Cười nhiều cho sáng mắt ra

NGỌC KHANH 02/10/2024 07:09 GMT+7

TTCT - Chẳng ai muốn phải rơi vào tình huống "cười ra nước mắt", nhưng cười để mà sáng và khỏe mắt thì có khi cũng… ráng mà cười.

Cười nhiều cho sáng mắt ra - Ảnh 1.

Ảnh: Flickr

Tạp chí Y Khoa Anh (BMJ) vừa công bố nghiên cứu về ảnh hưởng của nụ cười đến bệnh khô mắt, bổ sung thêm vào danh sách dài những tác dụng thần kỳ của tiếng cười với sức khỏe con người. Nghiên cứu được triển khai trên 299 người từ

18-45 tuổi (74% là nữ) bị bệnh khô mắt, tại Trung tâm nhãn khoa Trung Sơn Đại học Tôn Dật Tiên, từ tháng 6-2020 đến tháng 1-2021.

Nhóm tác giả dựa trên các phương pháp trị liệu tiếng cười đã có trước đó, điều chỉnh và phát triển bài tập cười để kích hoạt tối ưu các cơ mắt. Người tham gia được chia hai nhóm ngẫu nhiên nhận bài tập cười và nước mắt nhân tạo (axit hyaluronic natri 0,1%), sử dụng bốn lần mỗi ngày trong tám tuần. 

Các video hướng dẫn bài tập cười sẽ yêu cầu người tham gia phát âm các cụm từ "hee hee hee, hah hah hah, cheese cheese cheese, cheek cheek cheek, hah hah hah hah hah hah" 30 lần trong mỗi buổi năm phút.

Kết quả: bài tập cười có tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh khô mắt không kém gì thuốc nhỏ mắt nhân tạo; hơn thế còn cải thiện độ ổn định của màng nước mắt và chức năng tuyến meibomian. Những lợi ích này kéo dài ít nhất bốn tuần sau khi ngừng bài tập, trong khi ngưng dùng axit hyaluronic natri 0,1% thì triệu chứng bệnh sẽ quay lại.

Bệnh khô mắt không gây tử vong nhưng liên quan tới trầm cảm và lo lắng, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của khoảng 360 triệu người trên toàn cầu, là gánh nặng kinh tế không nhỏ với những người phải sử dụng nước mắt nhân tạo lâu dài. Số lượng người bị bệnh này đang tỉ lệ thuận với dân số già, sự thịnh hành của các thiết bị nghe nhìn và ô nhiễm không khí.

Thị trường nước mắt nhân tạo toàn cầu có doanh thu 2,74 tỉ USD năm 2022, dự kiến tăng lên 4,4 tỉ USD vào năm 2031. Chưa kể chi phí xã hội như mất năng suất lao động và tác động về mặt tâm lý, thể chất của bệnh khô mắt ước tính 55 tỉ USD tại Mỹ. Nếu chỉ cần cười là có thể giảm triệu chứng bệnh khô mắt, thì thế giới tiết kiệm được bao nhiêu là tiền.

Như một cách thừa nhận sức mạnh của nụ cười, chính quyền tỉnh Yamagata (Nhật Bản) với đa số là thành viên Đảng Dân chủ tự do (LDP), hồi đầu tháng 7 đã ban hành sắc lệnh chọn ngày 8 hằng tháng làm "ngày thúc đẩy sức khỏe thông qua tiếng cười" - cả trong đời sống lẫn môi trường công sở, doanh nghiệp.

Theo báo Asahi, sáng kiến này dựa trên nghiên cứu từ khoa Y Đại học Yamagata năm 2020, được công bố trên tạp chí Dịch tễ học do Hiệp hội Dịch tễ học Nhật Bản xuất bản, liên kết tiếng cười với sức khỏe và tuổi thọ. 

Nghiên cứu quan sát 17.152 đối tượng cả nam lẫn nữ trên 40 tuổi trong suốt tám năm, phát hiện ra rằng những người cười ít hơn một lần một tháng có tỉ lệ tử vong và mắc bệnh tim mạch cao hơn người cười ít nhất một lần mỗi tuần. Tiếng cười cũng có liên quan đến niềm vui sống, thái độ tích cực, mức độ năng lực, lòng tin, sự cởi mở và tận tâm cao hơn.

Tuy vậy, sắc lệnh vấp phải nhiều phiếu chống từ thành viên các đảng khác trong hội đồng tỉnh Yamagata. Chỉ trích lan rộng khắp Nhật Bản với những lý lẽ như "cười là một phần của quyền tự do ngôn luận, quyền cơ bản của con người", "có những ngày trong cuộc đời bạn không thể cười", "nhiều người bị bệnh không thể cười thì sao". Đáp lại những phản đối, thành viên của LDP cho hay "sắc lệnh này không bắt buộc mọi người phải cười, cũng không có hình phạt nào cho người không cười".

Thật ra, chuyện đáng quan tâm là tiếng cười được đề cập trong nghiên cứu trên là cười thành tiếng chứ cười thầm hay cười mỉm không được tính đến. Vậy nếu bắt người dân phải cười gượng thì liệu tác dụng với sức khỏe có còn không? Nghe có hơi khó tin nhưng câu trả lời là có. 

Theo nghiên cứu trên 3.878 người tham gia ở 19 quốc gia được công bố vào năm 2022 trên tạp chí Nature, bắt chước khuôn mặt cười có thể khuếch đại và tạo ra cảm giác hạnh phúc, bất kể lúc đó ta có cảm xúc hay không. 

Giả thuyết phản hồi khuôn mặt cho rằng những trải nghiệm cảm xúc của cá nhân bị ảnh hưởng bởi biểu cảm khuôn mặt của họ. Ví dụ, mỉm cười thường khiến một người cảm thấy vui hơn, còn cau mày khiến họ cảm thấy buồn hơn.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Georgia (Mỹ) cũng đã tập hợp những người lớn tuổi tham gia bài tập mô phỏng cười. Sau phân tích, kết quả phát hiện cơ thể không phân biệt được tiếng cười thật sự và tiếng cười cơ học mà con người tạo ra. Chúng đều có tác động tích cực đến sức khỏe.

Giáo viên yoga cười nổi tiếng của Mỹ Francine Shore chia sẻ với tờ Huffington Post rằng "trẻ em cười hàng trăm lần mỗi ngày, nhưng khi trưởng thành chúng ta chỉ cười khoảng 12 lần một ngày. Có lẽ vì trẻ con sống với trái tim còn chúng ta thì quá lý trí". 

Còn trong bài đăng về sắc lệnh cười của tỉnh Yamagata, trang tin khoa học Nazology bình luận: "Có thể sắc lệnh kia còn nhiều ưu khuyết điểm nhưng hẳn thế giới này sẽ thật tuyệt vời nếu nhiều người có thể cười thành tiếng ít nhất một lần mỗi tuần, cười hồn nhiên với niềm vui thật sự". 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận