Cuộc trở về đất Việt của Georges Boudarel

NGUYỄN NGỌC GIAO (*) 05/02/2020 08:02 GMT+7

TTCT - Di nguyện của nhà Việt học là một phần tro cốt của ông được rải trên xứ sở mà ông yêu hết lòng. Tôi xúc động đưa một phần di cốt người bạn cố tri của mình về hòa vào đất và nước Việt Nam.

 Georges Boudarel thời trẻ.

 Cách đây 12 năm đúng, kể chuyện cuộc đời của nhà Việt học Georges Boudarel trên báo Tuổi Trẻ (tháng 2-2008), tôi đã nói lên ước nguyện của Boudarel, cũng là của chung các bạn người Pháp, Việt Nam, Mỹ, Đức… trong Hội những người bạn của Boudarel (Les Amis de Boudarel), là một ngày kia đưa phần tro cốt còn lại của người đã khuất về nước để hòa nhập vào đất và nước Việt Nam.

Phần nửa di cốt của Boudarel đã được rải ngoài khơi nước Pháp, nơi ông ra đời năm 1926, trong một gia đình nông dân Công giáo Saint-Etienne. Các bạn trong hội đã trao cho gia đình tôi trọng trách gìn giữ phần còn lại tại nhà, đợi ngày hoàn thành ý nguyện của người đã khuất.

Bu Đa, như chúng tôi quen gọi, từ trần cách đây gần 17 năm. Xếp bình tro từ bàn thờ vào hành lý, tôi xúc động nhớ tới cuộc đời thăng trầm của người bạn cố tri, hơn tôi đúng hai giáp tuổi, mà toàn bộ, từ tuổi hai mươi đến cuối đời (gần bát tuần) đã dành trọn cho Việt Nam, khởi đầu và xuyên suốt cuộc đời là cho cuộc kháng chiến giành độc lập, sau đó là cho nghiên cứu lịch sử, xã hội, văn hóa Việt Nam.

Tôi không khỏi mỉm cười khi nâng bình tro khỏi tủ bàn thờ. Cách đây hơn mười năm, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến sang Pháp, đến thăm nhà chúng tôi. Như thường lệ, thường khi có bạn từ trong nước sang, tôi hỏi anh cần đi đâu, thăm ai, tôi có thể làm Grabber cho anh. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến mở cặp, mang ra một bó nhang, nói: “Trước khi tôi đi, anh Tô Hoài đưa tôi bó nhang này và trao cho tôi nhiệm vụ: sang Pháp phải đi tìm cho được ngôi mộ Boudarel, thắp cho anh ấy một nén nhang”. Chúng tôi cười, mời anh quay lại phía sau: “Mộ Bouda là đây”.

 

 Georges Boudarel

Tình nghĩa giữa tác giả Nhà nghèo, O Chuột và nhà sử học Pháp đã bắt đầu từ chiến khu Việt Bắc đầu thập niên 1950, và thắt chặt khi Boudarel dịch tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Qua bản dịch của Boudarel, chú Dế Mèn, chị Dậu và nhiều nhân vật của văn học Việt Nam đã đến tay bạn đọc Pháp, rồi từ bản dịch qua những ngôn ngữ khác, đến với bạn đọc năm châu…

Rời Trường trung học nữ Marie-Curie Sài Gòn ra chiến khu D cách đây 70 năm, Boudarel được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sắp xếp làm việc ở Ban Pháp ngữ Đài Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn Tự Do, sau đó lên Việt Bắc, công tác ở Cục Địch vận. 

Hòa bình lập lại, ông làm việc ở Nhà xuất bản Ngoại Văn (nay là Nhà xuất bản Thế Giới), công tác biên tập và biên dịch. Trong không khí bất hòa của phong trào cộng sản quốc tế, Boudarel và những đồng chí người Âu tham gia kháng chiến đã trở về châu Âu trong những năm 1964-1965. Nhưng với bản án treo tử hình của Tòa án quân sự Pháp (1952), ông không thể trở lại Pháp, phải tạm trú ở Praha, làm việc cho Liên đoàn Công đoàn Thế giới (FSM) .

Cuối năm 1967, tổng thống De Gaulle ký sắc lệnh ân xá cho mọi vụ việc liên quan tới “chiến sự Đông Dương và Algérie” (một cách êm thắm để làm hòa với phe cực hữu từng âm mưu ám sát De Gaulle khi ông đàm phán trao trả độc lập cho Algérie). Boudarel về Pháp, bắt đầu giai đoạn học thuật: biên soạn luật án sử học về Phan Bội Châu, giảng dạy và nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam tại Trường đại học Denis Diderot (Paris 7). 

Song song với những công trình nghiên cứu đã tạo ra uy tín quốc tế của nhà Việt học là những công việc âm thầm, thiết thực ủng hộ Việt Nam như gửi sách báo về cho các cơ quan nghiên cứu, viết báo giải thích tình hình Việt Nam, biên tập 500 trang sách in về chế độ lao tù của chính quyền Mỹ - Thiệu…

Năm 1950, ra chiến khu, giáo sư triết học 24 tuổi chọn bí danh tiếng Việt là Đại Đồng. Nhưng khi ông tự giới thiệu “Tôi là Đái Đồng” thì các đồng chí Việt Nam khuyên ông cứ giữ tên Pháp, gọi tắt là Bu Đa cho gọn. Bu Đa trong tiếng Pháp đồng âm với Bouddha, là Phật, là Bụt, hợp với tính tình chân thực, nụ cười hiền hòa nên cho đến cuối đời ông, các đồng nghiệp trong giới sử học quốc tế và các đồng nghiệp ở Trường đại học Diderot vẫn giữ tên gọi Bouda thân thương này.

Năm 1991, lẽ ra cuối năm Bouda vừa đúng 65 tuổi, sẽ về hưu, sống cuộc đời an nhiên của một học giả, nhưng lại là năm khối Đông Âu sụp đổ, chiến tranh Iraq lần thứ nhất bùng nổ, phái tả tiến bộ ở phương Tây khủng hoảng, không ít người chao đảo. 

Sóng gió bất ngờ ập tới: Boudarel bị một nhóm cựu quân nhân Pháp, tù binh cũ vu cáo là “đao phủ trại tù 113 Việt Bắc” và khởi kiện vì “tội ác chống nhân loại”. Cả một cuộc “bề hội đồng” trên báo đài suốt mấy tháng trời. Không phải ngẫu nhiên mà Bouda đột quỵ hai lần liên tiếp. Một năm bệnh viện, rồi nhà dưỡng lão cho đến cuối đời. 

Bạn bè của ông, đứng đầu là thầy tôi, nhà toán học Laurent Schwartz (giải Fields 1950), thành lập Hội những người bạn của Boudarel để bảo vệ ông, chăm sóc sức khỏe vật lý và tinh thần của nhà Việt học. 

Vụ kiện “tội ác chống nhân loại” chìm xuồng khi Tòa án Pháp bác bỏ đơn kiện. Một vụ án thứ hai, người bạn chúng ta thắng kiện: Nhà nước Pháp phải tính cả những năm làm việc ở Việt Nam của Bouda vào bảng lương hưu.

Hằng tuần, chúng tôi vào thăm Bouda trong nhà dưỡng lão. Lần nào cũng như lần nào, giọng khàn khàn (thanh quản bị hư vì mấy tháng ăn uống qua ống) thì thào: “Comment va le Vietnam?” (Việt Nam ra sao rồi?).

Tháng giêng này, chúng tôi sẽ cùng những người đồng chí già của Bouda, cụ Tư Hiếu (Đài Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn Tự Do), Hữu Ngọc (Cục Địch vận, Nhà xuất bản Ngoại Văn) gửi những nắm di cốt cuối cùng cho dòng chảy của sông Bé và sông Hồng. 

Khúc sông Bé thuộc chiến khu D là nơi di chuyển của Đài Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn Tự Do, nơi Bouda làm việc ở Ban tiếng Pháp. Kỹ thuật viên của đài năm 1951 là một thanh niên 20 tuổi, sau này là giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, nay đã về hưu. Bước sang tuổi 90, cụ Tư Hiếu còn đủ tráng kiện trở lại chiến khu để hướng dẫn chúng tôi. Ở Hà Nội, nhà văn hóa Hữu Ngọc, cùng làm việc với Bouda ở Cục Địch vận 1952-1954, và sau này ở Nhà xuất bản Ngoại Văn (nay là Nhà xuất bản Thế Giới), nay đã 101 tuổi tròn. 

Tuổi cao và sức khỏe không cho phép cụ Hữu Ngọc đưa chúng tôi lên núi rừng Việt Bắc. Cụ sẽ cùng chúng tôi rải phần tro cuối cùng của nhà Việt học xuống sông Hồng, tại thủ đô Hà Nội, nơi Bouda rời Việt Nam trên đường dài trở về cố quốc năm 1964.

 

 Georges Boudarel (người mặc comple, đeo cravat) cùng các đồng nghiệp Ban Pháp ngữ và Anh ngữ của Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội 1955).

Như thế, những người bạn của Boudarel, những người hiện sống ở Paris, TP.HCM, một cách tượng trưng, sẽ đi lại hành trình 2.000km của Georges Boudarel 70 năm về trước, từ Lycée Marie Curie Sài Gòn qua sông Bé, lên sông Hồng.

Từ đây, Bouda của chúng ta sẽ ngày đêm lắng nghe sông nước trả lời cho câu hỏi: “Việt Nam ra sao rồi?”.■

(*): Tác giả Nguyễn Ngọc Giao, du học và sống ở Pháp từ năm 1958, giảng dạy toán học tại Trường ĐH Denis Diderot (Paris 7). Ông hoạt động trong phong trào Việt kiều tại Pháp, tổng thư ký Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp (1965), phó tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp (1976), biên tập viên và tổng biên tập của các báo Việt ngữ Tìm Hiểu, Khoa Học Kỹ Thuật, Liên Hiệp, Đoàn Kết, Diễn Đàn, và tạp chí Pháp ngữ Vietnam. Ông làm phiên dịch viên cho Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong thời gian Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) và dịch tác phẩm của một số tác giả Việt Nam (Bùi Ngọc Tấn, Văn Tiến Dũng, Ý Nhi, Nguyễn Quang Thiều…) sang tiếng Pháp.

Georges Boudarel từ trần ở tuổi 77 và được hỏa táng. Theo ý nguyện của ông, một phần di cốt đã được rải ở ngoài khơi nước Pháp (cửa sông Seine). Phần còn lại đã được đưa về Việt Nam, và đầu tháng 2-2020 sẽ được rải theo dòng sông Bé và sông Hồng.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận