12/04/2019 12:13 GMT+7

Cuộc trở về của giáo sư Gábor

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - 30 năm trôi qua, nhưng với giáo sư Vargyas Gábor - nhà nghiên cứu dân tộc học người Hungary, mới như hôm qua. Ông bước vào ngôi nhà truyền thống người Bru - Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thân thuộc như người nhà.

Cuộc trở về của giáo sư Gábor - Ảnh 1.

Ông Gábor chụp cảnh bản Đông Chô năm 1989 - Ảnh: QUỐC NAM chụp lại

Ông đang loay hoay chuẩn bị cuộc trưng bày hình ảnh do chính mình chụp về văn hóa tộc người Bru - Vân Kiều 30 năm trước, thì một đoàn người mặc trang phục Vân Kiều bước vào. Ông nhận ra ngay một phụ nữ đã lớn tuổi trong họ...

"Thời gian thú vị nhất đời tôi"

Pỉ Toàn là tên người phụ nữ này. Tròn 30 năm giáo sư Gábor mới gặp lại bà, nên cả hai đều cùng lạc mất vài giây trong hồi ức. Ông choàng cánh tay to lớn níu chặt vai Pỉ Toàn về phía mình như hai người thân trong gia đình lâu lắm mới gặp. Ông Gábor nói đó là câu chuyện dài đến hơn một năm rưỡi khó quên của đời mình.

Năm 1987, giáo sư Gábor xách balô từ Hungary qua VN và lên vùng rừng núi Hướng Linh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - nơi cách Khe Sanh một ngày đi bộ - nghiên cứu thực địa kéo dài hơn một năm rưỡi về cộng đồng người Bru - Vân Kiều. Và lập tức ông phải đối mặt vô số trở ngại.

Ông kể thời điểm đó, vùng đất này được xem là một trong những nơi ít được biết đến nhất trên bản đồ dân tộc học và ngôn ngữ học thế giới. Ông phải làm quen với những chiếc cầu treo không dành cho cân nặng người châu Âu. "Không điện, đài, đường nhựa, điện thoại, cửa hàng hay trạm y tế. Không một sản phẩm nào của nền văn minh phương Tây xuất hiện ở đó. Tôi đã sút 20 ký ngay hai tháng đầu điền dã" - ông Gábor hồi tưởng.

Cuộc trở về của giáo sư Gábor - Ảnh 2.

Gábor trở về lại Hướng Linh sau 30 năm, dân bản coi Gábor như người nhà - Ảnh: TRỌNG LÊ

Nơi ông Gábor đến đầu tiên là bản Đông Chô (tên một bản xưa ở Hướng Linh gọi theo cách người bản địa), lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi. Ông Gábor không thể tự dựng nhà riêng để ở và được một gia đình đồng ý cho ở nhờ. Ông nhớ mãi mình ở trong nhà sàn tre hai gian với 5 người. Chủ nhà, hai người vợ và hai con nhỏ. Không có bàn ghế. Tất cả ngủ trên sàn tre. Cạnh bếp lửa luôn bốc khói.

Ngôi nhà Gábor nhắc đến chính là nhà Pỉ Toàn - người đang đứng trước mặt ông bây giờ. Cũng không phải dễ để Gábor gặp lại được Pỉ Toàn lần trở về này. Từ khi ông rời đi, Pả Toàn, chồng Pỉ Toàn, cũng mất. Cô lấy người chồng mới ở Lào và rời bản cũ. Qua nhiều mối quan hệ, Gábor mới liên lạc được với Pỉ Toàn để về Khe Sanh gặp lại.

Tròn 30 năm, hai người từng ở chung mái nhà đó mới gặp lại nhau. Nhưng bàn tay luôn siết chặt của họ khiến những người có mặt ngỡ như họ vẫn gặp nhau thường xuyên.

Như chợt nhớ điều gì đó, Gábor dắt Pỉ Toàn đến gian phòng treo những bức ảnh ông chụp cộng đồng người Vân Kiều 30 năm trước. Ông dừng chân ở bức chân dung một phụ nữ Vân Kiều đang ngồi trong nhà sàn. Dưới ảnh ghi sẵn dòng chữ Việt: "Mẹ Toàn". Đó chính là ảnh ông Gábor chụp Pỉ Toàn 30 năm trước. Bất ngờ, ông Gábor cúi xuống hôn má Pỉ Toàn, khiến những người có mặt ở buổi trưng bày ảnh không khỏi xúc động!

"Nó ảnh hưởng đến cả đời tôi sau này. Đó là khoảng thời gian thú vị nhất đời tôi" - Gábor nói.

"Họ đã coi tôi như người nhà"

Giáo sư Vargyas Gábor có khuôn mặt thân thiện, ông nói tiếng Việt không sành nhưng tiếng tộc Vân Kiều lại khá tốt nhờ thời gian sống chung. 30 năm qua, ông vẫn không quên thứ ngôn ngữ riêng biệt này.

Vừa trở lại Hướng Hóa, việc đầu tiên ông làm ngay là tìm lại những bản làng Vân Kiều mà mình từng sống chung - dù thời gian ông có rất ngắn. Ông đã nhờ cán bộ Phòng văn hóa thông tin huyện đưa trở lại Hướng Linh tìm những mảnh kỷ niệm. Ông Nguyễn Phú Sơn, trưởng Phòng văn hóa thông tin Hướng Hóa, kể ông Gábor háo hức như thể về lại chính nhà mình sau nhiều năm xa cách. "30 năm. Nhiều thứ thay đổi. Chỉ một thứ không thay đổi là tình cảm của Gábor dành cho người Bru - Vân Kiều và ngược lại" - ông Sơn nói.

Cuộc trở về của giáo sư Gábor - Ảnh 3.

Gábor trở về lại Hướng Linh sau 30 năm, dân bản coi Gábor như người nhà - Ảnh: TRỌNG LÊ

Gábor về bản Của, một bản ở xã Hướng Tân, tìm người bạn cũ khác tên Pả Nghệ, người hồi ông ở bản Đông Chô đã từng gắn bó. Đây là nơi Pả Nghệ chuyển đến sống sau khi rời bản Đông Chô. Đến được nhà Pả Nghệ, ông Gábor không cầm được nước mắt vì hoàn cảnh của bạn. Pả Nghệ lên núi ở một mình trong ngôi nhà che bằng tôn nhỏ vừa đủ chiếc giường. Ông Gábor đã khóc suốt quãng đường trở lại Khe Sanh buổi chiều hôm đó vì thương bạn.

Hôm sau, ông Gábor ngược lên bản Cu Vơ, cách Hướng Linh mấy ngọn núi, nơi ở mới của dân bản Đông Chô khi di dời để nhường đất cho dự án thủy điện. Xe vừa dừng, người đàn ông cao lớn bước xuống.

Pả Hương - già làng - nhận ra ngay ông Gábor. Hai người ôm chầm nhau giữa đường. Chỉ vài chục phút, cả bản Cu Vơ đã tập trung đông nghịt. Gần như cả bản đều nhớ ông Gábor. Pả Hương nói chỉ lứa trẻ sau này chưa kịp biết, chứ những người đứng tuổi trở lên đều nhớ bạn phương Tây. Và ông Gábor cũng nhớ, gọi tên rành rọt từng người bạn cũ. "Xa lâu đến rứa mà Gábor còn nói chuyện được bằng tiếng Vân Kiều là đủ để dân bản yêu quý rồi" - Pả Hương cười vui.

"Họ đã coi tôi như người nhà. Dù tôi tới từ nền văn hóa khác, đất nước khác nhưng họ chấp nhận và yêu quý tôi. Tôi được coi như công dân cộng đồng và tham gia mọi hoạt động cùng họ. Thậm chí đến giờ gặp lại, họ vẫn nhớ tôi thích ăn cay" - ông Gábor xúc động.

Vargyas Gábor là giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á lục địa và Papua New Guinea. Từ năm 1985-1989, ông đã dành hơn một năm rưỡi sống cùng người Vân Kiều xã Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị) để nghiên cứu đời sống, sinh hoạt văn hóa gốc tộc người Bru - Vân Kiều. Ông chụp được nhiều ảnh phong tục, nghi lễ, nghi thức cổ xưa của họ và viết cuốn sách Bất chấp định mệnh.

gabor 3 2(read-only)

Ông Gábor chụp chung với một phụ nữ Vân Kiều ở bản Đông Chô năm 1987 - Ảnh: NV cung cấp

Đây là dự án hợp tác giữa Bảo tàng Dân tộc học VN và Nesprajzi Múzeum, Bảo tàng Dân tộc học Hungary.

Món quà của ông Gábor

Lần trở về này, ông Gábor mang theo gần 200 bức ảnh in trên 75 tấm panô về văn hóa người Vân Kiều mà 30 năm trước ông đã chụp, để trưng bày tại nhà sinh hoạt cộng đồng người Vân Kiều ở Hướng Hóa.

gabor 1 5(read-only)

Ông Gábor dẫn Pỉ Toàn (bìa trái) xem lại ảnh chụp 30 năm trước - Ảnh: Q.N.

Ông tặng luôn cho huyện bộ ảnh cùng cuốn sách "Bất chấp định mệnh" ông viết về văn hóa người Bru - Vân Kiều để lưu giữ nét văn hóa truyền thống. Ông muốn những người bạn Vân Kiều đừng bao giờ quên văn hóa của riêng mình.

Ông Balazs Aron - bí thư thứ nhất phụ trách văn hóa, giáo dục và truyền thông Đại sứ quán Hungary tại VN, nói những bức ảnh của Vargyas Gábor đã được trưng bày nhiều nơi ở Hungary: "Và cuối cùng, chúng tôi mang những bức ảnh này về đúng nơi nó thuộc về".

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên