Con ông Hà bón cơm cho cha khi trở về đoàn tụ với gia đình - Ảnh: DOÃN HÒA
Qua mạng xã hội, họ may mắn tìm được người thân đã mất trí nhớ đang lưu lạc ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị cách nhà gần 400km.
Ngày đoàn tụ gia đình của người đàn ông khỏe mạnh năm nào giờ đã là cụ ông gần 70 tuổi ngập tràn trong nước mắt hạnh phúc.
Chuyến đào vàng định mệnh
Những ngày này, căn nhà cấp bốn của bà Trần Thị Hồng (44 tuổi, ở cuối thôn Phương Thảo, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đông hơn thường ngày. Bà con lối xóm đến chật kín khi hay tin ông Trần Văn Hà, cha bà Hồng, trở về sau hơn 23 năm mất tích.
Mọi người đều vui mừng, bởi ai cũng nghĩ ông Hà "đã chết đâu đó rồi" trong các bãi vàng rừng thiêng nước độc.
Ông Hà là con trai đầu trong gia đình có 6 anh chị em. Bên ấm chè xanh, ông Trần Văn Tân (57 tuổi, em trai ông Hà) kể ông Hà nhập ngũ năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị. Xuất ngũ, ông về quê lập gia đình với người con gái xóm bên và sinh được 5 người con gái.
Nhà đông con, lại ở vùng đất khô cằn sỏi đá nên dù đầu tắt mặt tối làm ruộng quanh năm, vợ chồng ông Hà vẫn không đủ đắp đổi qua ngày.
Cuộc sống khó khăn, đầu năm 1997 khi cơn sốt đào vàng ở Tây Nguyên nở rộ, ông Hà đã theo 9 người đàn ông cùng xóm vào Lâm Đồng khai thác vàng.
"Anh tôi đi phu vàng lúc mới 45 tuổi. Trước ngày đi, anh nói với mẹ và tôi rằng: Con đi đào vàng kiếm tiền nuôi con, chưa biết ngày về. Nếu có bất trắc, mẹ và em lo giúp các cháu" - ông Tân nhớ lại.
Nào ngờ đó cũng là những lời dặn dò cuối cùng với gia đình của ông Hà. Một đêm mưa gió, 9 người đàn ông lên xe đò vào Lâm Đồng mang theo hi vọng đổi đời. Vậy nhưng giấc mơ thoát nghèo vỡ vụn.
Chưa đầy 6 tháng sau, 8 người đàn ông trở về với dáng vẻ tiều tụy, riêng ông Hà thì không. Bà Nguyễn Thị Vinh - vợ ông Hà, một nách nuôi 5 đứa con - như ngã quỵ khi hay tin chồng biệt tích.
Những người đi cùng ông Hà trở về kể rằng điều kiện làm việc tại mỏ vàng quá kham khổ, bị đánh đập tàn nhẫn nên chỉ làm được vài tuần ông Hà đã bỏ đi. Và không ai biết ông đi đâu, về đâu.
Ông Trần Văn Tân - em trai ông Hà - xúc động khi gặp lại được anh trai sau 23 năm xa cách - Ảnh: DOÃN HÒA
Mòn mỏi tìm cha!
Sau đó anh em, họ hàng dò hỏi nhiều nơi và bỏ công vào miền Nam, tìm khắp các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu... nhưng cũng không có tung tích gì về ông Hà. Hễ có bất kỳ thông tin về ông nào đi lạc ở đâu đó, gia đình ông đều lặn lội đến tận nơi để xác tín.
Chồng bà Hồng - ông Nguyễn Hữu Bảy (49 tuổi), cũng là con rể đầu của ông Hà - nhớ lại từ ngày đầu tới nhà vợ đến lúc cưới nhau chỉ thoáng nghe "cha đang đi làm ăn xa, chưa về". "Sau đó, tôi mới biết cha vợ tôi mất tích khi đi đào vàng ở Tây Nguyên" - ông Bảy kể.
Năm 2007, dành dụm được ít tiền, ông Bảy và người chú là ông Tân bắt đầu đi tìm ông Hà với kế hoạch "dài hơi hơn". Suốt một tháng ròng hai chú cháu tìm về bãi vàng năm xưa, đến những nơi đông người như chợ búa, ga tàu, bến xe... ở các tỉnh Tây Nguyên để tìm, song kết quả vẫn là những cái lắc đầu.
Kể từ thời điểm đó, gia đình, con cái ông Hà đinh ninh "ông đã chết ở bãi vàng hoặc đâu đó". Ngày ông ra đi, con gái út chưa được 1 tuổi, vợ ông phải thay chồng cáng đáng ruộng vườn nuôi dạy các con.
Mòn mỏi chờ tin chồng và lao lực nuôi con, bà Vinh đổ bệnh, qua đời ở tuổi 53. Do ông Hà mất tích đã lâu, trong sổ hộ khẩu gia đình cũng không còn tên ông vì mọi người đều nghĩ rằng ông đã chết.
"Gia đình tôi hi vọng một phép mầu đưa cha trở về, nghe ở đâu, ai nói tin tức gì về cha là anh em, con cháu đều lặn lội đến tìm. Sau này tin tức thưa dần rồi rơi vào im lặng, gia đình tôi cũng dần hết hi vọng" - chị Trần Thị Huế, 39 tuổi, con gái thứ hai của ông Hà, nhớ lại.
Tuy nhiên bao năm qua, ở các đám giỗ hay lễ tế dòng họ, gia đình ông Hà chưa lập bàn thờ chiêu hồn, mà chỉ báo cáo tổ tiên rằng ông Hà "đi làm ăn xa".
Trang FB tìm thấy người thân cho ông Hà - Ảnh: Doãn Hòa
Đoàn viên nhờ... mạng xã hội
Các con thương nhớ cha, mọi chuyện tưởng chừng tuyệt vọng cho đến một ngày đầu tháng 9 này.
Trưa 5-9, bà Đặng Thị Huyền - vợ ông Tân - dùng mạng xã hội Facebook thì thấy một người đăng tin tìm người thân cho người đàn ông vô gia cư đang sống lang thang ở thị trấn Lao Bảo: "Tìm người thân cho chú có hình ảnh này. Ai là người thân của chú thì đến đem chú về".
Đoạn video ngắn chưa đầy phút quay cảnh cụ ông gầy gò ăn tô bún ngon lành. Người phụ nữ vừa quay vừa ân cần hỏi: "Chú ăn tô bún có ngon không? Chú ăn xong rồi con đưa quần áo mới cho chú mặc".
Nghi người đàn ông trong video là anh rể, bà Huyền gọi chồng: "Ông xem, đây có phải anh Hà nhà mình không?".
"Lúc đầu tôi chưa dám nhận anh trai vì tóc người đàn ông đó tốt quá. Tôi có nhờ người quay video cắt tóc để nhận ra vết sẹo trên đầu từ lúc anh trai tôi bị thương khi đi lấy củi làm than cho vợ sinh năm 1993. Đây chính là vết sẹo của anh mà tôi nhớ nhất" - ông Tân nhớ lại.
Sáng sớm 7-9, vượt quãng đường gần 400km từ Nghệ An vào Quảng Trị, ông Tân và cháu gái đã gặp được người đàn ông trong video. Dù hàng chục năm trôi qua nhưng qua nét mặt, hình dáng và cử chỉ, ông Tân khẳng định rằng người đàn ông này là anh trai mình mà cả gia đình đang tìm kiếm.
Phút giây trùng phùng anh em, cha con sau hơn 20 năm xa cách ngập tràn nước mắt mừng tủi. Thế nhưng thời gian lang thang đất khách quê người cộng với di chứng từ chiến tranh dường như xóa nhòa những ký ức của ông Hà. Ông đã không nhận ra hai người trước mặt mình là em trai và con gái mình.
Gặp cha, chị Hằng bật khóc nức nở, vừa thương cha sống cảnh lang thang vừa mừng vì đã tìm được cha mình sau hàng chục năm mất tích. 23 năm rời nhà ra đi, nay ông Hà trở về cảnh vật đã đổi thay, cha mẹ ông, vợ ông... cũng đã lần lượt qua đời.
Ông Nguyễn Khánh Thành - bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân - cho biết việc ông Hà đoàn viên với gia đình là chuyện hi hữu ở địa phương. Trước đây gia đình có trình báo xã chuyện ông Hà đi đào vàng rồi mất tích, nhưng lâu nay cũng không có tin gì.
Trước mắt, xã đang giao cho công an làm thủ tục hồ sơ, giấy tờ tùy thân, các chế độ chính sách để ông Hà sớm hòa nhập cộng đồng.
10 năm sống vạ vật ở Lao Bảo
Bà Nguyễn Thị Loan (45 tuổi) - người đăng tin tìm người thân cho ông Hà - chia sẻ ông có vấn đề về tâm thần, đến thị trấn Lao Bảo cách đây khoảng 10 năm. Bản thân ông Hà không nhớ rõ tên tuổi, quê quán, người thân của mình. Ông sống lang thang ở thị trấn, gặp đâu ngủ đó, ai cho gì thì ăn nấy.
Ngày 31-8, bà Loan đã đưa hình ảnh cùng một số thông tin của ông Hà lên mạng xã hội, mong tìm được người thân cho ông và thông tin đã đến được với người thân của ông ở Nghệ An.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận