Mốc thời gian thi đua để hoàn thành bốn dự án - Nguồn: Bộ GTVT - Đồ họa: N.KH.
Đây được xem là một chiến dịch lớn của ngành giao thông trong năm 2022 để kịp đưa các dự án này thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay. Các nhà thầu, tư vấn giám sát, địa phương, chủ đầu tư... phải làm thế nào để thực hiện đúng cam kết, trong lúc khối lượng công việc còn rất lớn mà thời gian đã cận kề?
Khối lượng công việc còn nhiều
PV Tuổi Trẻ trở lại ghi nhận tại các công trường hai đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo qua hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận vào những ngày đầu tháng 9. Khi giải quyết xong việc khan hiếm nguồn dầu vừa qua, các nhà thầu đã huy động tổng lực người và xe cơ giới tiếp tục thi công. Một số đoạn đã trải bê tông nhựa nóng đến lớp thứ 2, nhưng cũng có đoạn chưa xong phần nền móng, ngổn ngang. Nhiều hạng mục cầu vượt vẫn trơ trụ bê tông, lõi thép, chưa hợp long...
Đại diện một nhà thầu thi công gói XL02 của đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo cho rằng thời gian qua nhiều nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, khiến tiến độ chậm gần 50% so với kế hoạch. Có lúc xe cộ phải nằm bãi vì không có đất đắp, thiếu dầu.
Thi công trải nhựa đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Ảnh: ĐỨC TRONG
"Khó nhất là việc tìm nguồn đất đắp. Mặc dù Chính phủ đã cho cơ chế đặc thù nhưng chỉ giải quyết nhanh chuyện không đấu giá. Thủ tục còn lại vẫn theo trình tự cấp phép rất lâu, mất nhiều tháng mới xong. Nhà thầu như chúng tôi rất sốt ruột, xin khai thác trước rồi hoàn thành thủ tục sau nhưng vẫn không được", vị đại diện này cho biết.
Không chỉ vậy, dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021 khiến các nhà thầu huy động con người và xe cộ đi lại rất khó, hầu như chỉ làm cầm chừng. "Cái khó chồng chất khó, giải quyết được nguồn đất đắp, dịch bệnh ổn định thì đến giá dầu và vật liệu tăng chóng mặt, lên gấp đôi gấp ba. Chưa làm chúng tôi đã lỗ", vị đại diện nhà thầu này nói.
Đó cũng là tình hình chung của các nhà thầu thi công các dự án này. Tại các cuộc họp liên quan đến vấn đề cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp mà nhà thầu phản ánh, ông Phan Văn Đăng - phó chủ tịch thường trực tỉnh Bình Thuận - cho rằng địa phương luôn nỗ lực hết mình nhưng phải đúng trình tự thủ tục, không thể làm khác được. Điều đáng mừng là đến nay, tỉnh Bình Thuận đã cơ bản gỡ được các vướng mắc này.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy thừa nhận do gặp một số khó khăn khách quan như các nhà thầu đã phản ánh nên tiến độ của bốn dự án vẫn đang chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Hiện nay khối lượng các hạng mục còn lại cần phải hoàn thành khá lớn, thời gian thi công còn lại không nhiều và vẫn còn đang trong mùa mưa.
Tại buổi lễ phát động thi đua ngày 10-9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chia sẻ với những khó khăn của các nhà thầu. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại chủ quan của các đơn vị. "Qua các chuyến kiểm tra thực tế, tôi thấy nhiều đoạn vẫn chưa đâu vào đâu. Vì sao cùng môi trường làm việc nhưng có đơn vị làm rất tốt, có đơn vị không hoàn thành. Chúng ta phải nhìn nhận lại mình", Phó thủ tướng nói.
Nhà thầu thi công cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông với mục tiêu hoàn thành cuối tháng 12-2022 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Còn nhiều vướng mắc cần giải quyết
Nhằm cổ vũ, động viên, huy động hơn nữa của các đơn vị tham gia dự án để đảm bảo thông xe kỹ thuật vào cuối năm, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành kế hoạch thi đua 120 ngày đêm. Và đại diện các nhà thầu, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn giám sát... cùng ký cam kết.
Các đơn vị làm thế nào để thực hiện đúng cam kết cuối năm thông xe kỹ thuật, sớm đưa vào khai thác?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Tới - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VINACONEX - cho biết cả nhà thầu lẫn các cơ quan nhà nước phải cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện.
Cụ thể, phía nhà thầu phải tăng cường xe cộ, nhân lực, tăng ca kíp... Các địa phương phải sớm giải quyết dứt điểm một số đoạn còn vướng mắc như di dời đường điện cao thế, hoàn tất cấp phép mỏ đất đắp. Theo ông Tới, quan trọng nhất là giải quyết nguồn tài chính.
"Hầu hết các nhà thầu đã cạn kiệt, ngân hàng hạn chế giải ngân, bão giá vẫn leo thang... Các địa phương có dự án đi qua ban hành giá vật liệu sát hơn với thực tế vì hiện nay cao gấp nhiều lần so với dự toán của nhà thầu", ông Tới cho biết.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang gấp rút thi công - Ảnh: NGỌC MINH
Tương tự, một nhà thầu khác cho biết đã sẵn sàng tăng cường xe cộ và con người nhưng phải chờ chủ đầu tư giải ngân thêm nguồn tài chính, bù đắp lại chi phí phát sinh để thi công, bắt kịp tiến độ. "Chúng tôi đã huy động mọi nguồn để tập trung làm cao tốc. Xác định làm cao tốc là ưu tiên hàng đầu. Các công nhân và kỹ sư thi công ba ca, đến 10h đêm mới xong.
Nhưng vừa qua giá dầu và vật liệu tăng cao, vượt xa dự toán nên không kịp trở tay. Mặc dù đang lỗ nhưng chúng tôi vẫn cố gắng", đại diện một nhà thầu tại đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo cho biết. Ngoài ra, thời tiết cũng rất quan trọng, nếu thời tiết tiếp tục cực đoan thì sẽ ảnh hưởng tiến độ thi công.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa nhận vấn đề tài chính rất quan trọng với nhà thầu. Theo ông, có thể do các đơn vị thanh toán - nghiệm thu chậm, sử dụng không đúng mục đích. Phó thủ tướng chỉ đạo các ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn thường xuyên nghiệm thu để chi trả cho nhà thầu kịp thời.
"Hàng tháng mới lấy được tiền thì nhà thầu lấy đâu ra sức mà làm. Làm đến đâu nghiệm thu đến đó, càng nhanh càng tốt", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Ông cũng cảnh báo các đơn vị mua bán thầu, không có năng lực: "Người ký hợp đồng trực tiếp thì không thực hiện, thầu phụ vào rất khó. Những đơn vị nào chậm phải cho ra khỏi gói thầu để đưa thầu mới vào". Ông cũng động viên các nhà thầu, đơn vị nào nếu đảm bảo tiến độ lẫn chất lượng sẽ được ưu tiên chỉ định thầu cho các giai đoạn tiếp theo.
Công trình nào đang có tiến độ nhanh nhất?
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về tiến độ và kế hoạch triển khai thông xe kỹ thuật trong năm 2022 đối với bốn dự án trên, hiện đã cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời.
Trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3km) đạt tiến độ cao nhất, với khoảng 94,5% giá trị hợp đồng và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm nay. Riêng ba đoạn còn lại chỉ phấn đấu thông xe kỹ thuật cuối năm, còn bao giờ đưa vào khai thác thì chưa rõ.
Cụ thể đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 (dài 63,37km) đạt 69,5%, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8km) đạt 50,18% và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99km) đạt 55,72% giá trị hợp đồng.
Bộ Giao thông vận tải tuyên bố áp dụng biện pháp mạnh
Để phong trào thi đua đúng thực chất, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cũng chỉ đạo các ban quản lý dự án kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, từng gói thầu và toàn dự án.
Các đơn vị phải tập trung giải quyết nhanh những thủ tục liên quan cho nhà thầu, linh hoạt hơn nữa trong việc áp dụng mọi cơ chế giải ngân nhưng phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng, từng khâu, từng thủ tục đảm bảo đúng quy định... Các đơn vị tư vấn phải bám sát hiện trường, luôn có cán bộ thường trực giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.
Với các nhà thầu vi phạm, Bộ Giao thông vận tải cho hay sẽ kiên quyết xử lý bằng các biện pháp: cắt chuyển khối lượng; xem xét chấm dứt hợp đồng, cấm tham gia các dự án do bộ này quản lý từ 3 - 5 năm. Với những nhà thầu đảm bảo tiến độ, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét cho họ được ưu tiên tham gia các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
ĐỨC TRONG - TUẤN PHÙNG
Làm vì danh dự, trách nhiệm với đất nước
Thi công trải nhựa cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong bốn dự án trên, cấp thiết nhất có lẽ là đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Quốc lộ 1 song song dự án này hiện thường xuyên ùn tắc, nhất là vào các dịp lễ Tết, bởi đây là cửa ngõ từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam.
Sau khi hoàn thành, đoạn này sẽ kết nối với đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và thông suốt đến TP Phan Thiết (Bình Thuận).
Nối tiếp là đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài nhất trong bốn dự án. Đoạn này hứa hẹn giảm tải cho các tuyến quốc lộ 1, đường ven biển. Nếu cùng đưa vào khai thác, đoạn này sẽ liền mạch, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết thông suốt từ TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tới các địa phương phía bắc tỉnh Bình Thuận và các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.
Bốn đoạn cao tốc khi đưa vào sử dụng sẽ hình thành nên trục tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, nếu cuối năm nay không hoàn thành các dự án này thì giai đoạn 2 sẽ gặp nhiều khó khăn, không đạt mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 mà Chính phủ vạch ra. Vì vậy, ông cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải nêu cao trách nhiệm. "Làm cao tốc là danh dự, trách nhiệm với đất nước, không phải kinh doanh thuần túy", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận