Trụ sở Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là trường hợp của ông Quách Cường - phó bí thư thường trực Đảng ủy, ủy viên hội đồng quản trị Saigon Co.op và bà Hồ Mỹ Hòa - ủy viên ban thường vụ Đảng ủy, ủy viên hội đồng quản trị, giám đốc Phòng tài chính Saigon Co.op.
Đối thoại cùng Tuổi Trẻ, ông Quách Cường chia sẻ: "Nhận thông tin Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương không thi hành kỷ luật, tôi rất bất ngờ. Không chỉ tôi, tập thể anh em rất mừng và rất phấn khởi bởi trung ương thấy được bản chất vấn đề, sự việc và tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục phấn đấu...".
Xác định chắc chắn bị kỷ luật, nhưng...
* Thưa ông, ông nói bất ngờ khi không bị kỷ luật, có nghĩa là tâm trạng lúc đó của ông đã sẵn sàng chấp nhận án kỷ luật?
- (Ông Cường thở dài) Tâm trạng của tôi lúc đó khỏi nói rồi. Khi UBKT trung ương xuống làm việc, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, trong thâm tâm tôi nghĩ với sự việc và mình có những vi phạm, khuyết điểm như thế chắc chắn phải bị kỷ luật, ít nhất đến mức cảnh cáo, không thể nào thoát khỏi. Tôi đã sẵn sàng chịu án kỷ luật.
Thậm chí, tôi cũng nói với mấy anh kiểm tra rằng tôi ở vị trí này rồi, dù không phải chủ mưu nhưng với việc không hiểu vấn đề và bị dẫn dắt để xảy ra vi phạm như thế thì không xứng đáng ở vị trí này nên sau án kỷ luật tôi cũng xin từ chức.
Khi ấy tôi được động viên, và động viên tích cực nhất, giá trị nhất với tôi đến lúc này là không kỷ luật.
* Như ông nói, ông đã sớm nhận ra vi phạm, lý do nào để ông có động thái đấu tranh và báo cáo vụ việc cho cơ quan cấp trên?
- Phải nói rõ không phải ngay từ đầu tôi đã thấy mình có vi phạm. Lúc đó doanh nghiệp cần vốn nên tập thể rất thống nhất chủ trương huy động thêm. Vấn đề nằm ở cách huy động vốn mà tôi không biết nên khi có kết quả huy động, tôi cũng dự đại hội và biểu quyết đồng tình số tiền huy động được.
Sau đó, anh em thấy số tiền huy động quá lớn, trong khi một số thành viên (hợp tác xã) làm ăn thua lỗ, không thể có số tiền lớn như vậy.
Lúc đó tôi mới bắt đầu gặp gỡ nhiều thành viên khác để trao đổi vấn đề, xin ý kiến và tổ chức cuộc họp của Đảng ủy doanh nghiệp, dành một ngày để phân tích với anh Dũng (chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng) và yêu cầu công bố danh sách những đơn vị tham gia góp vốn, nhưng anh ấy dứt khoát không chịu vì cho rằng không có thẩm quyền.
Lúc đó tôi và một số anh em mới đề nghị nếu không có thẩm quyền, không thẩm tra được nguồn tiền sẽ không huy động vốn. Kết quả cuộc họp thống nhất là sẽ báo cáo cho Thành ủy và dứt khoát không đưa số tiền huy động vào vốn doanh nghiệp, chờ ý kiến Thành ủy, UBND TP.
HTX tiêu dùng phường 14, quận 8, TP.HCM đã góp vốn "chui" 283 tỉ đồng vào Saigon Co.op - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Tôi thấy may mắn vì sống trong tập thể tốt"
* Chuyện ông kể nghe có vẻ ngắn gọn và đơn giản, nhưng để đứng lên đấu tranh và vạch trần sai sót khi cấp trên có dấu hiệu vi phạm chắc không phải dễ dàng. Ông có bị áp lực gì không?
- Ban đầu cũng áp lực chứ. Nhưng sau khi tôi thấy ra vấn đề, tôi không còn áp lực nữa. Nói thật, lúc đầu tôi rất tin anh Dũng vì anh ấy cũng là thành ủy viên được bổ nhiệm về lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhưng sau này ngồi cùng tập thể phân tích thấy cái sai, tôi mới ủng hộ tập thể. Từ đó tôi mạnh dạn đứng lên cùng tập thể có tiếng nói và phản đối lại những chuyện sai trái. Tôi thấy may mắn khi được sống trong một tập thể tốt.
* Bài học mà ông rút ra được từ sự việc này là gì, thưa ông?
- Bài học quan trọng nhất tôi nhận ra vẫn là sức mạnh của tập thể, số đông các thành viên và mình phải biết lắng nghe tiếng nói phản biện.
Nếu không có các thành viên trong ban thường vụ phân tích, tôi sẽ không thể lắng nghe và hiểu được những khuất tất, dấu hiệu vi phạm. Tất nhiên, một phần bản thân tôi cũng không có tiêu cực trong đó, nếu có tiêu cực, thái độ tôi đã khác rồi.
Theo tôi, bài học kinh nghiệm đầu tiên là phải có một tập thể mạnh, đoàn kết và bản thân mình phải biết trái - phải, đúng - sai để mạnh dạn bảo vệ cái đúng và tố cáo cái sai.
Và cũng chính nhờ tập thể, tôi vượt qua những e ngại đụng chạm ban đầu, cũng như cảm giác cô đơn khi chỉ có một người đứng ra hô hào đấu tranh. Niềm tin lớn nhất của tôi lúc đó là số đông và tập thể đã phân tích được cái sai, nếu lẻ mẻ một hai người nhận ra, tôi chưa chắc đã lên tiếng.
Muốn được bảo vệ, cần công khai với tập thể
* Trờ lại vụ việc, theo ông, vì sao lúc đầu anh em trong tập thể lại tự tin đi phân tích cái sai với ông, trong khi với vị trí của mình, ông hoàn toàn có thể cũng là "chủ mưu"?
- Đúng rồi, thật ra là trong quá trình công tác, giải quyết công việc với nhau anh em biết tính cách của nhau và khi nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm anh em mới bắt đầu chia sẻ để tôi xem lại.
Đề cập đến việc này, tôi chỉ muốn nói trong mỗi cơ quan, tập thể phải có một địa chỉ, có thể là tổ chức hay cá nhân đủ thẩm quyền, sẵn sàng lắng nghe tiếng nói từ mọi người để ngăn chặn những cái sai từ khi nó còn manh nha.
* Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo ông, để việc bảo vệ này hiệu quả thì nên như thế nào?
- Những quy định vừa rồi của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra là chủ trương đúng đắn, tạo động lực để mọi người phát huy tinh thần, lên tiếng đấu tranh với các sai phạm.
Các cơ chế, quy định đó cho mọi người thấy bên cạnh cá nhân, tập thể luôn đấu tranh bảo vệ và nếu tham gia sẽ được tập thể bảo vệ. Những chủ trương này cần phải được luật hóa cụ thể để tạo hành lang pháp lý vững cho đội ngũ tự tin lên tiếng nói.
* Bộ Chính trị cũng đã ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Vậy theo ông, cách nào để bảo vệ những nhân tố tích cực này?
- Đã nói đến sáng tạo nó phải đột phá, thoát ra khỏi các quy định, luật lệ. Thành ra vấn đề chấp nhận sự đột phá đó phải hết sức thận trọng, lường trước và phân tích kỹ.
Tập thể phải thấy ra được mặt trái - phải, cái được - cái không được của việc thực hiện ý tưởng sáng tạo, đột phá. Do vậy, bản thân cá nhân có những ý tưởng đó để bảo vệ mình trước hết nên công khai ngay từ đầu với tập thể.
Đừng âm thầm sáng tạo mà cứ nói ra hết. Chính sự công khai này là tấm khiên bảo vệ cho cá nhân người đưa ra ý tưởng. Cá nhân sống trong một tổ chức, cơ quan nên hiểu và sử dụng tối đa sức mạnh tập thể để làm việc và cống hiến.
Nhiều quy định khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân tố cáo các vi phạm
HTX thương mại và dịch vụ quận 11, TP.HCM góp 306 tỉ đồng vào vốn điều lệ năm 2020 của Saigon Co.op - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong những năm qua, nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành đều có những quy định khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện tố cáo tham nhũng, lãng phí như:
- Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nêu rõ: "Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí... Có cơ chế bảo vệ và chính sách khen thưởng về vật chất và tinh thần cho người tố cáo tham nhũng, lãng phí".
Văn kiện Đại hội Đảng XII đặt ra một trong những nhiệm vụ quan trọng là: "có cơ chế, chính sách hữu hiệu để khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ an toàn cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng".
- Hiến pháp 2013 quy định: "Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác".
- Luật tố cáo 2018 quy định các biện pháp bảo vệ gồm: bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm.
- Luật phòng, chống tham nhũng 2018 có quy định bảo vệ người tố cáo theo pháp luật về tố cáo.
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 dành riêng một chương về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác.
- Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị số 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chỉ thị đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải tổ chức triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Năm 2020, Bộ Nội vụ ban hành thông tư 3/2020 quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
Sai phạm: cho người ngoài góp vốn "chui"
Theo kết quả điều tra của Công an TP.HCM, tháng 1-2020 với vai trò chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, ông Diệp Dũng đã chỉ đạo, tổ chức tăng vốn điều lệ cho Saigon Co.op từ 3.180 tỉ đồng lên 6.797 tỉ đồng (tăng thêm hơn 3.600 tỉ đồng).
Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng để góp vốn "chui" vào Saigon Co.op thông qua 20/26 HTX thành viên trong khi theo quy định, chỉ có các HTX thành viên, các xã viên mới được góp vốn để tăng vốn điều lệ cho Saigon Co.op.
Thanh tra TP.HCM đã kết luận việc tăng vốn này là không đúng quy định pháp luật, "có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung" và nguy cơ "sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động".
Tháng 12-2020, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Diệp Dũng để điều tra về tội "lạm quyền trong khi thi hành công vụ".
Gần đây, ngày 4-7 Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định bắt tạm giam đối với ông Võ Thành Trung, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô Thị Mới và ông Tôn Thất Hào, tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đại Á, để điều tra làm rõ những sai phạm xảy ra tại Saigon Co.op.
Động viên đội ngũ dám nói
Ngày 14-7, tại hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã dẫn ví dụ về việc không kỷ luật 2 thành viên ban thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op đã đấu tranh với các sai phạm ngay từ đầu.
Họ cũng cùng tập thể viết thư, đơn cho Thành ủy TP.HCM. "Tôi nói với anh Tú (ông Trần Cẩm Tú, chủ nhiệm UBKT Trung ương - PV), anh làm vậy mới động viên đội ngũ người ta dám nói", bà Mai nói.
Bà Mai cũng nêu việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An khi là phó bí thư đã có ý kiến khác với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận. Bà Mai cho rằng đây là những tấm gương trong quá trình tham gia công việc theo nhiệm vụ được phân công. Phải có những người đấu tranh, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để đảm bảo sự trong sạch, đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng.
Thí điểm thực tiễn cho việc bảo vệ cán bộ
Qua vụ việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ bản thân ông rất trân trọng đối với những cán bộ dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, đặc biệt là dám đấu tranh cho lẽ phải.
Những cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao trước dân hoặc những cán bộ có phẩm chất, có đạo đức, có năng lực, có trình độ và có một tâm huyết trong công việc của mình.
"Tuy nhiên tôi nghĩ rằng số lượng đó không nhiều, mà phần lớn hiện nay là lớp cán bộ tuy cũng có trách nhiệm, cũng dám nói, dám làm nhưng khi đụng vào quyền lợi cá nhân của họ thì chưa dám mạnh dạn, thậm chí chùn bước trước những việc đấu tranh cho lẽ phải.
Nhiều người sợ việc đấu tranh cho nên họ mặc nhiên, "ai chết mặc ai, tiền mình bỏ túi", miễn là mình làm hết trách nhiệm. Họ chưa dám mạnh dạn đấu tranh bảo vệ đồng đội, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân" - ông Hòa chia sẻ.
Cũng theo ông Hòa, quy định của Nhà nước hiện nay về "mẫu" cán bộ rất rạch ròi, cụ thể. Tuy nhiên quy định vẫn là quy định, thời gian qua không ít vụ việc xảy ra về tình trạng cán bộ tiêu cực, vướng vào vòng lao lý, bị đồng tiền cám dỗ.
Những quy định của Ban Bí thư, của Bộ Chính trị đã nói rất rõ ràng: phải có những quy định tuyệt đối bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm. Kết luận đó trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết và quan trọng, xem như một lá bùa hộ mệnh hoặc một "thượng phương bảo kiếm" để bảo vệ lợi ích và phẩm chất của người cán bộ đó trước những cám dỗ.
"Vụ việc của Saigon Co.op vừa qua, tôi rất trân trọng và hoan nghênh tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tố giác của 2 đồng chí trong ban thường vụ đảng ủy.
Chúng ta hay kêu gọi đấu tranh, tố giác, nói như thế nhưng tai thì có nghe đâu, khi những cán bộ làm sai trái vướng phải vòng lao lý bị pháp luật trừng trị thì họ mới ngẫm nghĩ ra, những cán bộ kia từng khuyên đúng nhưng lại bị trù dập.
Tôi nghĩ còn rất nhiều tập thể khác ngoài kia làm việc theo kiểu này. Quyết định của Ủy ban Kiểm tra trung ương chính là một việc đúng đắn, thí điểm thực tiễn cho việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám tố giác" - ông Hòa nói.
Quy định phải cụ thể và thông suốt từ trên xuống dưới
Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) thì chia sẻ cá nhân những người dám đấu tranh với sai phạm ở nơi mà họ công tác thì họ cũng không đồng tình với các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật.
Mà khi họ đã dám lên tiếng, báo cáo với lãnh đạo thì không thể kỷ luật họ mà phải bảo vệ những cán bộ như thế.
Với trường hợp của Saigon Co.op, bà Tuyết chia sẻ Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đánh giá dù họ có tham gia cấp ủy hay là một trong những người đứng đầu tại đơn vị mà đã mạnh dạn đấu tranh và không bị kỷ luật thì chứng tỏ Ủy ban Kiểm tra rất công tâm.
Qua đó làm cho đội ngũ cán bộ công chức vững tâm hơn khi đấu tranh với các sai phạm. Điều đó mang một tinh thần lan tỏa chung rất lớn trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực.
"Hôm trước tôi có một cuộc làm việc với TP thì bộ phận tư pháp cũng có trình bày một ý rất đúng về bảo vệ cán bộ. Đó là phải có quy định cụ thể hơn chứ không đợi tới lúc người ta vướng thì mình lại nói là cái này có thất thoát, có thiệt hại mà thất thoát, thiệt hại thì luật hình sự quy định rất rõ.
Đến lúc đưa ra tòa thì cũng không thể áp dụng những cơ chế bảo vệ gì được nữa" - bà Tuyết cho biết.
Vì thế theo bà Tuyết, để việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm được đúng và hiệu quả thì quan trọng nhất vẫn là những đơn vị đứng đầu như Ủy ban Kiểm tra trung ương, thanh tra hoặc cơ quan điều tra.
Họ phải minh bạch, khách quan và xác định được đâu là những người dám đấu tranh với tội phạm và phải thông suốt các quy định, chặt chẽ từ trên xuống dưới. Không thể cơ quan này nói là sai, cơ quan kia lại nói không sai.
Đồng thời, phải có những quy định phải rất cụ thể, những trường hợp nào họ dám đứng lên đấu tranh thì sẽ được bảo vệ. Nếu chỉ nói chung chung thì khi xảy ra vụ việc không biết áp vào thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận