Cuối năm bấm đốt ngón tay...

XÊ NHO 26/12/2022 05:17 GMT+7

TTCT - ... mà nói chuyện tính "tuổi mụ" của ta và người Hàn Quốc.

Cuối năm bấm đốt ngón tay... - Ảnh 1.

Ảnh: cosmo.ph

Hàn Quốc vừa quyết định thống nhất cách tính tuổi theo ngày sinh như đa số các nước trên thế giới. 

Trước đây ở nước này có ba cách tính tuổi. Với người dân bình thường, ai sinh ra đã có 1 tuổi, đến ngày đầu năm mới tính thêm 1 tuổi nữa. Vì thế một người sinh ra vào cuối tháng 12 chỉ vài ngày sau được tính là đã 2 tuổi! 

Cách thứ nhì là sinh ra chưa có tuổi nào, nhưng đến ngày đầu năm mới được tính 1 tuổi. Cách thứ ba là tính tuổi theo ngày sinh, phải đến sinh nhật lần thứ nhất mới được tròn 1 tuổi.

Cách thứ nhất là phổ biến trong đời sống hằng ngày, vì thế khi luật tính tuổi theo cách quốc tế được thông qua, sẽ áp dụng từ tháng 6-2023, ai cũng nói dân Hàn sẽ trẻ ra 1 đến 2 tuổi. 

Cách thứ hai được Chính phủ Hàn Quốc sử dụng trong tính tuổi nghĩa vụ quân sự hay tính đủ tuổi để được hút thuốc, uống rượu. Thế nhưng từ năm 1960, họ cũng đã sử dụng cách thứ ba để tính tuổi trên hồ sơ bệnh án hay trên các loại giấy tờ chính thức.

Lấy ví dụ anh chàng ca sĩ Psy với bài Gangnam Style nổi tiếng. Sinh ngày 31-12-1977, theo cách tính tuổi thứ nhất, anh được 46 tuổi; theo cách thứ hai, tuổi của anh là 45; còn theo cách thứ ba, tức cách quốc tế sẽ áp dụng từ nửa năm sau, anh ta mới chỉ 44 tuổi.

Cuối năm bấm đốt ngón tay... - Ảnh 2.

Tài khoản TikTok @kabadoofficial giải thích cách tính tuổi của Hàn Quốc và quốc tế cho người sinh ngày 10-10-2010 (tính đến tháng 9-2021).

Nếu ai đó định nói sao tính toán gì phức tạp và rắc rối thế, hãy nhìn lại cách tính tuổi ở Việt Nam xem sao. Với đa số người dân lớn tuổi ở nước ta, hỏi tuổi họ, họ cũng tự động cộng thêm 1 tuổi khi lấy năm hiện tại trừ cho năm sinh để ra tuổi - gọi là tuổi ta hay tuổi mụ. 

Lập luận nghe cũng có lý: trẻ nằm trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày không lẽ không tính, nên trẻ sinh ra được coi như có sẵn 1 tuổi rồi. Với lại người xưa đâu đã có khái niệm số zero.

Cái thứ nhì, trai tráng thanh niên, đôi khi cả người lớn tuổi, khi được hỏi sẽ lấy năm hiện tại trừ năm sinh để ra tuổi, không tính tháng, không kể ngày. Vì thế một người sinh tháng 1-2000 và một người sinh vào tháng 12-2000 đều là 22 tuổi vào thời điểm cuối năm 2022. 

Người Việt, cũng như một số nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, đều tính thêm 1 tuổi vào đầu năm mới. Đó là bởi tuổi của họ gắn với một năm trong chu kỳ 60 năm (thiên can, địa chi) như Giáp Thân, Bính Tý, Kỷ Dậu. Tuổi Canh Dần là tính cho nguyên cả năm âm lịch, chứ không lẽ với người sinh tháng 8 thì trước tháng 8 là tuổi Kỷ Sửu mà sau tháng 8 mới là Canh Dần? 

Cách thứ nhì cũng áp dụng chính thức trong một số trường hợp như tính tuổi vào lớp 1. Như vậy, Việt Nam cũng đã có hai cách tính tuổi như hai cách đầu của Hàn Quốc.

Cách thứ ba, tính tuổi theo ngày sinh, Việt Nam có áp dụng chưa? Có đấy, rất phổ biến nữa là đằng khác. Trong một số vụ án, chúng ta có thể nghe nói cậu thanh niên đó thoát án nặng vì còn thiếu 2 tháng nữa mới đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. 

Trong Bộ luật dân sự, quy định về tuổi rất rõ ràng; ví dụ, "Việc thay đổi họ cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó". Lưu ý cụm từ "từ đủ", trong đó "từ đủ x tuổi" được hiểu là từ sinh nhật thứ x của người ấy. Người sinh ngày 20-9-2000 thì ngày 20-9-2009 sẽ được xem là đủ 9 tuổi và từ ngày đó trở đi được xem là từ đủ 9 tuổi. Trong lãnh vực này, luật pháp phân biệt rất rõ các khái niệm "từ đủ", "từ", "chưa đủ", "dưới"… nhưng vì nó đi sâu vào các khái niệm chuyên môn nên không giới thiệu ở đây.

Cách tính tuổi theo ngày sinh trong luật pháp rất phổ biến, từ tính tuổi nghĩa vụ quân sự đến tuổi thành niên, từ tuổi kết hôn đến tuổi giao dịch dân sự… Tuy nhiên, cũng có trường hợp luật chỉ quy định tuổi tính theo năm dương lịch, ví dụ trong Luật giáo dục, "Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học, từ lớp 1 đến hết lớp 5. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 6 tuổi và được tính theo năm", tức không tính đến ngày sinh.

Cuối năm bấm đốt ngón tay... - Ảnh 3.

2 cách tính tuổi của người sinh ngày 15-6.

Hàn Quốc thay đổi cách tính tuổi vì ba cách cũ được sử dụng phổ biến như nhau nên dễ gây lúng túng. Vậy Việt Nam có nên thống nhất một cách tính tuổi không? Thiết nghĩ là không cần vì hai cách đầu chỉ là việc tính tuổi không chính thức, trong cuộc sống hằng ngày. 

Khi cần sự chính xác, luật pháp đã quy định rõ như trong Luật giáo dục, Luật phòng chống tác hại của rượu bia (cấm "người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia"), hay Luật nghĩa vụ quân sự năm ("Độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi").

Hàn Quốc nói là sẽ thống nhất cách tính tuổi, nhưng nhiều tờ báo Hàn Quốc cũng dự đoán người dân sẽ tiếp tục dùng cách tính "tuổi mụ" như trước; có chăng là thay đổi cách tính tuổi nghĩa vụ quân sự, tuổi uống rượu bia, hút thuốc lá. Mà cái này thì Việt Nam đã quy định theo ngày sinh rồi. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận