Có người sau một vài ngày ho “bộ khẩu” giống như cái tivi “có hình, mất tiếng” hoặc âm thanh khào khào, khè khè. Có người kèm theo sốt, nuốt thấy đau lên tận tai . Có người khởi đầu là chảy nước mũi, hắt hơi, trẻ nhỏ thường “thò lò mũi xanh” rồi tiếp đến là sốt, ho, mệt mỏi, bỏ ăn, quấy khóc…
Có lẽ vì thế ngành y xếp chuyên khoa Tai- Mũi –Họng thành “tổ dân phố” không hẳn vì vị trí địa lý mà vì mối thâm tình bệnh tật ở những nơi này.
"Nút giao thông" dễ gây tai nạn
Họng là ngã tư giữa đường ăn và đường thở tập trung “nút giao thông” quan trọng: khí quản, thực quản, đường lên mũi, đường ra miệng. Nơi đây được điều khiển bởi hệ thống “đèn xanh, đèn đỏ” họat động còn nhạy hơn cả bộ vi mạch điện tử: khi ta nuốt lập tức một mảnh thịt được gọi là “lưỡi gà” tức thì bịt kín đường thở để thức ăn không giao“nhầm địa chỉ” mà chui vào phổi.
Bởi vậy, khi các cháu bé đang ăn mà khóc, lưỡi gà “tưng tưng” theo nhịp khóc, tạo nên những khoảng hở khiến thực phẩm đang có sẵn trong miệng dễ dàng rơi vào khí quản gây nghẹt thở. Nhiệm vụ của ngã tư này có rất nhiều nhưng tóm gọn với 5 nhiệm vụ chính là nuốt, thở, phát âm, nghe và bảo vệ.
Bốn nhiệm vụ đầu ai cũng thấy nhưng nhiều người không biết họng là “chốt bảo vệ” bởi nơi đây tập trung các nang lymphô tạo thành hình khối mà các nhà Tai Mũi Họng gọi là vòng Waldeyer, trong đó Amygdale và VA (vegetation adenoide) nằm trong vòng Waldeyer. Khi vi khuẩn xâm nhập “chốt bảo vệ” sẽ có nhiệm vụ huy động lực lượng tại chỗ chống đỡ, đồng thời kháng thể, các lọai bạch cầu dồn quân tới đây làm nhiệm vụ thực bào. Bởi thế khi bạn bị viêm Amygdale, bác sĩ cho uống thuốc.
Nếu quá trình viêm tái đi tái lại Amygdale không còn khả năng “đánh đấm” thì mới phải “xẻo” đi. Nhiều người sau khi khám họng lại than rằng :"em bị Amygdale", làm như “anh bảo vệ” là kẻ tội đồ, thật oan uổng!.. Trong chuyên ngành các bác sĩ nhập chung viêm họng và viêm Amygdale cấp làm một bởi Amygdale giống như “nhà” nằm trên mảnh đất “họng”. Trong khi đó viêm họng hạt, viêm amygdale mãn tính là hai vấn đề tách riêng, tất nhiên để điều trị cho tiện chứ không như “sổ đỏ, sổ hồng” của mấy bác chính quyền.
Tưởng nhỏ mà không nhỏ
Viêm họng cấp thường gặp ở người lớn, trẻ em, đặc biệt nở rộ khi thay đổi thời tiết. Thường khởi đầu là do Adenovirus hay virus cúm (60-80%), virus Coxsakie, virus herpes, zona….Nhà trẻ, trường mẫu giáo có một bé bị viêm họng, ho sù sụ và bữa sau lại có 5,7 bé tiếp tục ho.
Độc tố của virus và sức đề kháng của cơ thể kém sẽ tạo cơ hội cho các lọai vi khuẩn đã nằm chờ sẵn tấn công vào “ngã tư" này.
Nguy hiểm nhất là liên cầu trùng tan huyết bê-ta nhóm A (20-40%). Với lứa tuổi học đường chúng tấn công họng, trẻ sốt, ho, họng và Amygdale đỏ. Tiếp đến là sưng khớp, đa số là khớp lớn như khớp gối với triệu chứng rầm rộ: sưng, nóng, đỏ, đau. Hẳn nhiều người đều nghe “Thấp khớp, đớp tim”.
Viêm họng là bệnh thường gặp đến nỗi một số bà mẹ xem thường, đặc biệt là trẻ vùng nông thôn, đến khi gối trẻ sưng tướng lên mới bắt đầu tá hỏa. Cùng lúc ấy độc tố của vi khuẩn đã chạy tới gây dị ứng ở tim tổn thương van tim tèm lem.
Có trường hợp độc tố gây dị ứng ở thận gây viêm cầu thận cấp. Chuyện bé tẹo nay to như con khủng long. Nằm viện, chữa trị, chích Pénicillin trong đợt cấp, chích kéo dài để phòng con liên cầu “tái hồi” gây viêm họng trở lại.
Viêm họng cấp bao gồm cả viêm họng trong sốt xuất huyết, viêm họng do bạch hầu…nên chúng ta đừng “tự làm bác sĩ” mà tốt nhất nên đến với các nhà Tai- Mũi- Họng. Một đường “chuyển giao” virus tự nguyện nhất đó là động tác hôn. Chàng nhiễm siêu vi vẫn đi chơi và mỗi lần “mi” nhẹ đã tình thương mến thương tặng cho nàng hàng triêu con virus.
Viêm họng mãn tính là bệnh thường gặp, bệnh này ưu ái quí ông nhiều hơn phụ nữ. Đặc biệt những ông hút thuốc lá, uống rượu. Bệnh cũng xảy ra với những người làm việc trong môi trường độc hại hay thường xuyên ra đường hít nhiều khói bụi. Cái món"bụi" này thì ở ta ai cũng được tận hưởng, nhất là ở thành phố...
Người đi làm về đều có cảm giác ngứa rát, vướng trong họng, thấy như “có cái gì” trong họng. Thỉnh thoảng họ có những đợt viêm cấp mới kèm theo mệt mỏi, sốt…
Các nhà Tai Mũi Họng thường chia ra:
(1)Viêm họng sung huyết khi thấy họng sưng đỏ, cảm thấy vướng khi nuốt.
(2)Viêm họng mãn xuất tiết thường gặp ở mấy chàng “ống khói” gồm cả thuốc lá và thuốc lào. Họ dặng hắng, ho khan, khạc đàm nhầy khó khăn rồi cuối đời nhận bản án "viêm phổi tắc nghẽn".
(3)Viêm họng mãn tính quá phát còn gọi là viêm họng hạt: soi họng thấy tổ chức bạch huyết phát triển thành những gò, đống to nhỏ khác nhau. Thể này thường gặp ở nhà giáo, “hót” suốt ngày, hít bụi phấn lại “say sưa” đến mức không chịu uống nước để thấm ướt thanh quản. Dần dần thanh quản bị tổn thương , âm thanh sẽ bị “rè” hoặc “khàn”.
(4) Viêm họng thể teo : tổ chức xơ phát triển, niêm mạc họng nhợt nhạt. Dạng này cũng thường gặp ở những người”bán cháo phổi”, người già hoặc những người mà nghề nghiệp tiếp xúc với hóa chất độc.
Các kiểu bảo hộ
Viêm họng hay xảy ra như thế, có phòng được không?
1-Giữ ấm họng khi ra ngòai trời lạnh rất quan trọng. Không uống nước đá thường xuyên làm thay đổi đột ngột nhiệt độ vùng “ngã tư” này. Trong nhà thường xuyên có chai nước muối súc họng ngày 3 lần. Ngay cả khi viêm họng do virus, súc họng cũng có thể làm dịu ngay quá trình viêm.
2-Những người “bán cháo phổi” đừng quên nhấp giọng sau 15 phút giảng bài. Thấm ướt thanh quản và vùng họng là biện pháp làm họng không bị khô.
3-Với khói bụi đường phố chúng ta vừa đội mũ bảo hiểm vừa làm “thám tử ” nhằm hạn chế viêm nhiễm.
4-Làm việc ở môi trường độc hại phải có bảo hộ lao động. Nữ công nhân may nên mang khẩu trang bởi bụi, sợi bông hít mỗi ngày một ít cũng đủ gây viêm họng.
5-Khi đã bị viêm không tự làm bác sĩ bởi tính đa dạng, phong phú của bệnh. Hãy đến với các bác sĩ chuyên khoa kẻo sẽ biến Tai Mũi Họng thành Tai Mũi Hỏng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận