07/11/2014 08:20 GMT+7

​Cuộc “trình làng” phong phú của sư tử Việt

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Lần đầu tiên có một cuộc trưng bày quy mô lớn các hình tượng linh vật Việt suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Sư tử đá, chùa Bà Tấm, Hà Nội năm 1115 - Ảnh: V.V.Tuân
Sư tử đá, chùa Bà Tấm, Hà Nội năm 1115 - Ảnh: V.V.Tuân

Đó là nhận định của ông Phan Văn Tiến - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - về cuộc triển lãm Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam được khai mạc vào sáng 7-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Nam Định tổ chức.

Nên lập bảo tàng linh vật Việt online

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế kiến nghị nên lập một website “Bảo tàng linh vật Việt online”, cung cấp đầy đủ thông tin về linh vật Việt từ xưa đến nay trong lịch sử dân tộc.

Mỗi linh vật sẽ có những hình ảnh cùng thông tin về lịch sử ra đời, chất liệu chế tác, cách thức tạo hình, đặc điểm, ý nghĩa tâm linh, cách thức bày đặt linh vật... qua từng thời kỳ.

Các nghệ nhân ở làng nghề chế tác linh vật sẽ được tham khảo những mẫu linh vật trên bảo tàng đó, để cho ra đời những sản phẩm linh vật Việt.

Đó cũng là nơi để người dân tìm hiểu, phân biệt linh vật thuần Việt với linh vật ngoại về cả đặc điểm và ý nghĩa văn hóa.

“Đó vừa là giải pháp trước mắt, vừa lâu dài để phổ biến những giá trị truyền thống của cha ông đến thế hệ hôm nay” - nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói. 

Ông Tiến cho biết triển lãm giới thiệu khoảng 60 hiện vật từ thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn - chủ yếu là nghê và sư tử Việt được chế tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng...

Đây đều là những linh vật được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm và bảo quản từ ngày thành lập năm 1966 đến nay. Ngoài ra còn có một số linh vật của Bảo tàng tỉnh Nam Định.

“Bộ sưu tập này hết sức đặc sắc, phong phú và có giá trị về mặt thẩm mỹ cũng như ý nghĩa văn hóa, tâm linh. Đây là những linh vật đi suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc, mang theo những giá trị văn hóa mà ông cha ta từ trăm năm trước để lại.

Mục đích của triển lãm là để nhân dân cũng như các nghệ nhân chế tác linh vật được tận mắt ngắm nhìn và tìm hiểu về cách tạo hình cũng như ý nghĩa văn hóa của nghê, sư tử Việt trong đời sống tâm linh người Việt.

Qua đó, người xem sẽ phân biệt được rõ ràng các linh vật Việt và linh vật ngoại lai” - ông Phan Văn Tiến nói.

Để người dân cũng như khách tham quan hiểu rõ lịch sử, nguồn gốc, đặc điểm tạo hình và ý nghĩa tâm linh của linh vật ở từng thời kỳ khác nhau, đi kèm với mỗi hình tượng sư tử, nghê Việt sẽ có những phần chú thích, chú giải và những bài viết nói rõ niên đại, chất liệu, cách tạo hình, đặc điểm nổi bật và ý nghĩa tâm linh của linh vật trong từng thời kỳ.

Triển lãm sẽ trưng bày các linh vật theo thứ tự tiến trình lịch sử từ thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn...

Ban tổ chức cũng chuẩn bị sẵn những bản in con nghê và sư tử Việt ở nhiều thời kỳ để học sinh và khách tham quan được tự tay tô màu cho những linh vật đó.

Tại triển lãm, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế sẽ trình bày sự chuyển tiếp của linh vật Việt qua các thời kỳ khác nhau với các biến thể và những đặc điểm chung xuyên suốt...

“Linh vật từng thời có sự biến hóa và thay đổi, gắn liền với những suy nghĩ, tâm tư của người dân nước Việt trong các giai đoạn khác nhau, nên đặc điểm, tố chất và ý nghĩa tâm linh khác nhau. Nhưng xâu chuỗi lại vẫn có những đặc điểm chung nổi bật xuyên suốt của linh vật Việt” - ông Tiến giải thích thêm.

Nghê bằng gỗ phủ sơn ở đền vua Lê Thánh Tông, tỉnh Thanh Hóa đầu thế kỷ 17 - Ảnh: V.V.Tuân
Nghê bằng gỗ phủ sơn ở đền vua Lê Thánh Tông, tỉnh Thanh Hóa đầu thế kỷ 17 - Ảnh: V.V.Tuân

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế - người trực tiếp tham gia chuẩn bị cho triển lãm và là người sẽ thuyết trình tại triển lãm - chia sẻ: “Đến với triển lãm, người xem sẽ không khỏi bất ngờ vì được thấy con nghê và sư tử Việt đa dạng từ chất liệu đến cách tạo hình, với nhiều niên đại, nhiều công năng, nhiều sắc thái phong phú.

Ý nghĩa của triển lãm vượt qua vấn đề mỹ thuật để trở thành động lực kinh tế cho các làng nghề chế tác linh vật. Vì đây là nơi các nghệ nhân chế tác linh vật có thể sẽ tìm đến tham quan và tiếp nhận những bài học truyền thống của cha ông để khơi nguồn cho cuộc sống hôm nay”.

Triển lãm diễn ra tại phòng triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến ngày 17-11. Sau đó, triển lãm có thể tiếp tục được tổ chức tại Đà Nẵng và Ninh Bình - hai địa phương có cơ sở chế tác linh vật lớn nhất nước, và hiện đang gặp nhiều khó khăn khi mặt hàng sư tử đá ế ẩm (Tuổi Trẻ ngày 16, 17-9 và 30-10).

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên