18/01/2020 11:15 GMT+7

Cuối năm bàn chuyện "mâu thuẫn giáo dục"

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Hai 'vũ khí' tối thượng của giáo viên là kỷ luật và điểm số giờ gần như bị tước đoạt. Nhà trường phải chiều lòng người học, thang điểm phổ biến bây giờ là từ 7 đến 10. Còn xử phạt, sai thì bị kỷ luật, đúng mà bị hiểu nhầm thì… không ai bảo vệ.

Cuối năm bàn chuyện mâu thuẫn giáo dục - Ảnh 1.

Bên cạnh kiến thức, nhà trường cần trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) được tập huấn phòng cháy chữa cháy và cách thoát hiểm - Ảnh: NHƯ HÙNG

PGS.TS Lê Khánh Tuấn - nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT, hiện là giảng viên cao cấp Trường ĐH Sài Gòn - bắt đầu câu chuyện cuối năm như vậy với Tuổi Trẻ. Ông nhấn mạnh về tính cấp thiết phải cởi trói cho nhà trường, thầy cô trước thềm cả ngành giáo dục bước vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cần có một sự đổi mới căn bản về quản lý từ nhà trường cho đến cơ quan quản lý giáo dục các cấp.
PGS.TS Lê Khánh Tuấn
(nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT)

"Mâu thuẫn giáo dục" 

* Không ít lần ông đề cập tới cái gọi là "mâu thuẫn giáo dục", cụ thể nó là gì, thưa ông?

- Mục tiêu chất lượng của ngành giáo dục là rèn luyện năng lực tư duy, phương pháp tiếp cận để người học tự chiếm lĩnh tri thức. Nhưng mục tiêu của nhiều người học lại là điểm số, là thi đỗ hay không đỗ, họ học để lấy bằng cấp, không coi trọng thu nhận kiến thức và kỹ năng, với họ bằng cấp là hiện thân của chất lượng. Trong khi đó, mục tiêu của nhà quản lý lại hướng đến thành tích học tập. Mâu thuẫn là vậy.

* Vậy theo ông, hệ lụy là gì?

- Những mâu thuẫn trên đặt các trường phổ thông trước áp lực nhiều chiều trong việc đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng. Áp lực từ cơ quan quản lý chuyên môn về giáo dục, áp lực từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp và áp lực từ người học. Nếu áp lực thuận chiều thì tốt, nhưng đây lại là áp lực ngược chiều. 

Ngành giáo dục đặt ra mục tiêu chất lượng riêng, tập trung đầu tư, chỉ đạo hệ thống trường của mình thực hiện nhưng trong thực tế thì trường học lại vận hành dạy học theo mục tiêu của người học. Vì vậy, cùng với những tác động tiêu cực của thị trường và các xu hướng nhất thời, chất lượng giáo dục ngày càng giảm, xa rời kỳ vọng của xã hội.

Nhà trường bị khuất phục, từng bước "tự diễn biến", làm cho chất lượng giáo dục bị tha hóa đi. Người học cốt học để lấy bằng, nhà trường dạy theo kiểu an toàn để có bằng cấp, chứng chỉ. Người học cần thi phải đỗ điểm cao, nhà trường cũng chiều lòng. 

Các cấp quản lý cần tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ học sinh giỏi cao, nhà trường nâng lên. Từ đó sản sinh ra học sinh giỏi ảo, xuất sắc ảo và thành tích ảo, chưa phản ánh chính xác và đầy đủ năng lực học sinh cũng như chất lượng hệ thống.

Chi phí đầu tư bình quân cho học sinh thấp 

* Từng nhiều năm làm kế hoạch tài chính của Bộ GD-ĐT, ông đánh giá thế nào về đầu tư cho giáo dục của Việt Nam?

- Đầu tư tài chính cho giáo dục đạt khoảng 5,5% GDP, ngân sách nhà nước dành 20% tổng chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục, đó là một nỗ lực rất lớn, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước. Tuy nhiên, so với nhu cầu chi tiêu cho giáo dục thì vẫn rất thiếu. Chi phí đào tạo bình quân cho một học sinh của Việt Nam vẫn còn quá thấp (tùy theo cấp học, mức chung bằng khoảng 1/4 của các nước trong khu vực và bằng khoảng 1/25 so với các nước phát triển).

Đầu tư tài chính thấp dẫn đến cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học thiếu thốn: phòng học không đủ để đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh/lớp, các phòng chức năng thiếu, thiết bị dạy học đa phần chỉ đạt ở mức tối thiểu. Tỉ lệ chi cho hoạt động nhà trường và phát triển chuyên môn rất thấp là những rào cản cho đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng.

* Vậy đầu tư cho giáo viên thì sao, ông đánh giá thế nào về chính sách thu hút, tuyển dụng người giỏi vào nghề giáo?

- Đặt trong tương quan với các ngành nghề thì chính sách đối với nghề dạy học là tốt (đương nhiên vẫn có một số chính sách lỗi thời hoặc bất cập cần được hoàn thiện). So sánh với nhu cầu chi tiêu thì giáo viên vẫn còn khó khăn. Tôi thấy phần nhiều giáo viên thông cảm với khó khăn chung của đất nước, băn khoăn của họ lại nằm ở cảm giác bất an của nghề nghiệp. Họ cảm thấy không an toàn khi nhiều nơi tuyển dụng rồi lại hủy bỏ, hợp đồng rồi lại thôi.

Ngoài ra, môi trường hành nghề ở nhiều trường cũng không tốt. Khi được hỏi về dân chủ trong trường học, nhiều giáo viên cho rằng quy trình dân chủ thì tốt, nhưng họ ít có cơ hội để bày tỏ ý kiến hoặc có bày tỏ thì cũng ít được ai nghe. Dân chủ đúng quy trình mà không thực chất. Lãnh đạo một phòng giáo dục nói với tôi "giáo viên bây giờ không muốn làm gì sáng tạo đâu, họ chỉ làm đúng phận sự thôi". Bởi vì, tìm tòi, sáng tạo mà nhỡ bị dư luận hiểu nhầm rồi phản ứng thì có thể bị xử lý trước sự vô cảm của quản lý.

Cần giải pháp cực mạnh

Cần có một sự đổi mới căn bản về quản lý từ nhà trường cho đến cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Hệ thống quản lý (đặc biệt là ở cấp chính sách - cấp bộ) phải tạo ra sức mạnh cho nhà trường thắng thế trước những nhu cầu tức thời và các yếu tố tiêu cực của thị trường đang tác động lên chất lượng giáo dục.

Đây là vấn đề rất khó, phải có những giải pháp cực mạnh để lay chuyển được cả những vấn đề mang tính hệ thống. Giáo viên là nhân tố quan trọng tác động đến chất lượng giáo dục. Do đó, giáo viên cần phải được "cởi trói", được tự do sáng tạo, được làm đúng và đầy đủ chức phận cũng như quyền của mình.

PGS.TS Lê Khánh Tuấn (nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT)

Giáo viên bị tước quyền cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh Giáo viên bị tước quyền cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh

TTO - 'Giáo viên có cảm giác nghề không phải là nghề khi hai vũ khí của họ đã bị tước đoạt là cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh'.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên