Mới đây, một bài văn điểm 10 của cô bé lớp 5 đã khiến cộng đồng mạng được phen "cười xỉu" khi tả về bố mình chân thật đến mức ai cũng có thể hình dung được, đây chính là ông bố đời thực mà chúng ta gặp hằng ngày.
Bằng góc nhìn hài hước của mình, cô bé Anh Thư "bóc trần" ngoại hình "chuẩn bố" của khá nhiều đàn ông Việt Nam. Thậm chí, cô bé còn sử dụng biện pháp so sánh càng làm bật lên hình ảnh bố theo cách tự nhiên nhất.
Bé viết: "Bố em có dáng người thấp đậm, với cái bụng to khác bố người ta bụng thon 6 múi… Bố nhà người ta trán cao, hiểu biết rộng dài, bố em đây trán dô, siêu "lầy".
Bố nhà người ta mắt ánh lên sự nghiêm nghị, bố em đây mỗi khi làm sai là mắt láo liên như quạ vào chuồng lợn. Bố nhà người ta môi bặm lại nghiêm túc, bố em miệng chỉ có cười suốt ngày.
Bố nhà người ta tài giỏi, độc lập, vợ con nể phục, bố em đây bị vợ mắng suốt ngày để rồi tối đến rủ em lên giường ngủ sớm, nhưng thực ra là hai bố con trùm chăn nói xấu mẹ.
Bố nhà người ta được cấp dưới ngưỡng mộ, bố em đây làm tài xế, xe ôm cho các cô, các bác. Bố em còn thua xa bố nhà người ta".
Bố mình đâu nào phải "sếp", chỉ là người đàn ông làm tài xế xe ôm cần mẫn, chăm chỉ chở các cô, các bác. Bình thường thế thôi nhưng khi cần mạnh mẽ, bố vẫn sẵn sàng ký vào bản tự kiểm điểm của Anh Thư, bảo bọc cô bé khỏi những lần mẹ trách hay "chịu trận" nghe cuộc gọi phê bình từ cô giáo.
Thậm chí, bố mình cũng luôn sẵn sàng "tám" cùng con để "giúp nó giảm stress" - điều mà không phải ông bố nào cũng đủ kiên nhẫn để ngồi nghe một cô bé huyên thuyên đủ điều.
Bài văn của cô bé lớp 5 Anh Thư không còn là những hình ảnh ước lệ, đẹp hoàn hảo về một người bố khi cô bé tả bố mình với nhiều thiếu sót, khuyết điểm thực tế. Chính nhờ sự chân thật này, 10 điểm và lời khen ngợi của cô giáo là điều hoàn toàn xứng đáng.
Cô giáo phê bình: "Cô thích lắm. Bài viết của em đã đưa cô gặp một ông bố (một con người) hội tụ mọi điều xấu và tốt có thể có. Điều mà cô ngưỡng mộ nhất ở ông ta là cái tình của người cha với con và cái tình của con đối với ông ấy.
Bài viết có tài trong sử dụng phép đối sánh để làm bật lên hình ảnh người bố. Cách tổ chức đoạn, bố cục chặt chẽ.
Điểm 10 nhé, trò yêu!".
Qua bài viết của Anh Thư, những bài văn mẫu bỗng chốc trở nên sáo rỗng, nhạt toẹt như "nước ốc" mà chẳng đọng lại điều gì. Những điều đơn giản nhất, thành thật nhất đôi khi luôn ẩn chứa "sức nặng vô hình", khiến người ta cảm và thấy yêu hơn vào những thứ lạc quan, tích cực nhẹ nhàng.
Tập làm văn là bộ môn không chỉ để chấm điểm mà còn giúp bản thân người học trò nâng cao khả năng biểu đạt ngôn ngữ cũng như thể hiện tư duy logic của bản thân. Để đạt được 10 điểm ở môn học này, học sinh phải vận dụng nhiều kỹ năng cũng như triển khai, sắp xếp các ý thành bài văn hoàn chỉnh, thu hút người đọc - ở đây là giáo viên chấm bài.
Thế nên, chẳng dễ gì để một bài văn đạt được điểm tối đa, khi việc đánh giá còn phụ thuộc vào cảm xúc của người đọc, khác hoàn toàn với các môn tự nhiên, chỉ đúng hoặc sai.
>> Xem thêm: Gatsby là ai mà khiến dân mạng 'nổi sùng' với nữ sinh đạt điểm 10 môn Văn thi tốt nghiệp THPT 2020
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận