Những con thuyền cập bến, neo đậu bên bãi bờ Cồn Gò, tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng 20-9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phó thủ tướng cho biết cuối tháng 10-2022, EC sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, cũng như đầu tư hạ tầng, tình hình nuôi trồng thủy sản.
"Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU cũng như khẳng định những cam kết của nước ta trong việc phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế" - Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam bị EC cảnh báo "thẻ vàng" từ ngày 23-10-2017. Sau gần 5 năm, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cùng các bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo này.
"Chúng ta cần phải nhắc nhau, rằng gỡ thẻ vàng IUU trước hết chính là vì đời sống của bà con. Nếu làm được, Việt Nam sẽ có thêm sức hút với đầu tư quốc tế, giúp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - Phó thủ tướng nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá khung pháp lý của Việt Nam về chống IUU hiện tương đối đầy đủ, thể hiện rõ được cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm bị EC cảnh báo "thẻ vàng", Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong việc gỡ rào cản này bởi 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, vấn đề nhật ký đánh bắt. "Tôi đi từng cảng cá, lật từng cuốn sổ hành trình và nhận thấy đây không phải nhật ký mà là hồi ký. Hầu hết sổ đều do vợ con ghi chép lại" - ông Tiến nói và cho biết nguyên nhân là nhận thức của bà con ngư dân về chống IUU chưa đồng nhất.
Thứ hai, 28 tỉnh, thành phố ven biển xử lý vi phạm về chống IUU không đồng đều. "Đang có hiện tượng tàu từ tỉnh nọ chạy sang tỉnh kia khi cập bờ. Việc không thể truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác khiến nước ta mất điểm trong quan điểm của EC.
Thứ ba, tình trạng giải ngân vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng cá còn chậm, khiến nhiều cảng cá loại 1 không thể kiểm soát được sản lượng khai thác. Việc khai thác, đánh bắt cá ở kinh, vĩ độ nào, nhiều địa phương không thể xác định chính xác.
"Không kiểm soát được sản lượng khai thác thì không thể truy xuất được nguồn gốc. Tôi biết, có tỉnh chỉ kiểm soát được 3% tổng sản lượng đánh bắt" - ông Tiến nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Tiến đánh giá nhiều tỉnh, thành chưa có sự quan tâm đúng mức cho chống IUU. Một số nơi chậm chuyển biến trong việc góp phần gỡ thẻ vàng IUU như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký phê duyệt Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.
Đề án đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển, phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải được theo dõi, giám sát qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm soát tại cảng.
Ngoài ra, 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định.
Đề án cũng nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh về công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền; hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách và đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận