cánh, những cội rễ tâm lý khiến nghề phi công phải tuân theo những luật lệ buồn tẻ hà khắc nhưng cực kỳ xác đáng, 50 mét độ cao cuối cùng trước khi hạ cánh đòi hỏi một động tác chuẩn xác và nhẹ nhàng của phi công nhằm hãm được cái đà lao gần 300km/h của một khối kim loại nặng 70 tấn, để hành khách có được một lần hạ cánh êm mượt… 

Như một cánh cửa...

Cuốn sách, như một chiếc chìa khóa, mở cánh cửa cho chúng ta bước vào buồng lái của cơ trưởng - một pháo đài trở nên cấm kỵ nghiêm ngặt sau sự kiện 11-9. Bằng cách ấy, anh mời độc giả bước vào một thế giới khác, sống một cuộc đời khác, mở mang tâm trí để nhận về những trải nghiệm mới mẻ và kỳ thú.

Đan cài tự nhiên và chân thành trong cuốn sách là những suy tưởng trong nhiều khoảnh khắc thử thách của nghề, những vỡ lẽ và cảm kích dành cho nhiều người thầy và đồng nghiệp. Cả những "thú nhận", như anh viết, "tôi ký thác vào những dòng này câu chuyện về những mảng tối của đời đi bay, những mảng không hường phấn như thường được khoe trên mạng".

Cả những tự vấn sâu thẳm "Một chuyến khứ hồi 12 tiếng như vậy sẽ phát thải ra lượng khí độc bằng ba tháng trời đi xe dưới đất. Nghề của tôi là kẻ thù bất cộng đái thiên với khí hậu. Biết vậy mà vẫn tiếp tục trăn trở với chuyện con người phá hoại thiên nhiên, làm tôi thấy mình mắc kẹt giữa một thế lưỡng nan đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn như chính sự tồn tại của loài người chúng ta trên quả đất này vậy". (tr.226)

Để được yêu và được hiểu

Và hơn hết, cho gia đình và người thân giữa những xé lẻ thời gian và vắng mặt, những người mà vì buồng lái máy bay luôn khóa chặt, cũng không có mấy cơ hội hiểu thấu công việc của một phi công. 

Bởi vậy, "Tôi kể, để được yêu và được hiểu" - Thư Uyển giải thích lý do anh viết cuốn sách, hy vọng được "hiểu cho những thử thách họ phải kinh qua, những bổn phận họ phải gánh vác, những dịp đoàn tụ mà họ phải vắng mặt, những thiếu sót mà họ vô tình để gia đình phải nhận".

Điểm đặc biệt của cuốn sách, đối với tôi, nằm ở thứ tiếng Việt mà Thư Uyển dùng. Đó là một cách viết trong sáng, giản dị và khúc chiết, dẫu cuốn sách không thể tránh khỏi việc chứa rất nhiều thuật ngữ hàng không bằng tiếng Anh (song đi kèm các chú giải cẩn thận). 

Anh có sự trợ giúp biên tập của cô giáo dạy viết và dạy tầm nguyên Hán tự cho anh ở trang Ngày ngày viết chữ trên Facebook, nhưng gốc rễ vẫn là cách dùng tiếng Việt của một người yêu và đọc sách cẩn thận, trong đó có Truyện Kiều, thấu hiểu đặc trưng diễn đạt nhuần nhụy của tiếng Việt.

Và khi bạn thấy mình hơi ngợp giữa những giải thích kỹ thuật bay tỉ mỉ, bạn sẽ nghỉ mệt bằng những dòng tự trào duyên dáng và những câu chuyện hài hước.

- Các anh có biết định nghĩa của quả hạ cánh tốt và quả hạ cánh tuyệt vời không?

- Dạ không.

- Hạ cánh tốt là sau khi hạ, người ta còn sống sót. Hạ cánh tuyệt vời là sau khi hạ, máy bay còn sử dụng được.

(Đối thoại giữa cơ trưởng Pierre và tổ bay sau một cú hạ cánh nặng).■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận